Philippines nói sẽ đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), cáo buộc Bắc Kinh có hành động phá hoại môi trường ở Biển Đông.
"Chúng tôi sẽ theo đuổi các vụ kiện với Trung Quốc, bởi Philippines đã thu thập được nhiều bằng chứng",Manila Timeshôm nay dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Philippines Jesus Crispin Remulla. Ông Remulla nói thêm rằng vấn đề đang được trao đổi với Thư ký điều hành Lucas Bersamin của Tổng thống Ferdinand Marcos.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Philippines, các vụ kiện không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, mà dự kiến đề cập đến vấn đề môi trường, nhấn mạnh "phá hủy hệ sinh thái là tội ác chống lại nhân loại".
Tổng công tố Philippines Menardo Guevarra xác nhận Manila có kế hoạch đệ đơn kiện Bắc Kinh lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan.
Động thái diễn ra sau khi Cảnh sát biển Philippines (PCG) ngày 17/9 cho biết sau đợt khảo sát dưới biển từ ngày 9/8 đến 11/9, lực lượng này ghi nhận các rạn san hô tại một số thực thể trên Biển Đông bị "tàn phá nghiêm trọng", "địa hình đáy biển có thay đổi" và hệ sinh thái biển "dường như không còn sự sống".
Theo Jay Tarriela, phát ngôn viên PCG phụ trách vùng biển Tây Philippines (cách Manila gọi Biển Đông), hoạt động đánh bắt của tàu cá Trung Quốc tại khu vực có thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng suy thoái và hủy diệt môi trường biển ở khu vực này.
Giới chức Trung Quốc chưa bình luận về thông tin.
PCA là tổ chức quốc tế liên chính phủ với 122 quốc gia thành viên, có chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia với nhau hoặc giữa quốc gia với pháp nhân nước ngoài trong lĩnh vực kinh tế - đầu tư.
Năm 2016, PCA đã ra phán quyết trong vụ kiện đượcPhilippineskhởi xướng năm 2013 để phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết bác bỏ các yêu sách về "quyền lịch sử" mà Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông.
PCA khi đó cũng cho rằngTrung Quốcđã gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với hệ san hô ở quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, việc Trung Quốc bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo là không phù hợp với nghĩa vụ của một quốc gia trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Phán quyết có giá trị pháp lý và mang tính ràng buộc, nhưng không có cơ chế thi hành. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận hoặc thực thi phán quyết của PCA, bất chấp sức ép từ dư luận quốc tế.
Ý kiến ()