Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:30 (GMT +7)
Phim 'Đất rừng phương Nam': Bài học ranh giới sáng tạo và chuyển thể
Thứ 5, 19/10/2023 | 14:45:33 [GMT +7] A A
Sự quan tâm của dư luận đối với một bộ phim Việt Nam là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh nhiều phim Việt đã thất bại ở phòng vé kể từ đầu năm...
Bộ phim điện ảnh“Đất rừng phương Nam” đã tạo nên một hiện tượng ở cả phòng vé lẫn mạng xã hội khi tạo ra những tranh luận trái chiều liên quan đến những “cải biên” của các nhà làm phim so với cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi.
Việc nhà sản xuất thay đổi bối cảnh câu chuyện, từ giai đoạn sau năm 1945 trong tiểu thuyết gốc, lùi về giai đoạn 1920-1930 như bản phim truyền hình năm 1997 (Đất phương Nam), cho nhân vật chính (bé An) gia nhập các tổ chức như Thiên Địa Hội, Nghĩa Hòa Đoàn (sau phải đổi tên theo yêu cầu của Cục Điện ảnh) đã vấp phải sự phản ứng của nhiều người.
Các tranh cãi này có thể được coi như bài học dành cho giới làm phim khi đụng đến những chủ đề liên quan tới nguyên bản văn học có tính lịch sử, bởi lằn ranh giữa sáng tạo và nguyên tác vốn luôn là vấn đề nhạy cảm. Đặc biệt hơn, các vấn đề sáng tạo nghệ thuật thứ bảy liên quan đến lịch sử lại càng khó hơn với tất cả các nền điện ảnh chứ không riêng gì điện ảnh Việt Nam.
Lịch sử là đề tài nhạy cảm...
Nhìn vào một số trường hợp của điện ảnh thế giới, đã có nhiều tác phẩm có bố cảnh lịch sử đã gặp những phản ứng dữ dội.
Tại Hàn Quốc năm 2021, phim truyền hình “Snowdrop” có sự góp mặt của Jisoo (BlackPink) - bị cộng đồng mạng nước này phản ứng đòi cấm sóng, thậm chí là kiện ra tòa vì đã “xuyên tạc lịch sử.” Khi đó, có tới hơn 300.000 khán giả ký tên vào bản kiến nghị gửi lên Nhà Xanh (Quốc hội Hàn Quốc) đòi ngừng chiếu tác phẩm.
Hay như trường hợp bộ phim bom tấn lấy bối cảnh Chiến tranh Thế giới thứ hai “Dunkirk” (2017) của đạo diễn lừng danh Christopher Nolan. Phim bị nhiều tờ báo tại Pháp chỉ trích là đã xem nhẹ vai trò của quân đội nước này trong chiến dịch di tản 400.000 lính đồng minh đang mắc kẹt tại bờ biển nước Pháp.
Nhà báo Jacques Mandelbaum của tờ Le Monde đặt câu hỏi: 120.000 binh lính Pháp được sơ tán khỏi chiến trường đâu? Thế còn 40.000 người hi sinh để bảo vệ thành phố trước lực lượng (Phát-xít Đức) vượt trội về cả vũ khí lẫn số lượng?
Hay chính trên tờ The Telegraph (Anh) cũng phê phán việc phim làm sai lệch lịch sử vì chỉ tập trung vào nỗ lực của người người Anh trong cuộc di tản này, mà bỏ qua những đóng góp của nước đồng minh. Nặng nề hơn, một số trang báo quốc tế còn đưa tin dẫn lời dư luận Nga chỉ trích bộ phim "đã đề cao sự hèn nhát.”
"Đất rừng Phương Nam" không phải là phim lịch sử
Thực tế, trước đây điện ảnh Việt cũng đã có một số bộ phim thuộc dòng thương mại khai thác giai đoạn đầu của kháng chiến chống Pháp đầu thế kỷ 20 và được khen vì sự sáng tạo của mình, điển hình như "Dòng máu anh hùng"của đạo diễn Charlie Nguyễn. Bộ phim này được thực hiện theo dạng hành động, với các nhân vật có tinh thần yêu nước, thực hiện tài nghệ võ thuật của mình để chống thực dân. Điều quan trọng là kịch bản, câu chuyện đều được sáng tác mới.
Tuy nhiên, cần phải khẳng định trường hợp của “Đất rừng phương Nam” 2023 không phải là bộ phim về đề tài lịch sử, cũng không phải dựa trên một bối cảnh lịch sử nào nhất định.
Vấn đề mấu chốt là bộ phim lại được lấy tên y như tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi (ngay cả bộ phim truyền hình sản xuất năm 1997, vốn được khán giả vô cùng yêu thích cũng đã có cải biên thành "Đất phương Nam") nên “Đất rừng phương Nam” 2023 được mặc định là làm từ nguyên tác của tác phẩm văn học.
Đây cũng chính là nguyên nhân mà bộ phim rơi vào vòng xoáy của các ý kiến tranh cãi liên quan đến các yếu tố lịch sử như là sự xuất hiện của các nhóm như Thiên Địa Hội, Nghĩa Hòa Đoàn, hay là sự vắng bóng của của lực lượng Việt Minh-điều được tô đậm trong tiểu thuyết gốc của nhà văn Đoàn Giỏi.
Sau khi nảy sinh những tranh cãi, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng đã lý giải: Các nhà làm phim muốn làm theo tinh thần của phim truyền hình "Đất phương Nam" năm 1997 của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, nhà văn Sơn Nam làm cố vấn, cụ thể là dời bối cảnh lên giai đoạn 1920-1930 (thay vì năm 1945 như trong tiểu thuyết gốc).
Việc thay đổi bối cảnh lên tới hơn hai thập kỷ đã khiến "Đất rừng phương Nam"của năm 2023 khác xa với"Đất rừng phương Nam"của nhà văn Đoàn Giỏi cũng như cả của bộ phim truyền hình "Đất phương Nam" năm 1997.
Nói như nhà báo Hà Quang Minh- một trong những nhà báo "ồn ào" nhất về bộ phim này thì "bộ phim"Đất rừng phương Nam"2023 chỉ là phái sinh của phái sinh, tức là nó là bản phái sinh của phim truyền hình"Đất phương Nam"1997 và "Đất phương Nam"1997 lại là phái sinh của tiểu thuyết"Đất rừng phương Nam"của nhà văn Đoàn Giỏi."
Bài học về làn ranh giới giữa sáng tạo và chuyển thể
Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, tác phẩm gốc của nhà văn Đoàn Giỏi là tiểu thuyết chứ không phải là sách lịch sử và các nhà làm phim cần có dư địa rộng cho sáng tạo nghệ thuật.
Rất nhiều người trong giới làm phim cũng đã lên tiếng bảo vệ “quyền sáng tạo” của êkip "Đất rừng phương Nam,"2023, viện dẫn nhiều tác phẩm điện ảnh Âu Mỹ có những cải biên, thậm chí khác hẳn so với những tiểu thuyết gốc. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (Tro tàn rực rỡ, Sống trong sợ hãi…) còn kêu gọi khán giả “đừng xem phim bằng cái nhìn cực đoan.”
Đồng thời, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng nhấn mạnh: “Một bộ phim truyện luôn luôn được định nghĩa là hư cấu, tưởng tượng, dù cho có được chuyển thể, phóng tác, lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật. Do đó để có những bộ phim hay, người tác giả cần phải để cho trí tưởng tượng của mình bay bổng và đi xa hết mức có thể, thậm chí thoát ly hoàn toàn cái thực tế mà bộ phim dựa vào. Giống như các loại hình nghệ thuật khác, một bộ phim truyện làm ra để khán giả khám phá thế giới tưởng tượng của tác giả. Một bộ phim truyện hư cấu tuyệt đối không phải là bằng chứng lịch sử hay là căn cứ thực tế cho bất cứ một luận điểm nào, chủ thuyết nào.”
Tuy nhiên, vấn đề chính là ở cái tên phim được lấy đúng như nguyên tác vì vậy, ngay từ đầu nó đã 'định hướng" cho khán giả tiếp nhận như là một chuyển thể bám sát với tác phẩm văn học.
Theo phân tích của nhà báo Minh Đức, "phim điện ảnh"Đất rừng phương Nam"không phải chuyển thể trực tiếp từ tiểu thuyết, cũng không phải remake (làm lại-PV) thuần tuý từ bản truyền hình. Ở cả 2 phiên bản kia, yếu tố lòng yêu nước, tự hào dân tộc đều được đề cao, chính vì vậy, khán giả đã chờ đợi điều đó ở phiên bản phim điện ảnh này."
Mặt khác, cách truyền thông ban đầu của đoàn phim"Đất rừng phương Nam"là phim được làm theo hướng “tôn trọng lịch sử” cũng như cái tên phim hoàn toàn được lấy từ tên tác phẩm văn học đã khiến nhiều người nghĩ rằng bộ phim bám sát nguyên tác của nhà văn Đoàn Giỏi, thay vì “lấy cảm hứng” như ghi ở cuối phim.
Nhiều chuyên gia đã cho rằng, nếu như bộ phim lấy một cái tên khác, đơn giản như lấy tên phim truyền hình 1997 "Đất phương Nam" và ghi rõ “lấy cảm hứng từ tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam” ngay từ đầu phim thì mọi chuyện đã không "phức tạp" như vậy.
Liên quan đến vấn đề bản quyền, theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, đoàn phim làm đã gặp gia đình nhà văn Đoàn Giỏi, xin phép và ký hợp đồng bản quyền làm phim. Nhưng rõ ràng, việc trả tiền tác quyền cho gia đình tác giả để sử dụng tên tác phẩm và dữ liệu trong tác phẩm được sử dụng cho phim nó khác với "bản quyền tinh thần" của một tác phẩm văn học khi được chuyển thể.
Trước đây, có rất nhiều bộ phim từ những tác phẩm văn học có yếu tố lịch sử như "Chiến tranh Hòa Bình,""Bác sĩ Zhivago,"''Thép đã tôi thế đấy," "Chiếc trống thiếc"... cũng đã bị phê bình kịch liệt vì nó đã làm sai đi "tinh thần" của tiểu thuyết- đã được độc giả nhiều thế hệ mặc định. Do vậy, với"Đất rừng phương Nam" 2023 các nhà làm phim Việt Nam cũng đã rút ra được bài học về cách xử lý khéo léo làn ranh giới giữa sáng tạo nghệ thuật và chuyển thể kịch bản từ tác phẩm văn học.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, sự quan tâm của dư luận đối với một bộ phim Việt Nam, nhất là phim có yếu tố đấu tranh cách mạng, là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh nhiều phim Việt đã thất bại ở phòng vé kể từ đầu năm. Ngoài ra, những đóng góp cho bộ phim đã cho thấy công chung không tiếp cận dễ dãi bất cứ điều gì từ những chi tiết lịch sử, đến ngôn ngữ đối thoại cũng như thời trang... điều này sẽ đòi hỏi các nhà làm phim Việt cần phải chi tiết hơn, chuyên nghiệp hơn trong những tác phẩm của mình./.
Theo TTXVN/Vietnam+
- Phía sau sự giận dữ từ vụ thơ “Bắt nạt” đến phim “Đất rừng phương Nam”
- Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lên tiếng về những ồn ào 'Đất rừng phương Nam'
- 'Đất rừng phương Nam' - đẹp nhưng vô hồn, xem cho vui rồi thôi
- Trường THCS Đồng Khởi lên tiếng về bức thư ngỏ vận động học sinh đi xem phim 'Đất rừng phương Nam'
- Lý do ‘Đất rừng phương Nam’ chưa kịp sửa vẫn chiếu sớm
- 'Đất rừng phương Nam' thu gần 45 tỷ đồng sau ba ngày
- Chỉnh sửa phim và lời thoại trong “Đất rừng phương nam”
Liên kết website
Ý kiến ()