Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:05 (GMT +7)
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Bảo đảm an sinh cũng chính là chống dịch
Thứ 3, 24/08/2021 | 20:22:23 [GMT +7] A A
Chiều nay (24/8), Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và đoàn công tác đã đến kiểm tra việc thu mua nông sản và làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An về công tác phòng chống dịch, tình hình thu hoạch, tiêu thụ, phân phối nông sản khi phần lớn nông sản của địa phương cung cấp cho thị trường TPHCM.
Long An nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam và là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là có chung đường ranh giới với TPHCM. Đây được xem là thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long.
Đánh giá nỗ lực của tỉnh trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch và giữ vững sản xuất kinh doanh, Phó Thủ tướng nêu rõ, tuyệt đối không được chủ quan, cần quyết liệt hơn nữa, bởi chỉ cần 1 ổ dịch không được kiểm soát thì sẽ lây lan rộng.
Long An phải quyết tâm ngăn chặn bằng được, phấn đấu đẩy lùi dịch bệnh, khắc phục khó khăn hiện nay, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Để thực hiện điều đó, tỉnh phải tập trung cao cho xét nghiệm toàn bộ dân số để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, vì hiện nay, trong tỉnh, vùng xanh còn rộng, vùng đỏ còn ít. Cố gắng quản lý sớm các F1, sót 1 F1 thì có nguy cơ trở thành F0, tạo thành 1 ổ dịch. Tổ chức cách ly các F1 thật tốt để tránh lây nhiễm chéo.
Trong quá trình phong toả vùng đỏ thì phải thực hiện chính sách hỗ trợ người dân để bà con an tâm, ở yên tại chỗ, trong đó, cần chú ý đến các hộ gặp khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19. Phó Thủ tướng lấy ví dụ, sáng nay, đi thăm một xóm trọ của công nhân tại TPHCM, có hộ gia đình gồm 2 vợ chồng làm công nhân, cùng 2 con nhỏ sống trong căn phòng 9 m2, trước đây làm đủ ăn nhưng khi có dịch, tạm thời mất việc nên không có thu nhập, cuộc sống rơi vào khó khăn. Những hộ như thế này cũng rất cần hỗ trợ mặc dù chưa chính thức vào danh sách hộ nghèo.
Do đó, chăm lo an sinh xã hội cũng chính là chống dịch, lo cho người dân yên tâm ở nhà, không đi ra ngoài chính là chống dịch. Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư trang thiết bị y tế, nhân lực để cứu chữa bệnh nhân, hạn chế thấp nhất tử vong.
Trước các kiến nghị cụ thể của tỉnh, Phó Thủ tướng cho rằng, Chính phủ luôn ủng hộ, hỗ trợ cho Long An, nhưng nếu bị động, chờ đợi thì sẽ hỏng việc, nước xa không cứu được lửa gần. Tỉnh cần chủ động cân đối nguồn lực để chi cho các nhiệm vụ cấp bách trong phòng chống dịch như mua sắm trang thiết bị y tế, tổ chức xét nghiệm, cách ly, chi cho an sinh xã hội… Nếu chần chừ, chậm trễ thì thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều.
Trao đổi kinh nghiệm trong vấn đề này, Phó Thủ tướng cho biết, đối với địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh có thể ban hành các nghị quyết dừng các khoản chi khác để dành nguồn lực cho chống dịch.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, phải bảo đảm an toàn mới cho sản xuất, công nhân đến nhà xưởng thì phải có kết quả âm tính.
Nếu gặp vướng mắc trong khâu thu hoạch nông sản, Phó Thủ tướng chia sẻ, tỉnh có thể nhờ lực lượng quân đội giúp, “sáng nay, tôi có nói chuyện với anh Phan Văn Giang, chỉ cần một cuộc điện thoại là anh ấy sẽ điều quân đến giúp”.
Phấn đấu cuối tháng 8 kiểm soát được dịch
Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Long An, tính đến 6h ngày 24/8/2021, tỉnh Long An ghi nhận 19.079 ca nhiễm COVID-19. Tỉnh đã chuẩn bị các kịch bản đảm bảo công tác y tế cho các tình huống có 20.000, 25.000 và 30.000 ca bệnh trên địa bàn tỉnh để chủ động có biện pháp ứng phó, không để bị động bất ngờ. Đồng thời tiếp tục tập trung công tác đầu tư, mua sắm, bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế và huy động nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện công tác cách ly, chăm sóc, điều trị các bệnh nhân COVID-19 theo tháp điều trị 3 tầng nhằm giảm thấp nhất tỉ lệ tử vong.
Tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm sàng lọc tại 5 địa phương thuộc vùng đỏ, đảm bảo thực hiện xét nghiệm hết người dân trên địa bàn và thực hiện xét nghiệm ít nhất 2 lần nhằm phát hiện và bóc tách hết F0, F1 ra khỏi cộng đồng ngay trong tháng 8/2021. Tính đến ngày 23/8/2021, Long An đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho hơn 33,5% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Hiện toàn tỉnh còn 767 doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với tổng số 44.422 lao động.
Tỉnh dự kiến trong 2 tuần tới (từ 24/8/2021-7/9/2021), lúa Hè Thu và lúa Thu Đông của các huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Hưng sẽ thu hoạch với diện tích 81.400 ha, sản lượng 410.800 tấn. Hiện vẫn có thương lái, doanh nghiệp thu mua nhưng số lượng giảm đáng kể hoặc thu mua với số lượng ít. Nguyên nhân là do ngại di chuyển vì dịch bệnh; chi phí tăng khi phải xét nghiệm định kỳ; nhiều nhà máy chế biến lúa giảm công suất...
Nhìn chung hoạt động vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh được lưu thông, không bị ùn tắc, đáp ứng được sản xuất của các đơn vị và đáp ứng được nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân; đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ được giao liên quan đến công tác phòng, chống dịch của địa phương.
Hiện tại, hệ thống các siêu thị, Trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi vẫn đang hoạt động bình thường, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung giá hàng hoá tương đối ổn định; sức mua ổn định, không có hiện tượng thu gom, tăng giá đột biến.
Hiện toàn tỉnh có 136 đơn vị cung ứng hàng hóa thiết yếu; có trên 176 điểm bán hàng bình ổn cố định và lưu động trên địa bàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Long An cho biết, tỉnh phấn đấu đến cuối tháng 8 sẽ cơ bản kiểm soát được dịch để bắt đầu chuyển sang trạng thái bình thường mới, trong đó tập trung xét nghiệm sàng lọc để tách F0 ra khỏi cộng đồng, hạ dần mức độ dịch bệnh (giữ vững vùng xanh, hạ dần mức độ dịch bệnh ở các vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng); tập trung tiêm vaccine cho người dân.
Tỉnh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh, trong đó sẽ có các giải pháp, lộ trình cụ thể để đưa doanh nghiệp hoạt động trở lại (bên cạnh việc hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” hiện nay) tương ứng với các cấp độ dịch bệnh và mức độ tiêm vaccine cho người lao động phù hợp. Đồng thời sẽ nghiên cứu vận hành quy trình sản xuất mới cho các doanh nghiệp trên địa bàn để “sống chung” an toàn với đại dịch.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao Long An trong việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, “chúng ta tổ chức bán hàng lưu động, đặt hàng trực tuyến rất tốt, rất nhiều đơn vị đăng ký bán giá bình ổn”. Hỗ trợ Long An tiêu thụ nông sản, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, 1 tuần nữa sẽ có hội nghị giao thương trực tuyến rất lớn cho quả thanh long, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Long An giới thiệu sản phẩm của mình. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tổ chức nhiều sự kiện giao thương trực tuyến, do đó, Sở Công Thương Long An cần hướng dẫn doanh nghiệp tham gia.
Một số thành viên đoàn công tác cho rằng, Long An là vùng đệm cung cấp thực phẩm cho TPHCM, nên tỉnh cần quan tâm chú ý giữ hoạt động của các lò giết mổ gia súc, gia cầm. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu như cấp giấy QR, xét nghiệm…
* Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đã đến kiểm tra tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản tại Công ty xuất nhập khẩu nông sản Hưng Nguyên 3, ấp Thanh Hòa, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành.
Theo Chinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()