Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:51 (GMT +7)
Phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù
Thứ 5, 07/01/2021 | 06:50:02 [GMT +7] A A
Ðề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù, tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018-2021” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2017. Qua 2 năm thực hiện trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng từng lầm lỗi...
Phổ biến, giáo dục pháp luật cho phạm nhân ở Trại tạm giam Công an tỉnh được lồng ghép cùng với các chương trình học nghề, sinh hoạt tổ, nhóm lao động. Ảnh: Hằng Ngần |
Năm 2020, trên địa bàn tỉnh tiếp nhận, theo dõi 1.233 quyết định thi hành án phạt tù; lập hồ sơ, đề nghị đưa 1.457 người bị kết án phạt tù đến trại giam chấp hành án. Số người chấp hành hình phạt tù tại xã, phường, thị trấn là 1.111 người. Toàn tỉnh lập 240 hồ sơ chuyển tòa án đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc; vận động 540 đối tượng đi cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện; 1.168 người tham gia chương trình điều trị thay thế bằng methadone. Toàn tỉnh đã lập 624 hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc 6 trường hợp. Tổng số người chấp hành xong án phạt tù là 2.279.
Thực hiện Đề án, tỉnh đã chỉ đạo triển khai nghiêm túc, đúng tiến độ, bám sát nội dung kế hoạch đề ra. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương áp dụng nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) phù hợp với đối tượng, mục đích tuyên truyền. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu về các bộ luật, luật được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện với nhiều hình thức phù hợp, tạo được những chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức về pháp luật của người được tuyên truyền.
Điển hình, Công an tỉnh đã chủ động đổi mới nội dung công tác PBGDPL. Để việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đạt hiệu quả cao, Công an tỉnh đã chỉ đạo trại tạm giam, nhà tạm giữ xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện tuyên truyền, PBGDPL cho các đối tượng là người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân đang chấp hành án; kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền; giao nhiệm vụ cho từng cán bộ phụ trách các phân trại nghiêm túc thực hiện; thường xuyên đổi mới phương pháp, hình thức. Bên cạnh những buổi học pháp luật định kỳ hằng tuần, để các phạm nhân có điều kiện tiếp cận thông tin thời sự trong tỉnh, trong nước và quốc tế, mỗi ngày từ 19-21h, phạm nhân được xem chương trình thời sự, đọc báo và nghe chương trình phát thanh tại phòng sinh hoạt... Mặt khác, để các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho người đang chấp hành án phạt tù không bị khô cứng, khó hiểu, cán bộ quản giáo thường lồng ghép cùng với các chương trình học nghề, sinh hoạt tổ, nhóm lao động với các nội dung tuyên truyền tập trung vào các nội quy, quy chế của trại tạm giam, nhà tạm giữ; quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân; các quy định về phòng chống dịch Covid-19; những quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Đặc xá; những quy định liên quan về tái hòa nhập cộng đồng, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với những người vi phạm pháp luật có nhiều cố gắng, nỗ lực chấp hành án...
Công an tỉnh chủ động phối hợp với Tỉnh Đoàn, các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể xã hội, doanh nghiệp tổ chức rà soát, lên danh sách những người chấp hành xong án phạt tù là các đối tượng thanh niên về địa phương sinh sống, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện để họ tái hòa nhập cộng đồng. Trong năm 2020, ngành đã phối hợp với Đoàn Thanh niên, Câu lạc bộ tuổi trẻ pháp luật tuyên truyền, PBGDPL cho gần 4.000 thanh thiếu niên, học sinh góp phần khơi dậy khát vọng và niềm tin hướng thiện, giúp các em an tâm học tập, cải tạo, sớm trở về đoàn tụ với gia đình...
Các địa phương thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị kiểm tra, giám sát và thực hiện việc PBGDPL cho các đối tượng đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, người đã hoàn thành án phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương và người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng; quan tâm, động viên, tạo điều kiện và PBGDPL cho thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ.
Các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường phối hợp xây dựng các mô hình về quản lý, giáo dục người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng; thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ, người thuộc diện phải tiếp tục quản lý theo quy định của pháp luật hiện đang cư trú trên địa bàn tỉnh. Trong tổng số 224 mô hình tự quản về ANTT có 50 mô hình được xây dựng mới, có nhiều mô hình đã quan tâm và đưa nội dung về PBGDPL cho người bị áp dụng các biện pháp tư pháp, biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng và thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Nổi bật như các mô hình: Quản lý, giáp dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội; quản lý giáo dục thanh thiếu niên có nguy cơ làm trái pháp luật; chi hội phụ nữ nòng cốt không có chồng, con em vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội; cựu chiến binh tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa người lầm lỗi...
Qua giáo dục, cảm hóa, cơ bản các phạm nhân đã tiếp thu tốt, nhận thức được tội lỗi gây ra, chấp hành nghiêm nội quy, quy chế trại giam; tích cực, tự giác lao động, cải tạo tốt. Năm 2020, Công an tỉnh đã tổ chức 3 đợt xét giảm án cho 109 phạm nhân, 6 phạm nhân được tha tù trước thời hạn có điều kiện; tổ chức giáo dục cho 884 lượt phạm nhân về tái hòa nhập cộng đồng, trợ giúp pháp lý...
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()