Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 03:25 (GMT +7)
Phim về nhân vật có thật: Dễ gặp tranh cãi, kiện tụng
Thứ 5, 22/09/2022 | 14:03:49 [GMT +7] A A
Từ Hollywood đến thị trường điện ảnh Việt Nam, việc khai thác nhân vật ngoài đời thực mang đến nhiều rủi ro, bao gồm bị chỉ trích, thậm chí kiện vì vi phạm quyền riêng tư.
Vụ việc Giáo sư Michiko Yoshii yêu cầu nhà sản xuất Em và Trịnh phải công khai xin lỗi trong vòng một tuần, nếu không sẽ nộp đơn kiện thu hút sự chú ý của giới làm phim, dư luận thời gian qua. Trong công văn gửi đến nhà sản xuất, đại diện của giáo sư nêu rõ ê-kíp phim không liên hệ bà Michiko Yoshii khi quyết định khai thác hình ảnh nhân vật.
Đây là tình hình chung mà các nhà sản xuất phải đối mặt khi quyết định làm phim tiểu sử. Tại kinh đô điện ảnh Hollywood, việc khai thác nguyên mẫu nhân vật thường xuyên vấp phải những tranh cãi.
Người nổi tiếng “đau đầu” vì phim tiểu sử
Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, The Crown - lượt xem tác phẩm tiểu sử về Hoàng gia Anh tăng đến 800 lần, theo Variety. Bộ phim được cho là tái hiện một cách tương đối đầy đủ nhất về nữ hoàng từ lúc bà còn là người kế vị đến khi chứng kiến triều đại lớn mạnh.
Tuy được giới chuyên môn đánh giá cao, giành hàng loạt giải thưởng uy tín, The Crown lại không được lòng người trong cuộc. Theo Sunday Express, Nữ hoàng đã xem loạt phim, nhưng bà không hài lòng vì nhiều tình tiết bị thổi phồng quá mức.
Theo Oprahmag, Nữ hoàng Elizabeth II nhận xét quá nhiều tình tiết trong series bôi nhọ Hoàng thân Philip. Nguồn tin cho biết mối quan hệ lạnh nhạt giữa Philip và Charles trên phim là không đúng sự thật. Trên thực tế, Philip luôn thân với con trai. Những gì thể hiện trong The Crown khiến bà khó chịu.
Chia sẻ với tạp chí Town & Country, diễn viên Matt Smith - một trong những người bạn của hoàng thân Philip - đã hỏi ý kiến của ông về bộ phim và nhận về câu trả lời: “Tôi không xem chương trình ngớ ngẩn đó”.
Cuối năm 2021, bộ phim House of Gucci ra đời thu hút sự quan tâm của công chúng. Tác phẩm khắc họa cuộc đời của người thừa kế tập đoàn Gucci. Ông bị vợ cũ thuê sát thủ ám sát vì ghen tuông, không có cơ hội kế thừa đế chế thời trang.
Rắc rối ập đến với đoàn làm phim khi nguyên mẫu nhân vật Patrizia Reggiani - vợ của Maurizio Gucci - còn sống sau nhiều năm ở tù. Trong một cuộc phỏng vấn, bà Reggiani nói cảm thấy bị xúc phạm khi đoàn làm phim không liên hệ, ngay cả Lady Gaga cũng không tìm đến bà tìm hiểu khi muốn hóa thân vào nhân vật.
Trong khi đó, đại diện Gucci nói đoàn phim không hỏi ý kiến thành viên trong gia đình Gucci. Đạo diễn mô tả các nhân vật, đặc biệt là Aldo Gucci có tính cách kiêu ngạo, thiếu tinh tế chẳng khác gì tội phạm. “Bộ phim xúc phạm, thiếu tôn trọng di sản thương hiệu thời trang và không nhân văn”, đại diện Gucci nói.
Rắc rối tương tự xảy ra với đạo diễn Quentin Tarantino khi ông quyết định thể hiện hình ảnh Lý Tiểu Long trong bộ phim Chuyện xưa ở Hollywood. Trong phim, hình tượng huyền thoại võ thuật châu Á dưới sự thể hiện của Mike Moh là kẻ thích ra vẻ. Phân cảnh Lý Tiểu Long thách đấu cascadeur Cliff Booth (Brad Pitt đóng) và bị dạy một bài học khiến nhiều người bàn tán.
Sau khi xem được đoạn cắt, người hâm mộ, đặc biệt là gia đình Lý Tiểu Long cảm giác bị thiếu tôn trọng. Lý Hương Ngưng - con gái huyền thoại võ thuật - nói với The Wrap: “Tôi không thoải mái khi bố bị khán giả cười trong rạp. Ông được thách đấu rất nhiều nhưng thường tránh tỉ thí, không ngạo mạn”. Cô còn nói nhà sản xuất không tham khảo ý kiến của cô khi đưa bố mình lên màn ảnh.
Quyền riêng tư được quy định rõ
Mark Litwak - luật sư giải trí nổi tiếng tại Hollywood - có bài luận dài trên website riêng để giải thích có hay không việc các nhà sản xuất đối mặt kiện tụng khi làm phim về nhân vật có thật.
“Đạo diễn, biên kịch có thể tự do mượn ý tưởng, tính cách của nhân vật để làm phim. Nhưng nếu nhân vật hoàn toàn có thực và được thể hiện theo hướng sai lệch, không có lợi cho họ, họ có lý do chính đáng để chống lại bạn. Bạn có thể chịu trách nhiệm về việc bôi nhọ cá nhân ngay cả khi không nêu tên chứ đừng nói đến việc chỉ đích danh”, luật sư giải thích.
Về vấn đề phỉ báng, luật sư cho rằng phải nhìn nhận những gì thể hiện trên phim liệu có thật hay không. Nếu nhân vật trên phim tuy có tính cách đáng sợ, nhưng có bằng chứng thể hiện điều đó, nhà sản xuất không sợ đối mặt với kiện tụng.
“Điều quan trọng nhất phải là sự thật. Nếu những gì bạn thể hiện làm tổn hại đến danh tiếng ai đó, nói xấu một cách ác ý, bôi nhọ người khác, họ có quyền kiện nhà sản xuất và cơ hội thắng kiện cao”, luật sư bình luận.
Ngoài ra, việc làm phim còn liên quan đến quyền riêng tư. Theo quy định của luật pháp Mỹ, quyền riêng tư được định nghĩa là quyền sống cuộc sống của một người ẩn dật, không bị công khai không chính đáng và không như họ mong muốn. Vì vậy, khi cố tình công khai về họ theo hướng bất lợi trên phim, việc kiện tụng hoàn toàn có thể xảy ra.
Tại Việt Nam, luật về quyền riêng tư, hình ảnh đã quy định rõ trong Hiến pháp. Chia sẻ với Tiền Phong, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư Hà Nội - cho biết Nội dung quy định về bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, quyền hình ảnh có trong Điều 32 bộ luật dân sự 2015 đang áp dụng hiện nay.
Theo luật sư, việc sử dụng thông tin cá nhân và hình ảnh của các nghệ sĩ để đưa vào phim, kịch hoặc các tác phẩm văn hóa nghệ thuật khác mà không xin phép là hành vi xâm phạm quyền riêng tư cá nhân. Người bị xâm phạm đến các quyền nhân thân, quyền hình ảnh có quyền yêu cầu gỡ bỏ, cải chính, xin lỗi và bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
"Với những bộ phim tư liệu lịch sử hoặc phim truyện điện ảnh có nhân vật sử dụng tên người thật, thông tin nhân thân của người đương thời hoặc các nhân vật trong lịch sử có nội dung không đúng sự thật có thể ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của họ và người thân họ. Với việc sáng tác những tác phẩm văn hóa nghệ thuật có sử dụng những thông tin, hình ảnh của cá nhân phải xin phép theo quy định pháp luật", luật sư nói.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()