Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:04 (GMT +7)
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn
Thứ 2, 06/11/2023 | 22:09:29 [GMT +7] A A
Chiều 6/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trả lời chất vấn trước Quốc hội một số nội dung liên quan đến lĩnh vực kinh tế tổng hợp.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ trân trọng các đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến chất vấn rất tâm huyết, trách nhiệm, sát với thực tiễn liên quan đến lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân hàng, qua đó gợi mở cho Chính phủ nhiều giải pháp rất có ý nghĩa trong công tác điều hành thời gian tới.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã cố gắng làm rõ những vấn đề đại biểu nêu.
Trong đó, có những vấn đề đã nghiêm túc chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được kết quả cụ thể. Tuy nhiên cũng có những vấn đề hết sức phức tạp, cần thời gian và thêm nguồn lực cũng như sự thống nhất trong cả hệ thống để thực hiện hiệu quả.
Nhiều mục tiêu, chính sách tái cơ cấu nền kinh tế đã phát huy tác dụng
Trả lời chất vấn của đại biểu Phan Viết Lượng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) về tái cơ cấu nền kinh tế, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Đất nước ta đang phát triển. Nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, độ mở lớn, sức chống chịu đối với các tác động bất lợi từ bên ngoài có hạn, đặc biệt là năng lực cạnh tranh còn rất hạn chế. Chính vì vậy Trung ương Đảng đã có chỉ đạo phải tái cơ cấu nền kinh tế.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Căn cứ vào Nghị quyết này, Chính phủ đã có Nghị quyết số 54/NQ-CP ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Trong đó, Chính phủ đã nêu rõ các mục tiêu, xác định cụ thể 102 nhiệm vụ, giải pháp, trên cơ sở đó, các bộ ngành, địa phương đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, đây là chương trình được thực hiện trong 5 năm, mới triển khai được 2 năm nên nhiều nội dung chưa hoàn thành toàn bộ. Hiện đã có 37 nhiệm vụ đã hoàn thành và đã có văn bản; 28 nhiệm vụ đang triển khai, đang hoàn thiện trình cấp thẩm quyền phê duyệt; 37 nhiệm vụ đang triển khai theo kế hoạch.
Sau 2 năm thực hiện, nhiều mục tiêu, chính sách đã phát huy tác dụng như: tạo dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ được sử dụng linh hoạt, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng,...
Các loại thị trường (chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp) tiếp tục được phát triển. Vừa qua đã khai trương thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đối với thị trường chứng khoán, hiện đang phấn đấu nâng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Đồng thời chúng ta cũng tiếp tục phát triển lực lượng doanh nghiệp theo mục tiêu đề ra; hạ tầng giao thông cũng có sự phát triển mạnh mẽ,...
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng thẳng thắn thừa nhận còn một số chỉ tiêu chưa đạt, cần phải nỗ lực, phấn đấu thực hiện trong thời gian tới như chỉ tiêu tăng năng suất lao động, tỷ trọng chi cho khoa học công nghệ… Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi đáng kể.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật để tháo gỡ các rào cản, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại các lĩnh vực trọng tâm.
Thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển lực lượng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước. Tập trung phát huy vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các đô thị lớn, các cực tăng trưởng, thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Thúc đẩy chuyển dịch các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững, phát triển các ngành mới, dịch vụ chất lượng cao; phát triển đồng bộ các loại thị trường….
Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung nâng cao tinh thần trách nhiệm để triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ đề ra.
Đầu tư cho giáo dục đào tạo, văn hóa, xã hội là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước
Về phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục, văn hóa, xã hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã quan tâm, bố trí nguồn lực cho những lĩnh vực này.
Theo quy định hiện hành, phải dành 20% tổng chi ngân sách để bố trí cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Thực tế, bình quân hàng năm, chúng ta cũng đã bố trí khoảng 14,7% tổng chi ngân sách cho giáo dục, đào tạo. Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cùng bố trí khoảng 3,7% tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp.
Đồng thời, Chính phủ cũng quan tâm, dành nguồn lực bố trí cho lĩnh vực văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa. Vừa rồi cũng đã bố trí gần 2000 tỷ đồng để tu bổ các di tích lịch sử, văn hóa.
Tuy nhiên, nguồn lực ngân sách nhà nước còn chưa đáp ứng được nhu cầu và còn tình trạng dàn trải. Trong tổ chức thực hiện, còn tình trạng phân bổ nhiều lần trong năm, sử dụng không hết dự toán.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ căn cứ vào chủ trương của Đảng, căn cứ của pháp luật, tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Trước tiên, cần kiên trì quan điểm coi đầu tư cho giáo dục đào tạo, văn hóa xã hội là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước.
Quan tâm bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước cho 2 lĩnh vực giáo dục và đào tạo, văn hóa. Trong điều kiện nguồn lực ngân sách nhà nước còn khó khăn cần đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực xã hội. Đồng thời, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, hợp tác công tư để huy động xã hội hóa.
Khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng văn hóa. Trong Chương trình này, sẽ ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu trọng tâm.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy nhanh giải ngân trong lĩnh vực này.
Khẩn trương sửa đổi Nghị định số 32 về giao nhiệm vụ đặt hàng, đấu thầu để nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong sử dụng ngân sách nhà nước.
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu liên quan tới cổ phần hóa
Về vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thẳng thắn cho rằng: Kể cả trong nhiệm kỳ trước và nửa nhiệm kỳ này, việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm. Giai đoạn trước chỉ thực hiện được 30%. Trong 10 tháng năm 2023, kết quả đạt được trong công tác này cũng rất khiêm tốn.
Về nguyên nhân, Phó Thủ tướng cho rằng: Thứ nhất là do bất ổn của thị trường tài chính trong nước. Đặc biệt tác động của dịch COVID-19 làm cho công tác cổ phần hóa, cũng như nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư cũng bị hạn chế.
Mặt khác, do đặc thù của các doanh nghiệp cổ phần hóa hiện nay là những doanh nghiệp còn lại, rất khó khăn trong cổ phần hóa,… Trong thời gian vừa qua, khi tiến hành cổ phần hóa, có những Tổng công ty thu hút sự tham gia của xã hội không nhiều (chỉ khoảng 1%). Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung ứng dịch vụ công ích nên việc cổ phần hóa cũng rất khó khăn.
Đặc biệt, các trình tự, thủ tục, các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này rất phức tạp…. dẫn tới công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước chưa được như mong muốn.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn. Tiếp tục rà soát, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu liên quan tới cổ phần hóa, đặc biệt là các đại diện chủ sở hữu, các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Về việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong thực hiện quy định của pháp luật tiết kiệm, chống lãng phí, đối với nội dung này Quốc hội đã có giám sát và ban hành Nghị quyết số 74, ngày 15/11/2022 của Quốc hội. Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã có Chương trình hành động, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp.
Tuy nhiên, kết quả triển khai của các bộ ngành chưa được như mong muốn. Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương có liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp đã đề ra; đồng thời xử lý những vi phạm, tồn tại để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí được thực hiện hiệu quả.
Nêu thực tế về vấn đề áp dụng quy định của pháp luật liên quan đến chi thường xuyên và chi đầu tư công, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Chính phủ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và căn cứ vào tình hình thực tiễn để đề xuất tổng thể, xử lý dứt điểm vấn đề này./.
Theo Baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()