Giai đoạn từ tháng 5/2020 đến tháng 10/2021, bà Dung là Thành viên Hội đồng quản trị của Tập đoàn FLC đồng thời giữ chức vụ tương tự tại 6 công ty khác. Trong khi đó, theo quy định của Luật Chứng khoán, thành viên Hội đồng quản trị của một công ty đại chúng không được đồng thời giữ chức này tại quá 5 công ty khác.
Mức xử phạt của Uỷ ban Chứng khoán đưa ra là 70 triệu đồng vì "áp dụng tình tiết giảm nhẹ do người vi phạm hành chính đã tự nguyện khắc phục hậu quả".
Theo báo cáo quản trị của Tập đoàn FLC năm 2021, bà Dung vừa là Phó chủ tịch tại công ty này vừa kiêm nhiệm hàng loạt vị trí cấp cao trong các công ty thành viên.
Bà là chủ tịch tại 7 công ty gồm: Chứng khoán BOS, Xây dựng FLC Faros, FLC Travel, Sản xuất và xuất nhập khẩu Nông sản FAM, FLC Đồ Sơn Golf & Resort, Đầu tư Phát triển và quản lý khu công nghiệp FLC, Cemaco Việt Nam. Ngoài ra, bà còn là thành viên Hội đồng quản trị tại hai công ty gồm FLCHomes, Công ty Quản lý khách sạn và khu nghỉ dưỡng FLC.
Bà Dung là Tiến sĩ Luật Quy hoạch Xây dựng Đại học Tổng hợp Montesquieu Bordeaux IV, Pháp.
Bà từng là luật sư chính của Công ty Luật TNHH SMiC – tiền thân của Tập đoàn FLC - sau đó được bổ nhiệm vào các vị trí quản lý cấp cao như Trưởng ban Pháp chế và Phát triển dự án, Phó tổng giám đốc trước khi thành Tổng giám đốc. Bà Dung thôi chức Tổng giám đốc Tập đoàn FLC vào cuối tháng 3/2020.
Cũng trong ngày hôm nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ quyết định "phạt hành chính 1,5 tỷ đồng với ông Trịnh Văn Quyết". Việc huỷ này do đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01), sau khi cơ quan này đã khởi tố vụ án hình sự với ông Quyết với cáo buộc "thao túng" và "che giấu thông tin chứng khoán", vào ngày 29/3.
Trước đó, ngày 18/1, Uỷ ban chứng khoán quyết định phạt vi phạm hành chính với Chủ tịch Tập đoàn FLC với mức 1,5 tỷ đồng, mức phạt cao nhất theo Nghị định 128 về xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán có hiệu lực đầu năm nay. Ngoài ra, ông Quyết bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.
Ông Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào chiều 10/1 nhưng không công bố thông tin trước đó. Tối cùng ngày, SSC cho biết mới nhận được báo cáo nên ra quyết định phong toả tài khoản của người đứng đầu FLC. Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) ngày 11/1 ra thông báo huỷ bỏ giao dịch này và đến 12/1, nhà đầu tư được hoàn lại tiền đã mua.
Từ khi sự việc xảy ra, nhà đầu tư liên tục bán tháo FLC và các cổ phiếu liên quan đến ông Quyết như ROS, AMD, KLF, HAI. Các mã này đã có chuỗi giảm sâu 7 phiên liên tiếp và thường xuyên rơi vào tình trạng không có bên mua.
Ý kiến ()