Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:38 (GMT +7)
Phim Hàn Quốc cần nâng cao chất lượng để tồn tại
Thứ 6, 04/08/2023 | 14:14:03 [GMT +7] A A
Để tồn tại trong thị trường đang ngày càng thu hẹp, chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp phim Hàn Quốc cần tập trung vào việc tạo ra những tác phẩm có chất lượng tốt hơn.
Thời gian qua, truyền thông Hàn Quốc đồng loạt đưa tin, ngành công nghiệp phim truyền hình Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng. Nhiều dịch vụ phát trực tuyến và mạng đang phải “thắt lưng buộc bụng” và tạm dừng sản xuất, dẫn đến việc nhiều bộ phim bị “đắp chiếu”.
Ngoài việc các đài truyền hình lớn cắt giảm khung chiếu thứ 4 - thứ 5 trong tuần, các series phim mới tại xứ kim chi cũng đang bị hạn chế về số lượng, từ 160 phim năm 2022 xuống còn 100 phim trong năm nay.
Theo The Korea Times, lí do lớn nhất cho sự sụt giảm như vậy là do vấn đề tài chính mà các nền tảng OTT (Over the top - dịch vụ phát trực tuyến) phải đối mặt.
“Trong giai đoạn đầu của sự tăng trưởng của thị trường OTT, tất cả nền tảng OTT đều đầu tư mạnh mẽ để cạnh tranh trong việc đảm bảo nội dung của riêng họ. Theo cách đó, ngân sách sản xuất lớn đã được cung cấp cho ngành sản xuất của Hàn Quốc.
Nhưng khi sự cạnh tranh của OTT ngày càng gay gắt, lợi nhuận giảm xuống. Vì vậy, bây giờ họ bị đặt vào tình thế không thể đầu tư mạnh mẽ như trước đó. Do đó, họ đang cắt giảm ngân sách của mình” - nhà phê bình văn hóa đại chúng Ha Jae Geun cho biết.
Theo đó, hai trong số các nền tảng phát trực tuyến lớn tại nhà ở Hàn Quốc là Tving và Wavve đã phải đối mặt với khoản lỗ hoạt động lớn trong năm ngoái.
Tving lỗ hoạt động khoảng 119,2 tỉ won vào năm 2022, trong khi có hơn 76 tỉ won là của năm trước. Trong quý đầu tiên của năm nay, nền tảng này đã ghi nhận khoản lỗ hoạt động 38,6 tỉ won, gấp đôi so với con số của một năm trước đó - 15,7 tỉ won.
Với Wavve, nền tảng này đã lỗ hoạt động 121,3 tỉ won vào năm ngoái, cao hơn gấp đôi so với khoản lỗ của năm trước đó - 55,8 tỷ won. Theo báo Hàn, Wavve đã công bố kế hoạch đầu tư 1.000 tỉ won đến năm 2025 và cho biết sẽ thực hiện một cách tiếp cận thân thiện với ngân sách thấp hơn trong việc tạo nội dung của mình.
The Korea Times nhấn mạnh, thời điểm hiện tại, các nền tảng phát trực tuyến đều áp dụng cách thắt chặt chi tiêu cho việc sản xuất nội dung. Vậy nên, các dự án mà họ không chắc chắn sẽ thu hồi chi phí sẽ bị loại bỏ.
Vì thực tế, các nền tảng OTT đang để mắt đến thị trường toàn cầu như một cách để kiếm lợi nhuận từ loạt phim, thế nên, với cùng một chi phí trả cho diễn viên, nhưng nếu tên tuổi nào có “sức bán ra nước ngoài nhiều hơn sẽ nhận được nhiều lời đề nghị hơn cho một vai diễn”.
Về điều này, nhà phê bình văn hóa Ha Jae Geun cho biết thêm, để tồn tại trong thị trường đang ngày càng thu hẹp, các nền tảng cần tập trung vào việc tạo ra những bộ phim có chất lượng tốt hơn. “Chúng tôi không thể làm gì trước sự sụt giảm của thị trường. Vì vậy, tất cả đều hướng đến việc nâng cao chất lượng nội dung để tồn tại” - Ha Jae Geun nói.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()