Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 20:16 (GMT +7)
Phim truyền hình nổi bật trên đường đua phim Tết
Thứ 6, 24/12/2021 | 10:09:18 [GMT +7] A A
Thị trường phim Tết năm nay có sự phân hóa khá rõ ràng ở hai lĩnh vực: điện ảnh và truyền hình. Trong khi điện ảnh chỉ có các bộ phim cũ từng bị dời lịch chiếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì truyền hình xuất hiện hàng loạt phim mới, được sản xuất ở giai đoạn dịch bệnh được kiểm soát với sự thích ứng, sáng tạo linh hoạt.
So với giai đoạn trước, hai năm trở lại đây, thị trường phim Tết có phần trống vắng, thậm chí ảm đạm khi nhiều dự án phim điện ảnh được đầu tư hàng trăm tỷ đồng phải dời lịch chiếu vì dịch bệnh. Từ ngày 19/11, hệ thống rạp phim ở TP Hồ Chí Minh, một trong hai thị trường lớn nhất cả nước, đã hoạt động trở lại, song việc phát hành vẫn chậm do tâm lý khán giả còn dè dặt và thời gian gián đoạn lâu tác động đáng kể đến quá trình vận hành, quảng bá.
Ở lĩnh vực điện ảnh, ngoài một số dự án phim hài Tết nhỏ lẻ được thực hiện ở những giai đoạn dịch bệnh được kiểm soát, mùa Tết năm 2022 không có dự án quy mô lớn và mới. Hầu hết phim ra mắt dịp này đều được sản xuất cách đây khá lâu mà chưa có cơ hội phát hành. Có thể kể tới các bộ phim: 1990 (đạo diễn Nhất Trung), Chìa khóa trăm tỷ (đạo diễn Võ Thanh Hòa), Thanh Sói (nhà sản xuất Ngô Thanh Vân)… Ða số phim mang mầu sắc hài hước, lạc quan, pha trộn yếu tố tâm lý, hành động… phù hợp để khán giả thưởng thức thư giãn. Năm 2022 sẽ là thời điểm đầy thử thách với các nhà sản xuất, phát hành bởi ngoài số lượng rất nhỏ phim phát sóng trên sóng truyền hình, nền tảng số… thì những dự án lớn đều trông đợi ra rạp để thu hồi vốn đầu tư. Theo đại diện đơn vị phát hành Galaxy Studio, thị trường phim điện ảnh năm nay nhìn chung thiếu yếu tố bất ngờ, hoành tráng vốn có, nếu phim trong nước quá ít, nhà phát hành sẽ phải nhập khẩu phim nước ngoài để trình chiếu.
Thuận lợi hơn phim điện ảnh, các dự án phim truyền hình ở hai miền nam, bắc vẫn hoạt động được trong tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhanh chóng "bù đắp" sự trống vắng của thị trường phim. Ở thời điểm hiện tại, các dự án đều ở giai đoạn nước rút, đẩy nhanh tiến độ để sản phẩm kịp ra mắt phục vụ khán giả… Có khoảng gần 20 phim truyền hình đã được sản xuất, trong đó một số phim được đầu tư kỹ lưỡng, như: Về chung một nhà (đạo diễn Vũ Trường Khoa và Hoàng Tích Thiện); Anh có phải đàn ông không? (đạo diễn Trịnh Lê Phong); Tình thắm duyên xuân (đạo diễn Phương Ðiền); Vũ điệu đón xuân (Xuân Phước); Tháng năm rực rỡ sắc màu (đạo diễn Vũ Minh Trí); Sóng gió hào môn (đạo diễn Quốc Thuận); Hẹn hò cùng thần tượng, Sống ảo, mất thật (đạo diễn Dũng Nghệ); Thấy mai là thấy Tết (đạo diễn Văn Công Viễn)...
Ðiểm chung của phim truyền hình dịp Tết là truyền tải thông điệp nhân văn về tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, con người, tôn vinh giá trị truyền thống tốt đẹp với chất liệu mới, mang hơi thở hiện đại. Ở phía bắc, các bộ phim được mong chờ chủ yếu do Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất. Ở phía nam là sự nhập cuộc của các công ty, nhà sản xuất tư nhân. Trước áp lực về tiến độ sản phẩm và bảo đảm nguyên tắc an toàn phòng, chống dịch, các đoàn phim áp dụng nhiều phương án linh hoạt, như: chia nhóm, thay đổi bối cảnh, hạn chế di chuyển, áp dụng kỹ xảo… Ðạo diễn Phương Ðiền chia sẻ, bộ phim Tình thắm duyên xuân có nhiều cảnh quay về làng nghề trồng hoa Tết và bánh truyền thống, cho nên đoàn phim buộc phải chờ tới thời điểm hoa nở nhiều mới ghi hình được. Ðây là điều khó khăn bởi rất có thể lúc ấy dịch bệnh bùng phát trở lại. Ðể hoàn thành công việc nhanh, hiệu quả, đoàn phim bố trí ê-kíp khi đi quay ở địa phương thì lưu trú luôn tại điểm quay thay vì di chuyển về thành phố. Với phim Khi lác tỏa hương, đạo diễn Hồ Ngọc Xum cho bộ phận bối cảnh đi mua lác, máy sản xuất chiếu và dựng cảnh dệt chiếu truyền thống ngay tại TP Hồ Chí Minh. Ðoàn phim chỉ đi về tỉnh khác hai ngày để ghi đại cảnh, không vào nhà dân quay…
Nhận định về thị trường phim mùa Tết 2022, các chuyên gia điện ảnh cho rằng, vấn đề lớn nhất là tâm lý khán giả. Ở giai đoạn dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều người chưa sẵn sàng thưởng thức phim điện ảnh, truyền hình. Bởi vậy, các đơn vị sản xuất, phát hành cần nghiên cứu nhiều yếu tố để có cách tiếp cận, quảng bá phù hợp. Bước đệm cho quá trình này là sự ra mắt của một số bộ phim dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022, giúp thị trường phim được "hâm nóng" trở lại với những thói quen về thưởng thức, thư giãn, giúp khán giả tiếp cận thông điệp lạc quan, hy vọng thông qua ngôn ngữ của điện ảnh.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()