Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 12:46 (GMT +7)
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm việc với tỉnh Quảng Ninh
Thứ 3, 08/10/2024 | 19:09:00 [GMT +7] A A
Ngày 8/10, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và đoàn công tác đã có cuộc làm việc với tỉnh Quảng Ninh về tình hình khắc phục hậu quả mưa bão, lũ lụt; giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân; giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, phong trào thi đua xóa nhà tạm nhà dột nát, xuất nhập khẩu; 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh và thực hiện Kết luận tại các Thông báo của Văn phòng Chính phủ. Cùng làm việc có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Về phía tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí: Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.
Báo cáo đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và đoàn công tác, các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh, để nhanh chóng khắc phục hậu quả cơn bão số 3, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang và toàn dân tham gia tập trung khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra. Trong đó, chỉ sau 7 ngày, việc thu dọn, khắc phục tạm thời các công trình bị hư hại, cây cối bị gãy, đổ đã cơ bản hoàn tất. Sau 5 ngày các dịch vụ thiết yếu đã cơ bản được khắc phục. Tỉnh cũng chỉ đạo khôi phục sản xuất ngay các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh như: Ngành than, các khu công nghiệp, khu kinh tế, du lịch, thương mại dịch vụ. Đồng thời, thực hiện cơ cấu lại nhiệm vụ chi triệt để, tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những khoản chi không thực sự cần thiết, cấp bách để dành nguồn lực khoảng 1.000 tỷ đồng thực hiện công tác khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau cơn bão số 3.
Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,02%. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, ước tăng 20,45%, cao hơn 4,05 điểm % so cùng kỳ. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt trên 15,6 triệu lượt, tăng 20% so cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 2,59 triệu lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 36.856 tỷ đồng, tăng 39% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đến 30/9/2024 đạt gần 40.500 tỷ đồng bằng 73% dự toán. Tỷ lệ giải ngân đạt 32,2% kế hoạch vốn giao đầu năm.
Về kết quả xoá nhà ở tạm, nhà ở dột nát, năm 2023, tỉnh đã hoàn thành xóa 100% nhà tạm, nhà ở dột nát mới phát sinh trên địa bàn tỉnh. Tỉnh tiếp tục phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần sửa chữa xây mới trên địa bàn tỉnh. Đối với việc thực hiện Quyết định 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", tỉnh đã xây dựng lộ trình triển khai thực hiện. Dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành 8.200 căn và đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ đã giao.
Đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành mục tiêu của cả giai đoạn. Hiện nay, tỉnh cũng đang tập trung các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tối đa các lĩnh vực còn dư địa phát triển lớn. Quyết tâm giữ mục tiêu phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng (GRDP) đạt 2 con số trong năm 2024.
Để khắc phục triệt để hậu quả của cơn bão số 3 cũng như tạo động lực phát triển trong thời gian tới, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách riêng, đủ mạnh, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3; các chính sách ưu đãi về tín dụng đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình bị thiệt hại do bão; chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư, KCN có tính chất đặc thù...
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đều đánh giá rất cao sự chủ động, nỗ lực của tỉnh trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. Đối với các nội dung đề xuất, kiến nghị, các ý kiến đều cơ bản đồng tình. Đồng thời khẳng định các bộ, ngành trung ương sẽ đồng hành, hỗ trợ tối đa cho Quảng Ninh trong quá trình triển khai thực hiện.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh với tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường đã chủ động phòng, chống và ứng phó cũng như nhanh chóng triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3, sớm đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường và khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỉnh cũng triển khai nghiêm túc và hiệu quả các nội dung trong Nghị quyết 143 của Chính phủ về khắc phục hậu quả cơn bão số 3, hỗ trợ khẩn cấp cho người dân và tái thiết kinh tế sau bão. Đồng chí cũng biểu dương Quảng Ninh trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sau cơn bão số 3 nhưng kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 của tỉnh vẫn có những điểm sáng, nhất trong lĩnh vực du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng. Quảng Ninh hoàn thành sớm, về đích sớm nhiều chỉ tiêu, mục tiêu 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện hiệu quả Đề án 06; nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình yêu cầu tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 3, đặc biệt triển khai những giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết 143 của Chính phủ về phục hồi sản xuất, sửa chữa nhà cửa, đường giao thông, ổn định đời sống cho người dân; đẩy mạnh các biện pháp phục hồi nông, lâm, thủy sản, trong đó quan tâm tái cơ cấu lại cho phù hợp. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và các chủ trương lớn của Chính phủ về đảm bảo an sinh xã hội.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thúc đẩy xuất nhập khẩu; tăng cường xúc tiến phát triển du lịch để tạo động lực phát triển mới cho địa phương. Thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế trọng yếu, còn dư địa phát triển lớn. Phát huy lợi thế của tỉnh trong thu hút các dự án FDI. Đồng thời nâng cao hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất – kinh doanh. Tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương.
Về những kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết những nội dung kiến nghị của tỉnh trong thời gian sớm nhất. Qua đó, tạo điều kiện để Quảng Ninh hoàn thành toàn diện các mục tiêu của cả nhiệm kỳ. Tiếp tục giữ vững vị thế của một cực tăng trưởng toàn diện khu vực phía Bắc.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trân trọng cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ và chia sẻ khó khăn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đối với tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời, mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho Quảng Ninh phát triển. Nhất là những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, phân cấp về thẩm quyền. Đồng chí cũng khẳng định, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp thu đầy đủ các chỉ đạo để bổ sung vào nhiệm vụ giải pháp những tháng cuối năm 2024; đồng thời, tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, truyền thống “Kỷ luật – Đồng tâm” trong khắc phục hậu quả cơn bão số 3 cũng như thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Qua đó, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đặt ra.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()