Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:46 (GMT +7)
Phim Việt giờ vàng: Vai phụ bùng nổ, vai chính nhận 'gạch đá'
Thứ 4, 22/11/2023 | 15:07:17 [GMT +7] A A
Ngay khi vừa lên sóng, các diễn viên đảm nhận vai chính như Việt Anh, Huỳnh Anh, Lương Thanh… nhận vô số lời chê bai, chỉ trích của khán giả. Trong khi đó, dàn nhân vật phụ lại được nhận xét diễn xuất bùng nổ và để lại ấn tượng mạnh với người xem.
Vai chính mờ nhạt, vai phụ toả sáng
Đây được xem là thực tế của một số bộ phim truyền hình lên sóng giờ vàng thời gian gần đây. Điển hình như bộ phim Cuộc chiến không giới tuyến, diễn viên Việt Anh đảm nhận vai nam chính nhưng hình ảnh anh vừa lên sóng đã gây tranh cãi. Việt Anh bị chê không phù hợp với tạo hình bộ đội biên phòng.
Việc anh liên tục trợn mắt, diễn xuất một màu được cho chưa thoát vai phản diện trước đó như Cao Thanh Lâm (Chạy án) hay Phan Hải (Người phán xử).
Không chỉ Việt Anh, nhân vật nữ chính do Thu Quỳnh thủ vai cũng bị nhận xét an toàn, thiếu sự bùng nổ. Một số khán giả cho rằng việc cả hai liên tục chiếm sóng trên màn ảnh nhỏ một thời gian dài gây nhàm chán. Hoặc có thể do kịch bản nhân vật không tạo điểm nhấn và để lại ấn tượng với người xem.
Tuy nhiên, nhân vật phụ A Rể của NSƯT Thái Sơn lại khiến khán giả thích thú. A Rể có tạo hình lôi thôi, cũ kỹ, tối ngày say xỉn. Đây là nhân vật trung gian trong đường dây ma tuý của Đoàn và Thào A Hề. Với diễn xuất duyên dáng và đặc sắc, Thái Sơn đã mang đến làn gió mới cho bộ phim. Thậm chí có người ưu ái tuyên bố A Rể là một trong những nhân vật cứu cả bộ phim.
Trả lời Tiền Phong, Thái Sơn khiêm tốn ngay cả khi đón nhận những lời khen mà khán giả dành cho mình. Nói về việc A Rể được chú ý, anh cho rằng có thể vì nhân vật của mình được khắc họa ngược với số đông.
“Tôi không nghĩ A Rể cứu cả bộ phim vì dự án có nhiều tuyến nhân vật và công sức của tập thể. Ở Cuộc chiến không giới tuyến, tuyến nhân vật chính không được phá phách, không được méo mó hay lầy lội như tuyến vai phụ tôi đảm nhận. Có thể nói với A Rể, tôi thoải mái phiêu, tung tẩy. Dù có sai sót gì, khán giả cũng không chấp ‘thằng say’. Nói thật tôi thích và rất trân trọng dàn diễn chính trong Cuộc chiến không giới tuyến. Họ tài năng và tâm huyết. Đảm nhận những vai diễn mang đặc thù nghề nghiệp, họ đã làm tốt rồi đấy chứ. Tuy nhiên, được khán giả yêu mến, thích thú với A Rể cũng là một thành công mới trong sự nghiệp diễn xuất của tôi”, Thái Sơn chia sẻ.
Không chỉ Cuộc chiến không giới tuyến, bộ phim Biệt dược đen lên sóng cùng thời điểm cũng có sự “bùng nổ” về diễn xuất của các nhân vật phụ. Điển hình là Tuấn Anh (vai Vương) và Đỗ Duy Nam (vai Đạt).
Trong phim, Tuấn Anh vào vai công tử ăn chơi, sống thác loạn và “đăng xuất” ngay tập đầu. Tuy nhiên, nam diễn viên gây ám ảnh bởi nụ cười nhếch miệng, đôi mắt bất cần đời và những màn bạo hành với cô gái trẻ trong phim.
Trước đó, Tuấn Anh được xem có vai diễn để đời với nhân vật Bát trong phim Cuộc đời vẫn đẹp sao. Bát là một thanh niên lưu manh, hư hỏng và luôn mang đến rắc rối. Bát bị ghét nhất phim nhưng cũng chính vì thế mà Tuấn Anh gây ấn tượng đặc biệt với khán giả.
“Mọi người ghét Bát trong phim nhưng quý và thương Tuấn Anh ở ngoài đời. Tôi vui khi được khán giả đón nhận và ghi nhận, kể cả những người lớn tuổi không dùng mạng xã hội và chưa từng biết đến mình trước đó. Là diễn viên trẻ tôi cảm thấy may mắn khi mình có vai diễn ấn tượng”, Tuấn Anh nói.
Khi bộ phim chuẩn bị đóng máy, anh nhận được lời mời tham gia Biệt dược đen. Nam diễn viên lập tức lên ý tưởng về ngoại hình sao cho không bị đóng khung với vai cũ. Nhân vật Bát vẫn còn ấn tượng mạnh nên phải làm mọi cách để lột xác, tạo nên nhân vật phản diện mới với giao diện mới, phong cách mới. Nỗ lực của Tuấn Anh đã có kết quả. Bằng chứng là những gì anh đã thể hiện trong bộ phim và sự đón nhận của người xem dành cho nhân vật Vương.
Với Đỗ Duy Nam, vai Đạt "điên" trong Biệt dược đen là một bước tiến mới trong sự nghiệp diễn xuất của anh. Đạt vừa nghiện lại tâm thần. Hình ảnh Đạt "điên" suốt ngày cầm con gà đồ chơi có tên Linh Linh trong tay, trò chuyện với nó tạo ấn tượng đặc biệt về thị giác.
Vào vai Đạt, Đỗ Duy Nam khẳng định anh phải tự vượt qua cái bóng của nhân vật Thịnh ngựa trong phim Mê cung mà anh từng đảm nhận. “Nhân vật này cũng nghiện nhưng có tâm lý phức tạp. Sở trường của tôi là hài. Vì vậy, đây là vai nặng với tôi nhưng không quá khó. Tôi phải nghiên cứu, đào sâu hơn để hoàn thành vai diễn”, nam diễn viên cho hay.
Ngay trong buổi giới thiệu phim, Đỗ Duy Nam kể câu chuyện vui về việc có thể phải cho bố mẹ uống thuốc trợ tim khi đối diện cậu con trai trong gia đình đóng một vai quá sức như thế, phần nào cho thấy những cố gắng để lột xác của nam diễn viên.
Diễn viên chính đuối sức, bị chê bai: Vì đâu nên nỗi?
Chia sẻ với Tiền Phong, đạo diễn Ngô Hương Giang cho biết những năm gần đây, khán giả thường ấn tượng với diễn viên phụ hơn diễn viên chính trên nhiều bộ phim truyền hình.
Ở góc nhìn tích cực, hiện tượng này cho thấy sự đổi mới của phim truyền hình, không ngừng tìm kiếm những gương mặt mới, diễn xuất giỏi, đam mê với nghề, mang đến cảm xúc lạ cho khán giả.
Tuy nhiên, ở góc khuất khác, hiện tượng này là hồi chuông cảnh báo đối với xu hướng “tụt dốc” trong cách diễn, trong xúc cảm nghệ thuật của dàn diễn viên chính đã thành danh và từng giữ được hình ảnh trong lòng khán giả.
“Việc diễn viên nói chung và diễn viên chính nói riêng có sống được lâu trong lòng công chúng hay không nằm ở khả năng ‘giữ lửa nghệ thuật’. Đó không chỉ là đam mê mà còn là quá trình sáng tạo, đổi mới không ngừng tài năng diễn xuất của mình.
Nếu diễn viên bằng lòng với sức nóng, sự ảnh hưởng từ vai diễn trong một bộ phim hay mà quên đi rằng sóng to còn có sóng to hơn, phim hay ắt sẽ có phim hay hơn thay thế, không nỗ lực nuôi dưỡng lửa nghề thì đến một lúc nào đó, họ sẽ bị tụt hậu và chìm trong quên lãng của khán giả”, đạo diễn Ngô Hương Giang nhận định.
Đạo diễn Ngô Hương Giang phân tích có 4 nguyên nhân dẫn tới sự đảo chiều giữa việc diễn viên phụ được yêu thích, toả sáng hơn diễn viên chính.
Thứ nhất, dàn diễn viên chính sau một thời gian thành danh, nổi tiếng, họ không còn giữ được “lửa nghề”. Thời gian họ dành cho các show diễn, booking quảng cáo nhiều hơn hoạt động rèn luyện nghệ thuật dẫn đến việc mất đi xúc cảm thẩm mỹ của vai diễn. Đây là điều khó tránh khỏi bởi cơ chế kinh tế thị trường.
Thứ hai, hoạt động tuyển chọn diễn viên không còn giới hạn bởi tính chính quy, trường lớp, mà mở rộng ra bên ngoài xã hội. Cho nên nhiều gương mặt mặc dù không được đào tạo qua trường lớp nhưng đã định danh được hình ảnh trên các nền tảng mạng xã hội, sở hữu lượng người hâm mộ lớn, trở thành KOLs, khi đi vào phim ảnh họ dễ gây được tiếng vang và ấn tượng với khán giả.
Thứ ba, các nhà sản xuất, đạo diễn phim truyền hình đã gác lại tư duy phim truyền thống khi xem diễn viên chính phải là “điển hình nhân vật” trong phim, thay vào đó, họ tạo ra đất diễn công bằng giữa các diễn viên chính và diễn viên phụ.
Chính môi trường này đã tạo ra sự cạnh tranh nghề nghiệp trong từng phút, từng giây của mỗi khung hình. Vì vậy, nếu diễn viên chính không giữ được lửa nghệ thuật hay “tự mãn” với danh vọng từng có, không chịu đổi mới chính mình thì việc họ bị dàn diễn viên phụ lấn át trên màn ảnh cũng là điều dễ hiểu.
Thứ tư là bài toán truyền thông. Yếu tố truyền thông, đặc biệt là truyền thông mạng xã hội đóng vai trò không nhỏ để các diễn viên phụ đưa vai diễn của mình trong phim lan toả đến với công chúng mạnh mẽ.
“Nhiều lần xem phim truyền hình xong, tôi lướt Tiktok, Facebook và gặp lại những diễn viên phụ đang viral trên mạng xã hội. Sự lặp đi lặp lại đó là một trong những nguyên nhân khiến hình ảnh của các diễn viên phụ ghim vào tâm thức khán giả theo một cách tự nhiên”, đạo diễn Ngô Hương Giang nói.
Theo đạo diễn Ngô Hương Giang, phim truyền hình ngày nay đang hướng đến một thế giới phẳng. Không chỉ công chiếu trên truyền hình, các nhà sản xuất còn công chiếu phim trên các nền tảng mạng xã hội.
Từ đó, các nhà sản xuất, đạo diễn sẽ phải quan tâm đến raiting của bộ phim, cho nên ngoài tính công bằng giữa dàn diễn viên chính và diễn viên phụ, họ còn tính đến sức ảnh hưởng từ những diễn viên đó trên mạng xã hội.
Thực tế cho thấy, nhiều diễn viên phụ tuy chưa trải qua trường lớp đào tạo, song lại có sức ảnh hưởng trên mạng, có lượng fan lớn, nội dung xây dựng hình ảnh viral. Việc mời những người có ảnh hưởng sẵn trước đó đối với công chúng sẽ khiến sức lan toả của bộ phim nhanh hơn, mạnh hơn.
Trước lo ngại diễn viên phản diện được yêu mến có thể ảnh hưởng tiêu cực hoặc tác động xấu tới tâm lý giới trẻ, người xem, đạo diễn Ngô Hương Giang cho rằng cần rạch ròi nội dung phản diện và diễn viên đóng vai phản diện.
“Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Thực tế cho thấy diễn viên phản diện thường sẽ có tác động tới tâm lý người xem dai dẳng hơn so với dàn diễn viên chính diện.
Không chỉ có các diễn viên phụ như nhóm Cityboy phim Biệt dược đen mà lùi về năm 1998, hình ảnh của ông Trịnh Khả trong phim Chuyện làng Nhô do diễn viên Nguyễn Hải thủ vai, hay năm 2017, với các vai diễn Huy Bá, Huy Kình, Hùng Cá Rô trong phim Người phán xử cũng có sức sống dai dẳng suốt thời gian dài.
Việc diễn viên phản diện hoàn thành xuất sắc vai diễn của họ khiến khán giả ấn tượng là một chuyện, còn việc thay đổi nhận thức, hành vi của khán giả lại thuộc vấn đề nội dung phim.
Rõ ràng việc lan toả và làm theo cái đẹp, cái thiện sẽ khó khăn, vất vả hơn nhiều so với việc lây nhiễm các nội dung xấu, độc”, đạo diễn Ngô Hương Giang nói.
Đạo diễn nhấn mạnh người viết kịch bản cần thận trọng khi xây dựng các nội dung xấu, những hình ảnh phản diện trong phim truyền hình.
“Chúng ta đang nhầm lẫn giữa việc phản ánh cái xấu để thay đổi cái xấu với việc phản ánh cái xấu để làm rõ cái xấu hơn. Việc người trẻ học, làm theo cái xấu từ phim ảnh là do những bộ phim đó chỉ xoáy sâu vào cái xấu của xã hội, mà ít hoặc không chú trọng đến giải pháp cải tạo cái xấu, cũng như ý nghĩa răn đe về ảnh hưởng tiêu cực của nó đến xã hội”, đạo diễn Ngô Hương Giang chia sẻ.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()