Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 07:26 (GMT +7)
Phim Việt thảm bại trên sân nhà như thế nào?
Thứ 3, 27/09/2022 | 14:10:15 [GMT +7] A A
Nửa đầu năm 2022 chứng kiến gần 30 phim Việt thua lỗ, ế ẩm, nhiều phim phải rút khỏi rạp sớm vì không bán nổi vé, trong khi phim Hàn Quốc, Thái Lan lại “ăn nên làm ra”, tạo kỳ tích ở phòng vé Việt Nam.
Bộ phim hài Hàn Quốc “Bỗng dưng trúng số” vừa công bố thu 27 tỉ đồng sau 3 ngày công chiếu, trở thành phim Hàn có doanh thu mở màn cao nhất mọi thời đại tại thị trường Việt Nam.
Theo công bố của nhà phát hành, chỉ riêng trong ngày Chủ nhật cuối tuần (25.9), phim “Bỗng dưng trúng số” thu 14 tỉ đồng.
Trước đó, bộ phim Thái Lan “Ngược dòng thời gian để yêu anh” (tựa Anh: Love Destiny The Movie) sau khi “làm mưa làm gió” ở Thái Lan đã bội thu ở phòng vé Việt.
Theo đó, phim “Ngược dòng thời gian để yêu anh” cán mốc doanh thu 50 tỉ đồng sau 13 ngày chiếu tại Việt Nam. Đây cũng là phim Thái Lan “ăn nên làm ra” ở thị trường Việt Nam, tạo kỳ tích doanh thu, vượt qua cả “Hậu duệ tình người duyên ma”.
Trong khi 2 bộ phim của các quốc gia láng giềng khuynh đảo phòng vé Việt, 27 bộ phim “made in Vietnam” nửa đầu 2022 lại thảm bại về doanh thu.
Trong hơn 20 phim điện ảnh ra rạp, duy nhất chỉ có “Em và Trịnh” đạt doanh thu trăm tỉ, nhiều “ứng viên” được đánh giá sáng giá như “Nghề siêu dễ”, “Chìa khóa trăm tỉ”... đều chỉ dừng ở con số vài chục tỉ.
Đa số còn lại là những phim chỉ thu được vài tỉ đồng, phải rút khỏi rạp chiếu sớm do ế ẩm, có thể kể đến như “Kẻ thứ 3” (doanh thu xấp xỉ 1 tỉ đồng), “Mến gái miền Tây” (8 tỉ đồng), “Người lắng nghe” (2,5 tỉ đồng), “Người tình” (1,2 tỉ đồng), “Mưu kế thượng lưu” (1 tỉ đồng), “Mỹ nhân thần sách” (168 triệu đồng)...
Những con số 1-2 tỉ đồng doanh thu báo hiệu sự thua lỗ nặng nề của phim Việt trong năm 2022. Ngay cả với “Em và Trịnh” dù thu trăm tỉ, nhưng vốn sản xuất bỏ ra 50 tỉ (theo nhà sản xuất công bố), phim cũng chỉ ở mức hòa vốn.
Nhận định về 27 phim thua lỗ nặng nề đầu 2022, nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn đã phân tích: "Dưới góc độ người làm chuyên môn, tôi nghĩ rằng khán giả rất rõ ràng trong nhận thức bởi toàn bộ 27 bộ phim doanh thu thấp đều là những phim có chất lượng từ trung bình cho tới mức độ mà chúng tôi gọi là thảm họa. Và đương nhiên không có lý do gì để khán giả sẵn sàng chi tiền cho những bộ phim như thế này".
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, những nhà sản xuất, nhà làm phim chính là người phải chịu trách nhiệm cho những bộ phim kém chất lượng.
“Nhiều nhà sản xuất chuyên môn không cao, không đủ khả năng để thẩm định kịch bản. Do vậy, họ thường coi trọng những yếu tố bề nổi như chọn diễn viên nổi tiếng, nội dung "theo trend" thay vì chăm chút, đầu tư cho nội dung phim. Hiện nay, chi phí cho những người làm kịch bản vẫn khá thấp. Thứ nữa, hầu hết các nhà làm phim thuộc độ tuổi 7X, phần nào chưa thể theo kịp nhu cầu và thị hiếu của lứa khán giả từ 16-30 mà chủ yếu là thế hệ Z (gen Z)” – nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn phân tích.
Trao đổi với Lao Động về việc phim “Kẻ thứ 3” thua thảm về doanh thu, Lý Nhã Kỳ (bỏ tiền sản xuất đồng thời đóng vai chính) thừa nhận phim có điểm yếu về nội dung do quá trình sản xuất ngắt quãng, nhưng cô cũng cho rằng, “Phim Việt đang bị chèn ép về suất chiếu”. Theo đó, Lý Nhã Kỳ khẳng định, phim của cô được xếp vào các suất chiếu lúc 8h sáng và 23h đêm, là những khung giờ gần như không thể bán vé.
“Nhà rạp đang nắm trong tay quyền lực của người phát hành. Họ là doanh nghiệp từ nước ngoài bước vào thị trường Việt làm ăn, họ cần có sự ưu tiên nhất định cho phim Việt. Họ có thể chê phim không hấp dẫn, nhưng xếp suất chiếu vào 8h sáng là một sự làm khó rõ ràng” – Lý Nhã Kỳ nói.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()