Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:51 (GMT +7)
Phim truyền hình phía Nam tìm lại thời kỳ vàng son
Thứ 2, 30/10/2023 | 14:13:46 [GMT +7] A A
Để đưa phim truyền hình phía Nam trở lại thời kỳ vàng son, các đơn vị làm phim cần nhìn nhận nghiêm túc và thay đổi theo thị hiếu khán giả, còn không tất yếu sẽ chìm nghỉm trong cơn bão thị trường.
Đã qua thời kỳ vàng son
Nếu như giai đoạn thập niên 2000 chứng kiến thời kỳ vàng son của mảng truyền hình phía Nam với hàng loạt tác phẩm “để đời” như: Mùi ngò gai, Miền đất phúc, Hương phù sa, Gọi giấc mơ về... thì những năm gần đây, phim truyền hình phía Bắc lại đang vươn lên chiếm ưu thế rõ rệt.
Sự thay đổi này đến từ việc đơn vị sản xuất phim Truyền hình Việt Nam (VFC) có những đổi mới về cách làm phim, đặc biệt là việc tập trung khai thác nhiều câu chuyện, góc nhìn chân thực và cũng đầy sự mới mẻ, sáng tạo.
Từ những bộ phim nặng tính chính luận như: Đấu trí, Sinh tử, Hành trình công lý... đến các phim về đề tài tình yêu gia đình: Sống chung với mẹ chồng, Hướng dương ngược nắng, Cuộc đời vẫn đẹp sao... đều đạt thứ hạng cao trên bảng xếp hạng rating phim Việt.
Trong khi đó, nhiều đơn vị phía Nam vẫn giữ nguyên tư duy làm phim kiểu cũ, điển hình là việc khai thác quá đà mô típ “tình - tiền - thù hận”.
Chẳng hạn như phim “Tình yêu dối lừa” phát sóng trên Truyền hình Vĩnh Long (THVL) là câu chuyện trả thù qua lại giữa các nhân vật, sau đó đến “Thử thách cuộc đời” - bộ phim tiếp sóng cũng lại xoay quay những tình tiết về việc trả thù giữa hai anh em.
Hay cùng phát sóng trên VTV9, hai phim “Vạn dặm nhân sinh” và “Chị em khác mẹ” đề cập chung một câu chuyện tranh chấp, mâu thuẫn giữa thành viên trong gia đình. Cùng với đó, việc lạm dụng tình tiết tranh cãi, đấu tố gay gắt, hay mượn cảnh ngoại tình để đẩy mạch phim cao trào khiến khán giả không khỏi chán ngán.
Việc Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh (TFS) rơi vào cảnh thoái trào cũng khiến cho mảng phim truyền hình phía Nam thiếu đi “đầu tàu” thực thụ.
Bên cạnh đó, kinh phí cũng là vấn đề nan giải với nhiều nhà làm phim. Mặt khác, sự bùng nổ của hàng loạt chương trình hài kịch, gameshow phía Nam cũng là tác nhân khiến phim truyền hình không còn sức hút nhiều như trước, đồng thời khiến nguồn doanh thu quảng cáo bị giảm đi đáng kể.
Kỳ vọng hướng đi mới
Giữa bối cảnh khó khăn, phim truyền hình phía Nam cũng nổi lên một vài tín hiệu tích cực. một số đơn vị tư nhân cho thấy sự đầu tư nghiêm túc qua các bộ phim như: Giấc mơ của mẹ, Cây táo nở hoa, Có hẹn với yêu thương, Duyên kiếp...
Vừa qua, HTV cũng đã phối hợp SK Pictures giới thiệu Khung phim Việt đặc sắc lúc 19h30 trên kênh HTV7 từ thứ hai đến thứ tư hằng tuần. Các bộ phim lần lượt được công chiếu sẽ là Dâu bể mùa xưa, Dưới bóng bình yêu, Bóng của thị thành… Dự kiến, đến tháng 4.2024, thời lượng phim được tăng lên 5 buổi/tuần.
Theo ông Cao Anh Minh - Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM - khung phim Việt đặc sắc sẽ có bản sắc riêng, tiêu chí nhất quán, bám sát các đề tài hiện thực cuộc sống, mang đậm dấu ấn văn hóa của TPHCM nói riêng và vùng đất phương Nam nói chung.
Phim hướng góc nhìn về những vấn đề dân sinh có ảnh hưởng đến số đông người dân, đồng thời, gióng lên tiếng chuông cảnh báo và bộc lộ thái độ phê phán mạnh mẽ trước các tệ nạn, những “góc khuất” trong đời sống xã hội. Từ đó, đưa ra thông điệp rõ ràng có khả năng lay thức cảm xúc và lý trí con người.
Thực tế cho thấy, nhiều phim phía Nam dù được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng lại chìm nghỉm do luôn trong cảnh “âm thầm” phát sóng. Trong khi đó, nhìn sang nhiều phim truyền hình phía Bắc, sự thành công có đóng góp không nhỏ nhờ công tác truyền thông qua kênh mạng xã hội, đăng tải trích đoạn phim gây sốt, chia sẻ ảnh hậu trường, viết cảm nhận về những phân cảnh tâm đắc...
Hơn hết, sự vào cuộc của các đơn vị tư nhân cũng mở ra cơ hội quy tụ các đội ngũ làm phim có uy tín những tác phẩm mang đến thông điệp, giá trị nhân văn nhưng cũng hợp thị hiếu khán giả. Qua đó, khẳng định vị thế của phim truyền hình phía Nam trong lòng khán giả Việt và cạnh tranh sòng phẳng với các nước khác trong khu vực.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()