Nhiều phim “bom tấn” chờ ra rạp
Nhà sản xuất bộ phim “Em và Trịnh” vừa quyết định lùi lịch chiếu sang năm 2022, thay vì vào dịp Giáng sinh năm nay. Bộ phim kể về cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ khi còn trẻ đến tuổi trung niên, khi ông hoài niệm về những nàng thơ trong cuộc đời mình. “Em và Trịnh” có kinh phí hơn 50 tỉ đồng, do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn. Sở dĩ nhà sản xuất quyết định lùi lịch chiếu là do lo ngại các rạp chiếu phim ở nhiều tỉnh, thành phố chưa mở cửa trở lại sau dịch bệnh nên khó có thể hoạt động bình thường vào dịp Giáng sinh.
Một “bom tấn” chờ ngày được công chiếu khác là “Thanh Sói” do Ngô Thanh Vân sản xuất. Dự án này ra đời sau thành công của “Hai Phượng” năm 2019. Phim mới tái hiện thời trẻ của “Thanh Sói”, nữ trùm trong “Hai Phượng”. Nhiều khán giả trông đợi những màn hành động hấp dẫn, cũng như cách câu chuyện khai thác về chuyện đời của một nhân vật vốn là phản diện. Hiện “Thanh Sói” chưa công bố lịch chiếu mới và có thể sẽ chọn dịp Tết 2022 để ra mắt khán giả cả nước.
Dịch bệnh kéo dài khiến ngành Điện ảnh “đóng băng” rất nhiều bộ phim dự định ra mắt năm 2021, và đến nay nhiều phim vẫn chưa chốt được lịch phát hành. Theo thống kê, hiện nay có tới hơn 15 bộ phim chiếu rạp đã được nhà sản xuất quảng bá rầm rộ, sẵn sàng cho ngày công chiếu nhưng phải ngưng lại và hiện chưa có lịch phát hành mới, như: “Bẫy ngọt ngào”, “Rừng thế mạng”, “Người lắng nghe”, “578: Phát đạn của kẻ điên”, “1990”, “Chìa khóa trăm tỉ”, “Dân chơi không sợ con rơi”, “Bí mật thiên đường”, “Người tình”, “Tim hằn vết sẹo”…
Tìm phương án thích nghi
Với các đơn vị sản xuất phim, mỗi lần dời lịch đi kèm với chi phí tăng thêm để quảng bá lại. Lý Hải từng cho biết anh thiệt hại 10 tỉ đồng cho hai lần hoãn chiếu “Lật mặt: 48h” (vào dịp 30.4 năm ngoái và Tết năm nay). Êkíp phải gỡ hình ảnh, thông tin tại rạp, đồng thời chiếu trailer mới. Nhưng Lý Hải vẫn may mắn vì “Lật mặt: 48h” kịp cán mốc doanh thu ấn tượng là 150 tỉ đồng ngay trước lúc đóng rạp.
Việc không thể hoạt động và ra mắt sản phẩm đã khiến nhiều nhà sản xuất phim gặp khó khăn. Đại diện 20 doanh nghiệp phim lớn tại TPHCM đã ký tên vào công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và UBND TPHCM xem xét cho phép các công ty sản xuất phim và chương trình truyền hình được phục hồi sản xuất, kinh doanh từ ngày 15.10.
Không chỉ nhà sản xuất gặp khó mà cả các doanh nghiệp phát hành và chiếu phim lớn ở Việt Nam. CGV, Lotte và Galaxy cùng ký văn bản xin Chính phủ hỗ trợ về thuế và nhiều khoản khác. Ngành phim rạp hiện đóng băng nhưng doanh nghiệp vẫn phải chi trả mặt bằng và một số chi phí hoạt động khác.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, hoạt động của các rạp chiếu phim cũng như thói quen ra rạp của khán giả chưa thể ổn định ngay lập tức. Thay vào đó, thời điểm vàng cho các dự án tấn công phòng vé là vào đầu năm 2022.
Theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, các rạp chiếu được hoạt động ở các địa phương có dịch ở cấp độ 1, hoạt động hạn chế có điều kiện nếu dịch cấp độ 2, 3 và ngừng hoạt động nếu dịch ở cấp độ 4. Theo quy định mới, rạp chiếu phim có thể hoạt động linh hoạt dựa trên các điều kiện chống dịch.
Ý kiến ()