Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 03:30 (GMT +7)
Phim có NSƯT Hoàng Hải sai lệch về trang phục dân tộc
Chủ nhật, 04/08/2024 | 18:54:45 [GMT +7] A A
Bộ phim "Đi giữa trời rực rỡ" dù mới lên sóng nhưng đã gây tranh cãi về trang phục của nữ chính có sự sai lệch so với cuộc sống của người dân tộc Dao đỏ.
Lên sóng từ 31/7, bộ phim Đi giữa trời rực rỡ khắc họa cuộc sống của Pu (Thu Hà Ceri) - cô gái 18 tuổi người Dao đỏ trên con đường trưởng thành. Ở tuổi 18 Pu phải lựa chọn học đại học hay lấy chồng, giúp gia đình trả nợ. Phim có sự góp mặt của NSƯT Hoàng Hải.
Những tập mở đầu của Đi giữa trời rực rỡ gây ấn tượng với khán giả bởi cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp kết hợp cùng những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Dao.
Bối cảnh những tập đầu của phim phần lớn được quay tại Cao Bằng. Khung cảnh nơi đây là sự kết hợp của vẻ đẹp hùng vĩ và nên thơ.
Tuy nhiên, khán giả nhận thấy trang phục và cách sử dụng trang phục của người dân tộc Dao đỏ chưa phù hợp với thực tế. Theo đó, trang phục người Dao có thường phục và lễ phục, nhưng nhà làm phim chưa phân biệt được sự khác biệt của hai loại trang phục này nên đã để nữ chính Pu đã mặc lễ phục đi chăn trâu.
"Chị em mặc bộ lễ phục đính chùm bông đỏ kia mà đi chăn trâu, để bùn đất dính vào chùm bông đỏ kia thì bà con kiếm đâu ra quần áo mà thay liên tục?", "Cách buộc khăn đầu kia sai cách, các chị các cô đeo không bị luộm thuộm như trên màn ảnh nhỏ", "Mấy bộ này chúng em chỉ diện vào dịp đặc biệt quan trọng, lễ tết, đám cưới thôi. Kỳ công làm cả năm mới được một bộ trang phục, mang đi chăn trâu cắt cỏ thì bao nhiêu cho đủ"... là những bình luận của một bộ phận người dân tộc Dao bình luận về phim.
Trong phim, người được ghép đôi với Pu là Chải (Long Vũ) - thanh niên giàu nhất bản. Chải yêu Pu say đắm và tìm mọi cách để cưới cô. Điều này cũng gây không ít cản trở Pu trên con đường học vấn. Cuối cùng họ quyết định xuống thành phố.
Không chỉ trang phục của nữ chính Pu, trang phục dân tộc nam của nhân vật Chải cũng bị nhận xét không đúng, sai lệch về mặt thực tế. Chải mặc áo yếm đỏ và hai mảnh vắt sau lưng. Hai chi tiết này thuộc bộ lễ phụ nữ.
"Nhà làm phim lại cho Chải mặc thế, người khác không biết lại tưởng đấy là bộ lễ phục dành cho nam. Làm phim về đề tài dân tộc thiểu số là tốt, là hay. Nhưng cần để cho người xem hiểu đúng về văn hóa của dân tộc đó", một người dân tộc Dao đỏ cho biết.
Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng bày tỏ sự không hài lòng khi nhiều đơn vị sản xuất không tìm hiểu kỹ về tập tục, trang phục của người dân tộc trước khi sản xuất phim, tổ chức sự kiện... Điều này gây ra nhiều sai lệch về cuộc sống, phong tục của người dân tộc.
Nhà nghiên cứu cũng cho rằng việc tìm hiểu kỹ về một cộng đồng người dân tộc trước khi sản xuất các nội dung liên quan đến họ là sự tôn trọng dành cho cộng đồng đó.
Theo vtcnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()