Những ẩn số từ các phim điện ảnh
Đầu tiên phải kể đến là “Chìa khóa trăm tỉ”. Đây là một trong những dự án gây chú ý khi công bố từ giữa năm ngoái, do Kiều Minh Tuấn và Thu Trang đóng chính. Tác phẩm hài - hành động đánh dấu lần thứ chín hợp tác của đôi nghệ sĩ và phù hợp chiếu dịp Tết.
Phim xoay quanh Phan Thạch (Kiều Minh Tuấn), một thanh niên bị băng đảng giang hồ thanh toán nội bộ, nhập viện và mất trí nhớ. Anh vướng vào mối quan hệ phức tạp với Mai - một phụ nữ độc thân.
Cũng có dàn diễn viên tên tuổi, phim 1990 (đạo diễn Nhất Trung) - Lan Ngọc, Diễm My 9x, Nhã Phương đóng chính - chốt lịch ra rạp sau nhiều tháng hoãn vì dịch. Phim kể câu chuyện của ba cô gái cùng độ tuổi ngoài 30, chơi thân từ thuở nhỏ. Lan Ngọc vào vai Linh Lan - sự nghiệp thành công, quen bạn trai chín năm, nhưng khi được cầu hôn lại chùn bước. Diễm My 9x đóng Jessica Diễm - sống độc lập vì từng đổ vỡ trong tình cảm. Nhã Phương vào vai Nhã Ca - hôn nhân tưởng chừng êm ấm nhưng kỳ thực đang rạn nứt.
Là tác phẩm kinh dị - hài duy nhất ra rạp dịp Tết, “Nhà không bán” quy tụ Việt Hương, Kim Xuân, Minh Hoàng, Hữu Tín, Hạnh Thúy... Phim lấy bối cảnh tại một nhà cổ, bà Ngọc (nghệ sĩ Kim Xuân đóng) muốn bán căn nhà song ông Ngà (Minh Hoàng) - em trai bà - quyết giữ lại theo di nguyện của cha. Nhiều người tìm đến mua nhà nhưng đều bỏ chạy vì gặp các hiện tượng bí ẩn. Phim đánh dấu lần trở lại màn ảnh rộng sau ba năm của Việt Hương, kể từ “Vu quy đại náo” (2019).
Trong 5 phim, Trạng Tí là tác phẩm duy nhất chiếu lại trong nỗ lực bù đắp doanh thu của nhà sản xuất. Phim của Ngô Thanh Vân công chiếu ba ngày dịp 30.4.2021 thì ngưng phát hành vì rạp đóng cửa. Phim Tết còn lại là “Mưa kế thượng lưu” - đây là ẩn số khi được công bố sát dịp Tết, với đôi diễn viên chính Anh Tú và Thiên An.
Hai tác phẩm khác chọn thời điểm phát hành ngay sau dịp Tết Nguyên đán. “Bẫy ngọt ngào” - dự án Minh Hằng làm đồng sản xuất - ra rạp ngày 11.2, hưởng ứng không khí Valentine. Đối đầu với Bẫy ngọt ngào, “Chuyện ma gần nhà” là tác phẩm thuần chất kinh dị, được đạo diễn Hữu Tấn lấy cảm hứng từ những câu chuyện đồn thổi trong dân gian.
Các đại diện rạp phim kỳ vọng loạt phim đổ bộ dịp Tết sẽ khôi phục thị hiếu của khán giả, giúp không khí rạp phim được hâm nóng trở lại.
Tết này thỏa sức xem phim Tết ở khắp các nền tảng, truyền hình
Tết năm nay, phim truyền hình, phim phát trực tuyến trên các ứng dụng và kênh YouTube được đánh giá sôi động hơn hẳn những năm qua.
Về phía phim truyền hình, “Vũ điệu đón xuân” gồm 20 tập sắp hoàn thiện giai đoạn hậu kỳ để lên sóng Truyền hình Vĩnh Long vào dịp Tết Nguyên đán. Đây là phim truyền hình hiếm hoi làm về nghề truyền thống lân sư rồng của Việt Nam, đặc biệt xoay quanh hoạt động của đoàn lân gia đình.
Phim truyền hình khác chiếu trên Truyền hình Vĩnh Long 1 từ mùng 1 - mùng 10 Tết là “Tình thắm duyên xuân” của đạo diễn Nguyễn Phương Điền, khai thác về làng nghề trồng hoa Tết và bánh tráng, với sự tham gia của diễn viên Ngọc Thảo, Văn Anh, Hiếu Hiền, Hoàng Trinh...
Phim “Thấy mai là thấy Tết” (có sự tham gia của NSƯT Hữu Châu, NSƯT Thanh Thủy, Băng Di, Võ Điền Gia Huy, Lãnh Thanh, Xoài Non, bé Nhã Kỳ…, dự kiến phát trên SCTV) của đạo diễn Văn Công Viễn.
Ngoài ra, cùng với phim truyền hình Tết, những series chiếu mạng, app là lựa chọn giải trí thuận tiện của khán giả dịp Tết đến xuân về.
Hiện tại, các phim được công bố sản xuất phát dịp Tết này còn có: series phim ca nhạc “Tết muôn nhà” của đạo diễn AT Nguyễn, “Sóng gió hào môn” của đạo diễn Quốc Thuận, “Sống ảo mất thật” của đạo diễn Dũng Nghệ, “Về chung một nhà” của đạo diễn Vũ Trường Khoa…
Cùng với sự sôi động trở lại của phim truyền hình Tết, thị trường phim chiếu trên mạng và các ứng dụng (app) cũng rộn ràng. Đang hot là web drama “Hẻm cụt” của Trấn Thành, phát trên Galaxy Play và kênh YouTube Trấn Thành. Bên cạnh đó, còn có “Gia đình cục súc đón Tết” (phát trên kênh YouTube của Võ Tấn Phát), “Tết đến rồi về nhà thôi” (phát kênh YouTube của Thu Trang), “Đường về nhà xa quá” (phát trên kênh MCV Networks), “Đại gia chân đất 12” (kênh Bình Minh Film), “Tết ơi là tết 5” (kênh Audio Film Việt)…
Được biết, xu hướng giải trí trên các nền tảng trả tiền - thói quen từ đợt dịch ngày càng tăng nên số lượng phim Tết nhiều là điều dễ hiểu. Ngoài ra, nội dung trên các nền tảng này phong phú, đa dạng, gần gũi nên cùng với phim truyền hình Tết, phim điện ảnh thì những series chiếu mạng, app là lựa chọn giải trí thuận tiện của khán giả dịp Tết đến xuân về.
Có thể nói năm nay, phim Tết rộn ràng và phong phú đề tài. Đây được xem là tín hiệu vui, góp phần vực dậy nền phim ảnh từng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh.
Ý kiến ()