Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:44 (GMT +7)
Phim Việt mượn kịch bản ngoại trên Netflix: Kém duyên
Thứ 3, 06/06/2023 | 15:50:16 [GMT +7] A A
Không hẹn mà gặp, phần lớn các phim truyền hình Việt phát trên Netflix đều có kịch bản mang yếu tố nước ngoài.
Mới đây, 20 tập phim do Việt Nam sản xuất Bác sĩ hạnh phúc được remake (làm lại) từ bộ phim Good Doctor của Hàn Quốc. Hành trình cậu bé mắc hội chứng tự kỷ Phạm Hoàng Nam trở thành một bác sĩ và những câu chuyện kịch tính không thể thuyết phục được khán giả từ nội dung đến diễn xuất của diễn viên.
Trên các diễn đàn phim, hàng loạt ý kiến cho rằng phim kém hấp dẫn hơn kịch bản gốc.
Trước đây, phim Hậu duệ mặt trời được làm lại từ phiên bản Hàn rất nổi tiếng cùng tên cũng gặp những ý kiến tương tự.
Chuyển thể đủ kiểu từ kịch bản đến tiểu thuyết ngoại
Nhìn lại các phim truyền hình Việt phát trên Netflix, phần lớn câu chuyện chủ yếu vay mượn kịch bản của nước ngoài.
Mặt trời mùa đông có kịch bản gốc của Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ mua bản quyền và sản xuất phim với tên gọi Đứa con mùa đông.
Việt Nam mua bản quyền của Thổ Nhĩ Kỳ và làm lại.
Hoa hồng giấy chuyển thể từ tiểu thuyết ăn khách cùng tên của nữ nhà văn Trung Quốc Lâm Địch Nhi...
Khi mới trình chiếu, bộ phim này nằm trong top 10 phim được khán giả Việt chọn xem.
Sức hấp dẫn của phim chủ yếu nằm ở chất ngôn tình, phản ứng hóa học của hai nhân vật chính...
Theo nhận định của những người trong nghề, hiện Netflix chủ yếu mua thành phẩm phim Việt hoàn chỉnh và các phim không phát sóng độc quyền trên nền tảng này.
Như Bác sĩ hạnh phúc còn phát trên Danet, YouTube. Mặt trời mùa đông cùng phát trên VieOn...
Mục đích của việc mua và phát sóng phim truyền hình Việt chủ yếu là mở rộng thị trường người xem Việt. Vì vậy các phim Việt được ưu tiên đều có yếu tố "ngoại" bởi ít nhiều được kiểm chứng bởi sự nổi tiếng của những phim gốc.
Biên kịch Việt dở hay không được đánh giá đúng?
Các đạo diễn trực tiếp sản xuất phim cho rằng một kịch bản hay luôn tạo hứng thú để họ nhận làm, dù đó là chuyển thể văn học, remake hay kịch bản thuần Việt.
Nhưng như ý kiến của đạo diễn Nhật Thanh: "Nếu phim remake hoặc phim có kịch bản văn học nước ngoài nhiều, đó là sự bất thường. Nó cho thấy một thực tế là các nhà sản xuất, nhà đầu tư đang lựa chọn giải pháp an toàn, và không hoàn toàn tin tưởng vào kịch bản Việt Nam".
Anh cũng nhận định: "Cá nhân tôi nhận thấy đội ngũ biên kịch Việt Nam hiện đang thiếu và yếu.
Các chương trình đào tạo biên kịch ở Việt Nam cũng chưa đáp ứng được chất lượng, chưa tiệm cận được với sự phát triển của thị trường phim ảnh toàn cầu".
Còn ở vai trò biên kịch, Đặng Thanh nhận định nhà sản xuất Việt hiện không mặn mòi kịch bản thuần Việt vì họ nghĩ sẽ nguy hiểm trong quá trình sản xuất, việc mua kịch bản nước ngoài rồi Việt hóa sẽ an toàn hơn.
Để Việt hóa thành công, các biên kịch phải nghĩ ra tình huống cho thật Việt Nam chứ không thể làm kiểu đánh máy gõ chữ từ kịch bản nguyên gốc ra.
Vì vậy biên kịch cũng rất cực trong việc đi tìm mâu thuẫn, tình tiết và câu chuyện thuần Việt để chuyển tải vào phim. Dù vậy, vai trò biên kịch Việt hiện vẫn chưa được đánh giá một cách đúng đắn.
Đạo diễn Nhật Thanh cho rằng: "Có nhiều nhà sản xuất chưa đãi ngộ tốt cho biên kịch, trả thù lao thấp và không tôn trọng biên kịch lẫn khâu sáng tác kịch bản; chưa thẩm định, đánh giá đúng đắn về kịch bản, chưa dung hòa được tính thị trường và tính nghệ thuật, nên kịch bản dở thì được chọn làm, còn kịch bản hay thì bị loại.
Dẫn đến xuất hiện nhiều phim thuần Việt khá dở, làm mất lòng tin nơi khán giả và cả người trong nghề về kịch bản Việt Nam".
Lý giải cho việc xem phim Việt có kịch bản ngoại, khán giả Lan Anh nói: "Là người Việt khán giả sẽ ưu tiên xem phim Việt, nhất là phim thuần Việt vì gần gũi.
Tuy nhiên phần lớn các phim phần đầu khá hay nhưng đến khoảng hơn 10 tập là không muốn xem vì tình tiết phim không hấp dẫn, một số cảnh vô lý và tính cách nhân vật thay đổi liên tục.
Còn phim kịch bản nước ngoài xây dựng tính cách nhân vật rõ ràng, dù đó là nhân vật chính hay phụ".
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()