Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:39 (GMT +7)
Phim Việt nói về nghề báo
Thứ 6, 21/06/2024 | 11:32:42 [GMT +7] A A
Một vài năm trở lại đây, hiếm nhà làm phim dồn sức cho đề tài về nghề báo. Phim về ngành nghề luôn là đề tài khó, đòi hỏi ê-kíp phải đào sâu, nghiên cứu thông tin và dành thời gian tìm hiểu thực tế.
Phim truyền hình về nghề nghiệp vốn không dễ làm vì đòi hỏi tính chính xác cao về chuyên môn, dễ đi theo lối mòn khô khan. Cách đây hơn chục năm, nhiều phim truyền hình tái hiện công việc, cuộc sống của những người làm báo được khán giả yêu thích. Tuy nhiên, những bộ phim đề tài này đang dần thưa vắng trên màn ảnh nhỏ.
Nghề báo (2006)
Năm 2006, phim Nghề báo của đạo diễn Phi Tiến Sơn dài 20 tập khiến dư luận dậy sóng. Phim xoay quanh câu chuyện công việc và đạo đức của các nhà báo, với nhân vật chính là nhà báo mảng kinh tế Thúy Bình (Hồng Ánh). Cô là phóng viên trẻ giàu nhiệt huyết, quyết tâm dùng ngòi bút phơi bày nạn tham nhũng ra ánh sáng.
Trong quá trình làm việc, cô vô tình rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Thúy Bình có chồng, con, đồng nghiệp nhưng đơn độc đối mặt khi bị những bài báo một chiều công kích. Những nhân vật trong phim có người hành nghề trong sáng, cũng có trường hợp đánh mất chính mình vì sự cám dỗ của đồng tiền.
Phim cũng khai thác trực diện nhiều góc tối liên quan đến tham nhũng, hối lộ, những mối nguy hiểm mà nhà báo có thể gặp phải trong quá trình tác nghiệp. Đây là một trong những phim truyền hình đầu tiên của Việt Nam có tuyến nhân vật trung tâm làm nhà báo.
Khi Nghề báo lên sóng, biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn khẳng định nhà báo dù đang công tác trong lĩnh vực nào cũng có thể nhìn thấy mình trong phim.
Đèn vàng (2006)
Kịch bản Đèn vàng dài 12 tập, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Trần Chiến, quy tụ dàn diễn viên kỳ cựu như NSƯT Mạnh Cường, NSND Thu Quế, nghệ sĩ Lê Vi...
Phim chạm đến những vấn đề bức thiết của đời sống được nhìn từ góc độ báo chí như giáo dục, tiêu cực đất đai…
Đèn vàng dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho cả xã hội nói chung và những người làm báo nói riêng với bức thông điệp đáng suy ngẫm: "Đèn vàng: Chuẩn bị dừng lại, đừng bước qua những ranh giới".
Phóng viên thử việc (2007)
Năm 2007, đạo diễn Quốc Trọng làm phim Phóng viên thử việc, kể câu chuyện về các phóng viên mới vào nghề. Nội dung phim xoay quanh 3 nhân vật Quyên (Vi Cầm), Điệp (Bích Huyền) và Lâm (Quang Huy) nỗ lực tìm chỗ đứng trong tòa soạn báo Chân Lý. Họ đương đầu với không khó khăn, thử thách. Có người đặt ra những mưu mô, toan tính để leo lên vị trí mơ ước.
So với Nghề báo, nội dung phim Phóng viên thử việc nhẹ nhàng, trẻ trung hơn. Bên cạnh câu chuyện nghề nghiệp, những chi tiết về tình yêu, lý tưởng của người trẻ cũng lôi cuốn khán giả.
Tin vào điều không thể (2009)
Chuyện phim xoay quanh nhân vật Tường Vi (Á hậu Ngọc Oanh), người phụ trách tạp chí Sáng tạo. Vi là cô gái xinh đẹp với tâm hồn nhạy cảm, tính cách thẳng thắn, trung thực. Cô yêu thầm Nhân (NSƯT Mạnh Cường) - một doanh nhân đã ra tay giúp đỡ tờ tạp chí đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, Nhân đã có vợ.
Mối quan hệ tình cảm giữa Tường Vi và Nhân nhanh chóng bị vợ của Nhân phát hiện. Phim có sự tham gia diễn xuất của các diễn viên NSƯT Mạnh Cường, NSƯT Trần Nhượng, Ngọc Oanh, Hoàng Xuân...
Tuy nhiên, mạch nội dung chủ yếu xoay quanh vấn đề tình cảm éo le của Tường Vi, thay vì những tình tiết liên quan đến công việc của một nữ tổng biên tập.
Đàn trời (2012)
Đàn trời là phim chính luận về nghề báo được đánh giá cao. Dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Cao Duy Sơn, Đàn trời khai thác cuộc chiến chống tham nhũng ở một vùng nông thôn miền núi của các nhà báo ở đài phát thanh - truyền hình tỉnh. Chuyên đề đặc biệt của họ được lấy tên là Chương trình 135.
Bên trong vùng núi mang vẻ đẹp hoang sơ, bình yên, những người dân hiền lành lại đang sống những ngày vất vả, bị đẩy vào tình cảnh khốn cùng. Bất lực đến mức có lúc họ không thể làm gì ngoài việc ngẩng đầu cầu nguyện, cho đến khi xuất hiện những nhà báo chống tiêu cực.
Chọn bối cảnh chính ở một đài truyền hình địa phương, những nhân vật như Vương Thức (NSƯT Sĩ Tiến), Thục Vy (Thanh Hoa) hóa thân thành các nhà báo dấn thân vào những điểm nóng, cận kề hiểm nguy, có những lúc bị đe dọa tính mạng.
Mặt nạ da người (2012)
Là bộ phim hòa trộn, đan cài của thể loại chính luận và giải trí với tiết tấu nhanh, Mặt nạ da người là cuộc chiến không khoan nhượng giữa thật và giả, thiện và ác trong chính mỗi con người.
Phim của đạo diễn Mai Hồng Phong là câu chuyện về nghề báo, một nghề hoàn toàn khác so với những gì mà người ta vẫn thường tưởng tượng, luôn phải đối mặt với những hiểm nguy, áp lực.
Một tòa báo, một bệnh viện và một tập đoàn bất động sản lớn - tưởng như ba mảnh ghép khó tạo thành bức tranh - nhưng ở đó lại có những con người chung một sở thích “đeo mặt nạ”.
Nguyệt thực (2016)
Nguyệt thực là một trong những bộ phim khai thác về đề tài nghề báo qua lăng kính hiện đại. Bộ phim thu hút sự chú ý của nhiều khán giả nhờ sự quy tụ của dàn diễn viên trẻ như Ninh Dương Lan Ngọc, Minh Luân, Tường Vy, Đức Thịnh…
Nguyệt thực xoay quanh công việc của nhóm phóng viên báo Hiện Đại và giới showbiz với những vấn đề xã hội nóng bỏng. Một nhóm giữ quan điểm đổi mới phải trên cơ sở duy trì phong cách, đi theo hướng chính thống, tôn trọng sự thật mà điểm mạnh là các bài phóng sự, điều tra.
Nhóm khác cho rằng làm báo hiện đại phải đáp ứng cao nhất nhu cầu người đọc, phải biết tiếp cận vấn đề theo cách giật gân nhất để có thể bán báo. Ranh giới giữa chính thống với lá cải, giữa xấu với tốt trở nên mong manh.
Những nhân viên gương mẫu (2019)
Phim của đạo diễn Vũ Trường Khoa và Lê Mạnh lấy bối cảnh chính ở một tòa soạn báo - tạp chí Tinh hoa - đang trong giai đoạn chuyển mình.
Bên cạnh việc khai thác những xích mích, đố kỵ và cả sự bon chen giữa các đồng nghiệp trong cùng một cơ quan với nhau, nội dung phim cũng khai thác tâm sự của những người làm báo.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()