Đây là chia sẻ của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà ngày 12/4, ngay sau khi Thủ tướng chỉ đạo có giải pháp "ngay và luôn" giảm chênh lệch giá vàng miếng và thế giới.
Mỗi lượng vàng miếng SJC hiện cao hơn 12-13 triệu đồng so với thế giới, đã giảm so với mức chênh lệch 18-20 triệu đồng trước đó, nhưng vẫn ở mức cao.
Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của thị trường quốc tế, giá vàng trong nước biến động mạnh và giữ chênh lệch cao so với thế giới. Để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã sẵn sàng các phương án can thiệp và kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng trên toàn quốc trong hai năm 2022-2023.
Với thị trường vàng miếng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói "sẽ triển khai ngay việc tăng cung vàng miếng" để giảm chênh lệch so với thế giới.
Lâu nay, SJC là đơn vị được giao độc quyền sản xuất vàng miếng nhưng trên thực tế chục năm qua, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho đơn vị này dập thêm. Do đó, nguồn cung mặt hàng này trở nên hạn chế và cũng là một nguyên nhân khiến vàng miếng neo cao so với thế giới.
Còn với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.
Bên cạnh đó, cơ quan này nói sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan để yêu cầu doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ giám sát, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng. Cơ quan này và các bộ, ngành đã thành lập xong đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4 này.
Đối với Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện và cũng đã đề xuất một số phương hướng chỉnh sửa, bổ sung và triển khai trong thời gian tới.
Ý kiến ()