Đại diện Galaxy - đơn vị phát hành - cho biết ngày 17/6, hệ thống rạp toàn quốc chỉ còn bản Em và Trịnh. "Chúng tôi tuân theo quy luật thị trường, phim nào chiếu tốt sẽ trụ rạp, phim nào ít được chọn sẽ nhường suất cho phim còn lại", đại diện phát hành nói. Theo đơn vị này, cuối tuần qua, lượng khán giả chọn xem Em và Trịnh có tỷ lệ áp đảo so với bản phim còn lại.
Sau 5 ngày chiếu sớm (sneakshow), đến ngày 15/6, Em và Trịnh thu về gần 24 tỷ đồng, Trịnh Công Sơn đạt 1,6 tỷ đồng.
Bản 95 phút tập trung vào thời trẻ của nhạc sĩ (Avin Lu đóng). Những bóng hồng như Diễm Xưa, Dao Ánh, Thanh Thúy, Khánh Ly trở thành nguồn cảm hứng viết nhạc của ông. Phim tái hiện những năm nhạc sĩ sống trong chiến tranh, vượt khổ đau sáng tác những tình khúc bất hủ.
Ở bản 136 phút, ngoài câu chuyện thời thanh xuân, phim có thêm tuyến truyện giữa Trịnh Công Sơn trung niên (Trần Lực) và Michiko Yoshii (Nakatani Akari). Phim khắc họa chân dung nhạc sĩ gần gũi hơn, khi không còn ở đỉnh cao sự nghiệp, canh cánh nỗi lo cạn hứng sáng tác và mối tình lệch tuổi với nữ sinh Nhật Bản.
Sau khi phim công chiếu, nhiều khán giả cho rằng không cần thiết phát hành hai phiên bản, do Em và Trịnh đã bao hàm nội dung của Trịnh Công Sơn.
Trước đó, Lương Công Hiếu - đại diện Galaxy - cho biết khi xem lại gần 1.000 giờ quay phim, êkíp quyết định chia tác phẩm thành hai bản. Ông Hiếu nói: "Việc ra mắt hai phiên bản điện ảnh về Trịnh Công Sơn sẽ cho cái nhìn trọn vẹn hơn về nhạc sĩ".
Được đầu tư 50 tỷ đồng, Em và Trịnh bắt đầu với sự kiện Trịnh Công Sơn lần đầu gặp nữ sinh Nhật Michiko Yoshii (Nakatani Akari đóng) cuối thập niên 1980. Theo đuổi luận văn cao học đề tài âm nhạc phản chiến, cô sang Việt Nam để tìm hiểu về cuộc đời và con người nhạc sĩ tài hoa. Từ dòng hồi tưởng của Trịnh Công Sơn, từng lớp ký ức được lần giở, làm sống dậy một thời hoa mộng bên những nàng thơ. Ở hiện tại, ông và Michiko cũng nảy sinh những rung động nhờ mối giao cảm trong âm nhạc.
Ngoài phần âm nhạc và hình ảnh tạo cảm xúc cho người xem, phim có phần kịch bản rời rạc do ôm đồm tình tiết. Đạo diễn nỗ lực xây dựng cùng lúc ba chân dung nhạc sĩ: Trải đời ở tuổi trung niên, nồng nhiệt vào thuở thanh xuân và chuộng hòa bình giữa thời bom đạn. Tuy nhiên, các tuyến truyện không được khai thác đến nơi đến chốn, việc chuyển mạch liên tục khiến câu chuyện bị lưng chừng. Trong đó, tuyến về âm nhạc phản chiến chỉ dừng ở mức điểm qua, chưa đi sâu vào quá trình sáng tác của nhạc sĩ.
Ý kiến ()