Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:42 (GMT +7)
Phiên họp Ủy ban TV Quốc hội: Cử tri kiến nghị sớm cải cách tiền lương
Thứ 2, 10/10/2022 | 16:33:57 [GMT +7] A A
Cử tri kiến nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và tình hình tăng giá, tránh tình trạng việc rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 16, sáng 10/10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4; cho ý kiến về các báo cáo: Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2022.
Cử tri mong sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương
Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết cử tri và nhân dân cho rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành quyết liệt, kinh tế-xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo nhiều điểm sáng tích cực.
Tuy nhiên, cử tri, nhân dân bày tỏ sự lo lắng dù kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn phục hồi, phát triển nhưng chưa đồng đều và thực sự bền vững; học phí, các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không tăng...
Cử tri ở vùng nông thôn lo ngại các mặt hàng nông sản chủ lực vẫn còn gặp tình trạng giá cả không ổn định, giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thức ăn chăn nuôi duy trì ở mức cao, chi phí đầu vào tăng cao phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu, nhất là Trung Quốc; một số sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, thiếu đầu ra ổn định.
Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội vẫn còn chậm do thời gian giao vốn chậm. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp khó khăn do giá đất tăng; giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao. Thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư, nhất là đối với các dự án mới kéo dài; năng lực của một số chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu, ban quản lý dự án còn hạn chế.
Về các vấn đề xã hội, ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh cử tri kiến nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và tình hình tăng giá, tránh tình trạng việc rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong thời gian vừa qua.
Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp quyết liệt để giải quyết dứt điểm tình trạng thay sách giáo khoa gây tốn kém, lãng phí, khó khăn cho giáo viên, học sinh; quy định hướng dẫn việc sử dụng sách giáo khoa trong các trường phổ thông thống nhất trong toàn quốc; phối hợp với Bộ Nội vụ để có giải pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.
Cử tri, nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là với những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật; đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để không thể tham nhũng, tiêu cực...
82,2% kiến nghị của cử tri được giải quyết, trả lời
Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các Đoàn đại biểu Quốc hội trước và sau kỳ họp thứ 3, đã có 2.640 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 2.171 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 82,2%.
Tuy nhiên, một số bộ, ngành trả lời còn chưa đúng thời hạn theo quy định. Nội dung trả lời cử tri của một số bộ, ngành còn chưa đầy đủ, trả lời còn chung chung. Công tác phối hợp chưa chặt chẽ, không kịp thời nên một số kiến nghị cử tri chưa được giải quyết.
Một số văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền chưa rõ ràng gây khó khăn khi triển khai thực hiện. Ngoài ra, kiến nghị cử tri chưa được giải quyết do còn có sự vướng mắc, thiếu thống nhất giữa các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong tháng 9/2022, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng trước. Tình hình khiếu kiện vẫn diễn biến phức tạp.
Trong kỳ báo cáo năm 2022 (Từ 1/8/2021 đến 31/7/2022), các cơ quan của Quốc hội đã tiếp 4.937 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 3.855 vụ việc; 178 lượt đoàn đông người.
So với cùng kỳ năm trước, tăng 14% lượt người và tăng 15,07% vụ việc. Các cơ quan cũng tiếp nhận 26.910 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến, trong số 10.301 đơn đủ điều kiện xử lý đã chuyển 4.369 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố cần nâng cao hơn nữa chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị cử tri, đảm bảo tiến độ gửi báo cáo tổng hợp theo quy định; tăng cường thực hiện tiếp công dân, xử lý đơn và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài ở địa phương.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền sớm triển khai, thực hiện các nội dung kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo;” thực hiện nghiêm, đầy đủ các nội dung, nhất là những vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể, những vấn đề bức xúc trong xã hội được cử tri và nhân dân quan tâm đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị tại báo cáo công tác dân nguyện hằng tháng; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với thế lực phản động, lợi dụng một số vụ việc khiếu kiện đông người để lôi kéo, kích động, gây phức tạp về an ninh trật tự, vi phạm pháp luật.
Làm rõ những vấn đề được cử tri quan tâm
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nội dung các báo cáo; đánh giá cao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chuẩn bị báo cáo đầy đủ, chi tiết, ngoài nội dung đánh giá chung đã đề cập đến các nhóm nội dung cử tri quan tâm như: phát triển kinh tế-xã hội, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống dịch bệnh...
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đề nghị đánh giá rõ hơn nguyên nhân của tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nhân lực y tế ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Theo ông Lê Tấn Tới, số liệu của Bộ Nội vụ cho thấy, thời gian qua, có hơn 39.000 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển việc ra khu vực tư. Đây là vấn đề được cử tri quan tâm, song do nhiều nguyên nhân chứ không chỉ do áp lực công việc, tiền lương và thu nhập chưa đảm bảo. Do vậy, cần có đánh giá khái quát và sát hơn.
Về tình hình trật tự an toàn xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh ghi nhận nội dung đánh giá sát thực tế, song cần đánh giá tổng thể, làm rõ những vấn đề nổi lên được cử tri và nhân dân quan tâm như tội phạm lừa đảo, đánh bạc trên không gian mạng; các vụ cháy nghiêm trọng tại các quán karaoke; tình hình trật tự an toàn giao thông...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu phản ánh của người dân về việc thu hồi sổ hộ khẩu, việc cấp xác nhận nơi cư trú còn chưa thực sự thuận lợi cho người dân. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan chức năng quan tâm, có hướng dẫn; khẩn trương rà soát các quy định, hướng dẫn sử dụng căn cước công dân gắn chíp để tạo thuận lợi nhất cho người dân. Đây cũng là bước chuẩn bị tích cực khi hết năm nay sổ hộ khẩu hết giá trị sử dụng thì không phát sinh vướng mắc, bất cập lớn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh cử tri và nhân dân quan tâm đến cuộc giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đồng thời kỳ vọng sau khi Quốc hội có nghị quyết sẽ xử lý được các dự án treo, quy hoạch treo. Bởi có tình trạng trong rất nhiều năm, nhiều hộ dân ở trong diện quy hoạch không được làm gì, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Liên quan đến vấn đề xăng dầu, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị bổ sung thêm vào báo cáo về việc hiện nay nhân dân phản ánh việc điều hành chính sách, kể cả điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu... dẫn đến một số cửa hàng xăng dầu nói là kinh doanh thua lỗ nên đóng cửa, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống người dân./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()