Ông Phạm Hoàng Anh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, bị bắt ngày 27/3 với cáo buộc nhận hối lộ liên quan vụ án xảy ra tại tập đoàn Phúc Sơn.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an nghi vấn ông Anh đã nhận tiền của chủ tịch tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu (Hậu "Pháo") để tạo điều kiện cho tập đoàn này thực hiện dự án chợ đầu mối Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đây là lãnh đạo thứ ba của Vĩnh Phúc bị bắt trong tháng 3 do liên quan Hậu "Pháo". 20 ngày trước, bàHoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và ông Lê Duy Thành, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc, cũng bị khởi tố, bắt với cáo buộc nhận hối lộ.
Bộ Công an cho biết ông Thành và bà Lan đã "nhận số tiền tương đối lớn, lên đến nhiều tỷ đồng". Hai người "bước đầu đã nộp lại tiền". Hậu "Pháo" bị cáo buộc "chi phối, lũng đoạn, gây áp lực" với một số bị can trong Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.
Cùng ngày bắt ông Hoàng Anh, cơ quan điều tra cũng bắtcựu bí thư Tỉnh uỷ Quảng NgãiLê Viết Chữ với cáo buộc nhận tiền "tạo điều kiện giúp Phúc Sơn trúng gói thầu thi công tuyến đường chính dự án đường bờ nam sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi".
Ông Phạm Hoàng Anh, 49 tuổi, quê Phú Thọ, từng làm giám đốc Sở Xây dựng, Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên. Từ tháng 10/2020, ông làm Phó bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.
Vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và các đơn vị liên quan bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố cuối tháng 2.
Ngày 26/2, ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Phúc Sơn, bị khởi tố, tạm giam để điều tra với tội danh ban đầu làVi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.Điều tra 2 trong 21 dự án (tổng mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng) tại Vĩnh Phúc, công an cho rằng Phúc Sơn không "kê khai tài chính, trốn thuế"..., gây thiệt hại hơn 640 tỷ đồng.
Điều tra mở rộng vụ án, nhà chức trách đã bắt thêm nhiều người, trong đó có ông Thành, bà Lan, ông Hoàng Anh và Chủ tịch tỉnh Quảng NgãiĐặng Văn Minh; cựu chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa.
Ý kiến ()