Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 04:33 (GMT +7)
Phim tâm lý, giật gân: Luẩn quẩn nên dễ thất thu
Thứ 6, 07/06/2024 | 16:55:45 [GMT +7] A A
Nhiều phim điện ảnh Việt thể loại giật gân, tâm lý chịu cảnh thất thu, thua lỗ do chưa thể chinh phục được khán giả.
Phim "Án mạng lầu 4" doanh thu không như kỳ vọng, nối dài danh sách những phim Việt thể loại giật gân, tâm lý pha trộn với các yếu tố trinh thám, tội phạm hoặc kinh dị… chịu cảnh thất thu phòng vé.
Cách kể chuyện chưa thu hút
Theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân được đưa ra cho những thất bại này là các tác phẩm vẫn còn thiếu một kịch bản xuất sắc, một cách kể chuyện thu hút đủ để khán giả tò mò và ủng hộ.
Phim "Án mạng lầu 4" do Nguyễn Hữu Tuấn đạo diễn, thuộc thể loại tâm lý, giật gân, kể về nhân vật Thắng (Trương Thế Vinh đóng) và vợ là Đình Đình (Lương Bích Hữu đóng), chuẩn bị sang Canada định cư. Trong lúc họ cùng nhau thu dọn đồ đạc thì được một người phụ nữ trung niên ở nhà hàng xóm dáng vẻ vội vã, nhờ giúp trông em bé.
Mọi chuyện rối ren, căng thẳng khi Đình Đình cùng Thắng phát hiện em bé mà họ đang trông giúp đã tử vong không rõ lý do. Trước tai họa trên trời rơi xuống, cả hai hoảng loạn, tìm cách xử lý tình huống, mang đến không khí ngột ngạt, ngộp thở. Ngoài Lương Bích Hữu và Trương Thế Vinh phim còn quy tụ diễn viên: Kiều Trinh, Ngân Quỳnh, Tuyền Mập... Chính thức ra rạp từ ngày 17-5, phim hiện thu được gần 2 tỉ đồng (theo thống kê của Box Office Vietnam). Đây là con số doanh thu thấp so với kỳ vọng, khó hòa vốn. Phim đã rời khỏi rạp từ ngày 6-6.
Trước đó, tại buổi giao lưu, ra mắt phim, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn đã từng chia sẻ tâm huyết với dự án. Phim kinh phí sản xuất thấp, điểm hòa vốn nhẹ và anh kỳ vọng sẽ gặt hái được doanh thu phòng vé khoảng 20 tỉ đến 30 tỉ đồng. Chọn thể loại được đánh giá là kén khán giả so với những xu hướng phim hài, phim hành động hoặc pha lẫn những yếu tố giải trí khác, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn trải lòng: "Một thế hệ khán giả mới đang đến, trước dịch COVID -19, nhiều khán giả còn là thiếu nhi nhưng sau 3 năm dịch bệnh thì họ lớn dần và trở thành những đối tượng ra rạp. Họ muốn gần hơn với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn thế giới. Tôi muốn cố gắng tạo ra sản phẩm không bị phụ thuộc trào lưu, có giá trị lâu bền hơn, không theo xu hướng nhưng khi xem, các bạn trẻ có thể chấp nhận, hiểu điều phim muốn nói".
Thế nhưng, những kỳ vọng này không trở thành hiện thực, "Án mạng lầu 4" tiếp tục nối dài danh sách các phim thể loại giật gân, tâm lý thua lỗ. Trước đó, phim "Fanti" của đạo diễn Andy Nguyễn chỉ thu hơn 1,8 tỉ đồng; phim "Live - Phát trực tiếp" thu hơn 2 tỉ đồng; phim "Vô diện sát nhân" thu hơn 4,7 tỉ đồng; phim "Hạnh phúc máu" thu hơn 18 tỉ đồng; phim "Người lắng nghe lời thì thầm" thu hơn 2,2 tỉ đồng…
Cần kịch bản xuất sắc
Với phim "Án mạng lầu 4", tác phẩm có những điểm hấp dẫn như tạo được kịch tính, hồi hộp ở đoạn đầu nhưng lại dần dần trở nên "đuôi chuột" khi chọn lối an toàn, khiến người thưởng thức không thỏa mãn. Do vấn đề về kịch bản, tác phẩm tạo cảm xúc lửng lơ, chưa đẩy cao trào lên mức cao, đủ tạo ấn tượng.
Nhiều bình luận từ khán giả trên các diễn đàn, trang mạng xã hội: "Phim này ý tưởng khởi đầu được, không khí cũng ổn nhưng chỉ được lúc đầu càng về sau càng dài dòng, lê thê, không đẩy được cảm xúc khán giả"; "Phim Việt hóa nhưng không bằng tác phẩm gốc, xem không hấp dẫn"; "Tôi thấy cảnh xử lý của các nhân vật trong phim dở, không nhân văn"; "Phim phần sau dài lan man, nhàm chán"…
Các phim giật gân, tâm lý Việt khác doanh thu thấp so với kỳ vọng cũng gặp phải những lý do hạn chế về kịch bản, bên cạnh đó là khả năng diễn xuất của diễn viên (nhiều vai diễn nặng ký nhưng diễn viên đóng không tới, cũng khiến khán giả quay lưng).
"Trong xu hướng thế giới phẳng hiện nay, khán giả dễ dàng xem những thể loại phim giật gân, tâm lý chất lượng cao của các nước thông qua hệ thống mạng, các nền tảng thu phí. Khi thưởng thức phim Việt thể loại này thì yếu tố sáng tạo, mới lạ, không dễ đoán nội dung phim… càng phải được nâng cao một bậc, có như vậy mới đủ sức chinh phục khán giả, đủ để tạo được hiệu ứng truyền miệng" - đạo diễn, biên kịch Kay Nguyễn nhận định.
Biên kịch Đông Hoa góp thêm: "Xu hướng hiện nay đa số khán giả đến rạp để giải trí nên những thể loại "nặng đầu" như giật gân, tâm lý thường chỉ là "gu" của một bộ phận khán giả. Do vậy dấn thân vào thể loại này thường khó tránh được nguy cơ thất bại".
Theo những người trong cuộc với những đạo diễn có sẵn thương hiệu như Victor Vũ, Lý Hải, Trấn Thành… khán giả sẽ tò mò đi xem và nếu chất lượng tác phẩm từ ổn trở lên sẽ tiếp tục gặt hái doanh thu cao. Cá biệt những phim kinh phí thấp, chưa có thương hiệu, nhưng tác phẩm tốt, chạm được cảm xúc, tạo được hiệu ứng truyền miệng thì mới có thể "lội ngược dòng" doanh thu như trường hợp phim "Đêm tối rực rỡ" làm được trước đây.
Trước việc các phim giật gân, tâm lý liên tục thất thu, người trong giới lo ngại sẽ khiến nhà làm phim e ngại thể loại này thời gian tới. Đây cũng là một thiệt thòi cho người xem bởi nếu đa dạng thể loại, đề tài sẽ tạo sự phong phú tác phẩm để khán giả thưởng thức.
Theo Người lao động
Liên kết website
Ý kiến ()