Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 10:59 (GMT +7)
Phía sau sự giận dữ từ vụ thơ “Bắt nạt” đến phim “Đất rừng phương Nam”
Thứ 4, 18/10/2023 | 10:17:19 [GMT +7] A A
Cuộc tranh luận xoay xung quanh bài thơ “Bắt nạt” kéo dài từ năm 2021 đến năm 2023 với muôn chiều quan điểm, bất phân thắng bại. Riêng cuộc “tấn công” hướng đến cá nhân tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh có dấu hiệu ngày càng dữ dội.
Đám đông giận dữ
Trong khoảng thời gian rất ngắn, dư luận được dịp sôi sục trong những “cuộc chiến” tranh luận dữ dội xoay quanh 2 tác phẩm, bài thơ “Bắt nạt” và bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam”.
Bài thơ “Bắt nạt” nhận những chỉ trích nặng nề về chất lượng, ý thơ, khi được đưa vào sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 6 thuộc bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của Nhà xuất bản Giáo dục. Nhiều ý kiến đề xuất loại bỏ bài thơ này ra khỏi hệ thống sách giáo khoa.
Vượt ra khỏi giới hạn những tranh luận xoay xung quanh tác phẩm, đông đảo tài khoản còn tràn vào trang cá nhân của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh để buông lời xúc phạm, miệt thị anh.
Cũng tương tự như thế, ngay sau khi “Đất rừng phương Nam” ra mắt trong những suất chiếu sớm, cuộc tranh luận bùng nổ gay gắt xoay quanh những yếu tố lịch sử được đề cập trong phim.
Hàng loạt tài khoản tràn vào trang cá nhân của diễn viên Trấn Thành để lại bình luận mang tính công kích cá nhân, nhắm vào nguồn gốc xuất thân của anh, chỉ trích anh với những ngôn ngữ miệt thị, mỉa mai, gây chia rẽ.
Cuộc tranh luận đã vượt ra khỏi những giới hạn về sự văn minh cần có, vượt ra khỏi nội dung cần bàn trong các tác phẩm, “đám đông giận dữ” chỉ mượn tác phẩm để chỉ trích, bài xích tác giả và những người liên quan.
Sự thật phía sau
Rất nhiều nhà chuyên môn, giới phê bình lý luận, các thầy cô dạy Ngữ văn tại nhiều trường học đã phải lên tiếng về lý do đưa “Bắt nạt” vào sách giáo khoa, bởi bài thơ đã đề cập đến câu chuyện mang tính thời sự trong đời sống học đường hiện nay.
Theo đó, môn Ngữ văn luôn phải đứng trước áp lực đổi mới, từ cách dạy học đến cách chọn lọc tác phẩm cho nội dung giảng dạy. Giáo trình, sách giáo khoa đến đề thi môn Ngữ văn nhiều lần bị chỉ trích cũ mòn khi trích dẫn quá nhiều tác phẩm cũ, từ giai đoạn 1945-1954.
“Bắt nạt” bước vào sách giáo khoa với nhiều lý do, trong đó, văn học dành cho thanh thiếu niên đang thiếu những tác phẩm nổi bật.
Trong khi đời sống, tác phẩm của dòng văn học thiếu nhi gần như chững lại, đời sống học đường lại thay đổi liên tục, với những biến động mang tính thời cuộc, những khác biệt mang tính thế hệ.
Nhiều vấn nạn như bạo lực học đường đã trở nên nhức nhối. Dòng chảy của văn học dành cho thanh thiếu nhi thiếu nghiêm trọng những tác phẩm bắt kịp sự biến đổi trong đời sống học đường.
Chính vì cần những tác phẩm có chủ đề mới, cập nhật đời sống học đường thời hiện đại, “Bắt nạt” đã được lựa chọn để bước vào sách giáo khoa Ngữ văn cho học sinh lớp 6, để ít ra, chủ đề về “bắt nạt”, về bạo lực học đường cần được cảnh báo, khi văn học vốn là nhân học.
Nhưng bất chấp những tranh luận về tính cấp thiết của đề tài, về sự cập nhật đời sống văn học mới cho sách giáo khoa, dư luận vẫn không ngừng công kích tác giả.
Bộ phim “Đất rừng phương Nam” cũng đang đứng trong tâm bão chỉ trích, kéo theo những công kích nặng nề hướng tới đạo diễn, diễn viên tham gia bộ phim.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, đạo diễn Charlie Nguyễn nói: “Khán giả có quyền đưa ý kiến, có quyền tranh luận, có quyền thích hoặc không thích tác phẩm, nhưng việc áp đặt thiên kiến cá nhân, từ đó dùng tác phẩm để công kích tác giả, là cực đoan, thậm chí hằn học”.
Theo đạo diễn Charlie Nguyễn, chức năng, vai trò của người nghệ sĩ là sáng tạo, là dùng trí tưởng tượng để kể một câu chuyện thật hấp dẫn, gửi đến khán giả.
“Một bộ phim điện ảnh hư cấu, lấy cảm hứng từ một tiểu thuyết hư cấu, lại bị yêu cầu phải phản ảnh đúng lịch sử thì quá khó. Nhiều khán giả đã bị cảm xúc, thiên kiến cá nhân chi phối đến việc cảm thụ tác phẩm” – đạo diễn Charlie Nguyễn nói.
Nhiều nhà làm phim cũng lên tiếng bênh vực cho bộ phim “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mong khán giả tranh luận, nhưng xin đừng cực đoan.
“Nếu dư luận cực đoan, áp đặt, những người làm phim, và những người làm nghệ thuật chỉ còn một cách duy nhất để tránh ồn ào, tránh bị công kích, xúc phạm, đó là: không sáng tác gì nữa, không có tác phẩm nữa” – đạo diễn Charlie Nguyễn nói.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()