Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 23:28 (GMT +7)
Phó Thủ tướng: Bình Dương khoanh gọn, không để dịch COVID-19 lan rộng
Thứ 4, 30/06/2021 | 17:03:05 [GMT +7] A A
Phó Thủ tướng yêu cầu Bình Dương cần tăng cường tầm soát tại các bệnh viện, nhà thuốc, phòng khám…; siết chặt công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở điều trị, không để "bị thủng" tại đây.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến với tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch, sáng 30/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu địa phương tập trung “khoanh gọn, dập dịch ngay từ đầu, không để dịch lan rộng trên địa bàn."
Tốc độ lấy mẫu phải đồng bộ với tốc độ xét nghiệm
Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tỉnh Bình Dương chủ động chia các khu vực theo mức độ dịch bệnh để có giải pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Siết lại tinh thần chống dịch trong trạng thái bình thường mới, toàn tỉnh tiến hành đồng bộ các biện pháp, trong đó, tập trung phòng, chống dịch tại những khu vực nguy cơ cao, các hoạt động tập trung đông người, dịch vụ giải trí, hoạt động không thiết yếu…
Khi công bố ổ dịch, Bình Dương cần kiểm soát chặt người di chuyển, nhất là công nhân làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp; tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K; lên phương án tổ chức các dịch vụ thiết yếu hợp lý, đảm bảo an toàn dịch tễ.
Trong bối cảnh dịch lây lan trong các khu công nghiệp, cùng với việc yêu cầu các doanh nghiệp chủ động phương án phòng, chống dịch, tổ chức lại ca, kíp sản xuất theo nơi ở của công nhân, tỉnh Bình Dương khẩn trương lên danh sách công nhân làm việc trong các khu công nghiệp để chủ động ứng phó khi xuất hiện ca mắc COVID-19.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bình Dương lập 2 mũi xét nghiệm ngay từ sớm: Mũi thứ nhất nhằm triển khai xét nghiệm sàng lọc, tầm soát đánh giá nguy cơ tại những khu vực an toàn, với địa điểm, tần suất hợp lý, trên cơ sở khuyến cáo của ngành y tế; kết hợp hài hòa, hợp lý giữa triển khai xét nghiệm Realtime RT-PCR mẫu gộp và test kháng nguyên nhanh. Mũi thứ hai tập trung lực lượng lấy mẫu xét nghiệm để truy vết, đảm bảo trả kết quả chậm nhất trong vòng 24 giờ, tránh tình trạng trả kết quả xét nghiệm chậm; tốc độ lấy mẫu phải đồng bộ với tốc độ xét nghiệm; cập nhật kịp thời kết quả xét nghiệm để thông báo cho các địa phương liên quan truy vết ca bệnh.
Nhấn mạnh việc phải dựa trên các dữ liệu khoa học để khoanh vùng, cách ly, Phó Thủ tướng nêu rõ trường hợp chưa khoanh được hẹp ngay, có thể khoanh vùng rộng để tập trung lấy mẫu xét nghiệm nhanh trong một vài ngày, từ đó, xác định được ổ dịch, nguồn lây; thu hẹp khu vực phong tỏa đúng trọng tâm, trọng điểm. Thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà với quy mô phù hợp để chuẩn bị cho tình huống dịch bùng phát mạnh.
Đặc biệt, tỉnh cần tăng cường tầm soát tại các bệnh viện, nhà thuốc, phòng khám…; siết chặt công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở điều trị, không để “bị thủng” tại đây.
Nguy cơ bùng dịch tại tỉnh Bình Dương rất lớn
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho biết tại đợt dịch lần thứ 4, toàn tỉnh ghi nhận 326 ca mắc COVID-19, trong đó, 24 ca phát hiện qua khám bệnh tại các cơ sở y tế; trung bình ghi nhận từ 20-40 ca/ngày.
Các ca mắc chủ yếu xuất hiện trong các khu nhà trọ, doanh nghiệp, khu công nghiệp. Bình Dương đang nỗ lực thực hiện phong tỏa, giãn cách khoanh vùng hợp lý; thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền người dân thực hiện đúng quy định giãn cách xã hội.
Về năng lực cách ly y tế, Bình Dương có 34 cơ sở cách ly tập trung. Khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên trong đợt này, Bình Dương đã chuẩn bị 5.000 chỗ cách ly tập trung.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch, tỉnh nâng cấp khả năng lên 10.000 người, tiếp tục mở rộng cách ly tập trung cho 30.000 người. Hiện Bình Dương có hơn 3.000 trường hợp F1, khoảng 8.000 trường hợp F2.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 8 máy xét nghiệm Realtime RT-PCR, có khả năng xét nghiệm 5.000 mẫu đơn/ngày, tương đương 50.000 mẫu gộp/ngày.
Xác định rõ trong thời điểm hiện nay, xét nghiệm diện rộng rất quan trọng nên Bình Dương đã tập trung chỉ đạo, có kế hoạch thành lập 450 đội lấy mẫu xét nghiệm trên 5 huyện, thị xã, thành phố, thực hiện trong 14 ngày.
Dự kiến, số lượng lấy mẫu khoảng 1 triệu người (tương đương 100.000 mẫu gộp) để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Liên quan đến công tác điều trị, Bình Dương đã tăng khả năng điều trị từ 250 giường lên 600 giường bệnh và đang mở rộng lên 1.000 giường.
Qua 3 đợt, Bình Dương đã tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho hơn 40.000 người và chuẩn bị tiêm cho 20.000 người trong thời gian tới.
“Nguồn dịch lây lan khó kiểm soát do đặc điểm của Bình Dương có rất nhiều nhà trọ đan xen với nhà máy ở trong và ngoài khu công nghiệp. Nguy cơ bùng dịch trên địa bàn rất lớn,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà nhận định.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Đức Duy cho rằng tỉnh Bình Dương chú trọng công tác truy vết, khoanh vùng một số ca F0 cũng như thời điểm dịch bùng phát tại một số khu vực trọng điểm: doanh nghiệp, khu nhà trọ, chợ dân sinh… Qua đó, các lực lượng tập trung vào các “điểm nóng," khoanh vùng chặt, tập trung truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức cách ly hợp lý.
Theo Thứ trưởng Bùi Đức Duy, Bình Dương cần khẩn trương lập danh sách công nhân đang làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, địa điểm lưu trú… để khi dịch xuất hiện có thể nhanh chóng truy vết, khoanh vùng, dập dịch.
Đồng quan điểm, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, lưu ý công tác tuyên truyền cho công nhân trong các khu nhà trọ, thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, tránh lây nhiễm chéo; chỉ đạo xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện ca F0, tránh lây nhiễm ra cộng đồng; triển khai phương án phòng, chống dịch trong khu công nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Y tế…
Liên quan đến công tác cách ly, Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam nhấn mạnh Bình Dương cần xác định đúng “điểm nóng” để tập trung ngăn chặn, tổ chức xét nghiệm sàng lọc hợp lý.
“Nơi có nguy cơ cao phải làm rất chặt, phải ‘cửa đóng then cài,’ không làm nửa vời; nên xây dựng các mô hình ngăn chặn phù hợp; dừng các dịch vụ không cần thiết như quán bar, karaoke, nhà hàng, hoạt động tập trung đông người…," Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu cho biết./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()