Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:20 (GMT +7)
Phía sau những trang báo
Thứ 4, 10/01/2024 | 13:51:15 [GMT +7] A A
Hằng ngày cầm tờ báo trên tay, độc giả thường chỉ quan tâm đến nội dung bài viết, hình thức trang báo, mà ít người quan tâm đến công đoạn in ấn và phát hành. Thực chất, đây lại là công việc hết sức quan trọng để cho ra một tờ báo hoàn chỉnh với thông tin rõ ràng, chính xác và tính thẩm mỹ cao.
Đồng hành cùng sự phát triển của Báo Quảng Ninh, những năm qua đội ngũ CBCN Công ty TNHH MTV In Quảng Ninh và nhân viên Bưu điện tỉnh vẫn luôn miệt mài thực hiện công đoạn cuối cùng này, để mỗi sáng sớm tờ Báo Quảng Ninh đến được với độc giả khắp mọi miền trong tỉnh.
Tỉ mẩn trong từng công đoạn
Tối muộn một ngày cuối tháng 12/2023, chúng tôi đến Phân xưởng Chế bản (Công ty TNHH MTV In Quảng Ninh) để tìm hiểu về công đoạn chế bản báo in. Phó Quản đốc Phân xưởng Chế bản Nguyễn Trọng Nhã cho biết: Hằng ngày, sau khi tiếp nhận file PDF maket báo của Trung tâm Truyền thông tỉnh chuyển sang qua hệ thống kỹ thuật số, chúng tôi thường in ra giấy trắng để kiểm tra, soát lỗi thêm 1 lần trước khi ra bản. Bởi trong quá trình xuất file vẫn có thể bị lỗi phông chữ, hay ảnh bị mất hoặc mờ. Tùy vào từng lỗi để khắc phục, trường hợp nghiêm trọng chúng tôi sẽ thông tin sang bộ phận phụ trách của Trung tâm Truyền thông tỉnh để phối hợp xử lý.
Sau khi hoàn thành việc soát lỗi, file in được đưa vào máy ghi bản. "Trước đây thực hiện công nghệ cũ thì file in từ máy tính sẽ được in thành fim âm bản, sau đó phơi trên bản kẽm để thành khuôn in. Công đoạn này mất rất nhiều thao tác, kéo dài hàng giờ đồng hồ. Hiện nay với công nghệ mới, file in từ máy tính sẽ được in trực tiếp ra bản kẽm. Công đoạn này chỉ mất 10-15 phút, sau đó bản kẽm được chuyển sang Phân xưởng Máy in để tiến hành in báo" - Quản đốc Phân xưởng Chế bản Nguyễn Đức Hùng cho biết.
Theo Quản đốc Phân xưởng Chế bản Nguyễn Đức Hùng, hằng ngày khi nhận file maket báo từ Trung tâm Truyền thông tỉnh chuyển sang dù muộn đến mấy, đội ngũ trực in báo đều phải thực hiện đảm bảo tiến độ để phát hành. Và dù sớm hay muộn Phân xưởng Chế bản vẫn phải thực hiện đúng quy trình để kiểm soát lỗi.
Việc in ấn cũng phải thực hiện theo đúng quy trình đặt ra. Trước khi được in đồng loạt, báo được in thử (khoảng 3-5 tờ) để điều chỉnh độ chính xác của khuôn in, đậm nhạt của màu sắc trên ảnh, phông chữ. Khi điều chỉnh xong, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, lãnh đạo Phân xưởng Máy in trực ca mới ký duyệt cho in chính thức.
Phó Quản đốc Phân xưởng Máy in Vũ Văn Thanh cho biết: Chúng tôi quy định từ cán bộ trực ca đến người thợ máy phải đọc soát kỹ trên từng trang báo in để kịp thời phát hiện ra lỗi dù lớn hay nhỏ. Mặc dù qua nhiều khâu đọc soát như vậy, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn phát hiện ra lỗi, chủ yếu mất nét, thiếu dấu chữ... Tùy từng trường hợp, chúng tôi sẽ phối hợp xử lý để tờ báo được in ra đạt chất lượng tốt nhất trước khi chuyển sang bộ phận khác.
Anh Trịnh Quốc Tuấn, công nhân vận hành máy in chia sẻ: Trước đây, mỗi ca in báo phải mất 5-6 tiếng mới xong. Hiện tại việc áp dụng công nghệ in mới từ khâu chế bản đến máy in, nên việc in báo nhanh hơn, chỉ khoảng 2-2,5 tiếng là hoàn thành.
Sứ giả của tờ báo và người đọc
Chị Đỗ Thu Viên, công nhân Phân xưởng Tổng hợp (Công ty TNHH MTV In Quảng Ninh) hằng ngày được phân theo ca trực để gấp Báo Quảng Ninh. Chị Viên chia sẻ: Trước đây việc gấp báo khá vất vả, khoảng 2h30-3h30 Phân xưởng Máy in mới in xong và chuyển báo lên Phân xưởng Tổng hợp để gấp. Phân xưởng chúng tôi chủ yếu là nữ, nhiều người có con nhỏ, nhà ở xa, việc đi lại khá vất vả, nhất là khi thời tiết mưa bão, rét. Hiện nay công ty đã đầu tư 2 máy gấp báo nên thuận tiện hơn rất nhiều. Chị em công nhân không còn phải thức đêm trực gấp báo như trước nữa.
Câu chuyện gấp báo mặc dù vất vả, nhưng cũng để lại nhiều kỷ niệm với các thế hệ công nhân Công ty TNHH MTV In Quảng Ninh. Quản đốc Phân xưởng Tổng hợp Lê Thị Yến chia sẻ: Đối với những công nhân gấp báo chúng tôi, cuộc đời cầm chiếc gậy gấp (gậy gỗ hoặc tre vót nhẵn, dẹt giống đũa cả, công nhân dùng để gấp báo thủ công) thuần thục đến mức không cần nhìn, hoặc nhắm mắt vẫn gấp vuông vắn, chính xác từng trang báo. Có thời điểm việc ít, thu nhập không cao, nhưng anh chị em công nhân vẫn không bỏ việc. Nhìn những trang báo vuông vắn, gọn ngàng trên kệ, chúng tôi rất vui vì đóng góp một phần công sức của mình trong đó.
Chị Đỗ Hoàng Hà sau khi hoàn thành việc gấp báo, chuyển sang rà soát danh sách số lượng báo cho các bưu cục, chia sẻ: Báo Quảng Ninh hàng ngày hiện phát hành gần 5.000 tờ/số. Khi gấp báo xong chúng tôi phải ghi rõ số lượng báo trên phiếu cho từng huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Khoảng 4-4h30 hằng ngày, xe của Công ty TNHH MTV In Quảng Ninh sẽ chuyển báo ra Bưu điện tỉnh để phát hành tới các địa phương kịp thời đưa báo đến độc giả.
Tại Bưu điện tỉnh, Trung tâm Khai thác sẽ chuyển báo đến từng bưu cục. Có thâm niên 7 năm thực hiện cấp phát Báo Quảng Ninh, anh Nguyễn Văn Quý, bưu tá tại Bưu cục Bãi Cháy (TP Hạ Long) chia sẻ: Khoảng 8h hằng ngày, chúng tôi nhận Báo Quảng Ninh từ xe của Trung tâm Khai thác (Bưu điện tỉnh), sau đó căn cứ vào số lượng báo theo từng địa chỉ cơ quan, đơn vị, nhà riêng cán bộ hưu trí, hội viên… sẽ chuyển phát đến tận nơi. Công việc này diễn ra hằng ngày, bất kể thời tiết nắng hay mưa thì tôi đều phải hoàn thành. Muộn nhất 15h hằng ngày, báo phải đưa đến địa chỉ người nhận.
Giám đốc Bưu điện tỉnh Phạm Thị Hải Yến cho biết: Chức năng và nhiệm vụ của ngành Bưu điện tỉnh là phát hành các ấn phẩm báo chí của Trung tâm Truyền thông tỉnh, trong đó có Báo Quảng Ninh. Tất cả các điểm bưu điện, bưu cục trong toàn tỉnh đều phải chuyển phát báo đến độc giả kịp thời, đặc biệt là khu vực địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Chúng tôi xác định, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, để ấn phẩm Báo Quảng Ninh là "món ăn tinh thần" của mọi độc giả Quảng Ninh.
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()