Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:32 (GMT +7)
Phổ biến giáo dục pháp luật vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Huy động nhiều nguồn lực
Thứ 5, 06/02/2020 | 08:14:47 [GMT +7] A A
Người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh hiện phần lớn cư trú ở miền núi cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo. Đây cũng là nơi có vị trí trọng yếu về an ninh, quốc phòng. Bởi vậy, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào DTTS luôn được tỉnh quan tâm.
Ban Dân tộc tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân xã Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ), tháng 5/2018. Ảnh: Ban Dân tộc tỉnh |
Bà Tằng Tài Múi, dân tộc Dao (bản Quảng Mới, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà), cho biết: Những năm gần đây, việc tuyên truyền chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân xã rất tốt. Xã không chỉ tổ chức các cuộc tuyên truyền ở Nhà văn hóa thôn, mà còn đến trực tiếp đến các hộ, nhất là những chính sách liên quan trực tiếp đến người dân tộc.
Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg (ngày 8/8/2017) của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021”. Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì phối hợp cùng các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL một cách đồng bộ.
Để nâng cao trình độ năng lực, động viên đội ngũ tham gia công tác PBGDPL cho vùng đồng bào DTTS vào cuộc tích cực, thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tăng cường tập huấn, biểu dương những cá nhân điển hình. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức gần 1.000 hội nghị, diễn đàn, tập huấn tuyên truyền, PBGDPL cho hàng chục nghìn lượt cán bộ, đoàn thể các xã, thôn, bản vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh; 23 hội nghị biểu dương 1.279 lượt người có uy tín.
Đội ngũ này đã cùng các ngành, địa phương tích cực thực hiện công tác PBGDPL cho người dân với nhiều hình thức, như: Tổ chức 13 cuộc thi tìm hiểu Luật Lâm nghiệp và các quy định phòng cháy, chữa cháy rừng; hơn 900 hội thảo, tọa đàm, tuyên truyền trực tiếp cho gần 73.800 lượt người dân; 56 buổi tuyên truyền thông qua hình thức văn hóa, văn nghệ phục vụ trên 12.000 lượt người; 200 buổi chiếu phim lưu động/năm; 150 buổi tuyên truyền lưu động/năm phục vụ khoảng 400.000 lượt người dân.
Cùng với đó, các ngành, địa phương tích cực biên soạn tờ gấp, sổ tay, các bộ tài liệu, tờ rơi, áp phích, đĩa DVD... cung cấp kiến thức pháp luật cho người dân. Từ năm 2017 đến nay, đã có gần 948.300 tài liệu pháp luật được phát đến bà con vùng DTTS, miền núi, biên giới của tỉnh.
Cán bộ Ban Dân tộc tỉnh tuyên truyền, vận động người dân xã Hải Sơn (TP Móng Cái) thực hiện tốt chính sách pháp luật của Nhà nước. |
Đặc biệt, các sở, ngành, địa phương phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện các bài viết, phóng sự, chuyên đề về công tác trợ giúp pháp lý; phản ánh những mô hình tiêu biểu, gương người DTTS chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trung tâm truyền thông và văn hóa cấp huyện tiếp sóng Trung tâm Truyền thông tỉnh, tăng cường tuyên truyền PBGDPL qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở và hệ thống loa, đài ở khu dân cư...
Để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, các sở, ngành đã triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đến năm 2020. Nhờ đó đến nay, 90% người dân xã Yên Than (huyện Tiên Yên) được tuyên truyền về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về gia đình và công tác phòng, chống bạo lực gia đình…
Các sở, ngành, địa phương thí điểm mô hình đưa công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới vào quy ước, hương ước tại các xã có tỷ lệ đồng bào DTTS cao, như: Xã Bằng Cả, TP Hạ Long; xã Quảng Minh, huyện Hải Hà; xã Quảng Lợi, huyện Đầm Hà. Trong năm 2019, Ban Dân tộc tỉnh cũng chủ trì triển khai đề tài khoa học "Vận dụng luật tục của người Dao, Sán Chỉ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vào quản lý và xây dựng cộng đồng tự quản thôn, bản vùng dân tộc thiểu số phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập"...
Nhờ những biện pháp tích cực trên, đa số người dân thuộc vùng DTTS và miền núi của tỉnh đã được tiếp cận với các quy định của pháp luật, có sự chuyển biến tích cực về nhận thức và nâng cao ý thức tôn trọng, tự giác chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận cao trong xã hội.
Đồng bào DTTS đã chủ động nắm bắt thông tin trên các phương tiện thông tin, cảnh giác với các luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phòng ngừa tội phạm vùng DTTS và miền núi.
Thu Nguyệt
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()