Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:31 (GMT +7)
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh: Phẫu thuật nội soi 3D cắt đa kén khí phổi cho bệnh nhân COPD
Thứ 5, 26/08/2021 | 12:31:05 [GMT +7] A A
Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh phổ biến ở người cao tuổi, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Phẫu thuật phổi cho các bệnh nhân này luôn là một thách thức lớn trong gây mê hồi sức cũng như phẫu thuật viên. Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện phẫu thuật nội soi 3D cắt các kén khí bị tổn thương phức tạp cho bệnh nhân mắc COPD lâu năm bị đa kén khí phổi hai bên.
Bệnh nhân là Ngô Minh X. (64 tuổi, xã Yên Đức, TX Đông Triều). Theo gia đình cho biết, ông X. từng hút thuốc lào nhiều năm, có tiền sử điều trị giãn phế nang và bệnh COPD. Bệnh nhân ở nhà ho nhiều, khạc đờm đục, đau tức ngực, khó thở thường xuyên, đã đi khám và điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương với chẩn đoán đa kén khí bội nhiễm cả hai phổi/COPD. Tuy nhiên, bệnh tái phát từng đợt khiến ông X. thường xuyên phải nằm viện. Các bác sĩ tư vấn nên phẫu thuật để khỏi bệnh lâu dài hơn nên gia đình đã chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh để tiếp tục điều trị.
Qua hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực cho thấy, bệnh nhân có nhiều kén khí lớn ở cả hai phổi gây chèn ép phần phổi lành vốn đã bị xơ hóa do bệnh phổi lâu ngày. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị kén khí phổi bội nhiễm, đa kén khi phổi hai bên trên nền bệnh COPD. Hiện tại tình trạng nhiễm trùng đã ổn định, nếu được phẫu thuật cắt bỏ các kén khí choán chỗ trong lồng ngực thì tình trạng hô hấp của bệnh nhân sẽ được cải thiện.
Kén khí ở phổi có biểu hiện đặc trưng qua những túi khí nằm trong nhu mô phổi, kèm theo có sự phá hủy vách các phế nang không phục hồi. Kén khí phổi xảy ra cục bộ tại vùng của phổi, có thể một hoặc nhiều kén tập trung ở thùy trên nhiều hơn thùy dưới, thường kết hợp với viêm phế quản mãn tính, giãn phế nang khu trú, lao, hoặc bội nhiễm gây áp xe phổi… Kén khí phổi có thể gây xẹp phổi bên mọc kén, đẩy trung thất chèn ép cả phổi bên đối diện, gây hậu quả suy hô hấp rất nặng nề. Thậm chí nếu tăng áp lực trong đường thở bệnh nhân, kén khí có thể vỡ gây tràn khí màng phổi dẫn đến tử vong. Bệnh nhân bị kén khí phổi cần được phát hiện và phẫu thuật kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm. Phẫu thuật nội soi cắt kén khí là phương pháp điều trị tối ưu, giúp bệnh nhân cải thiện chức năng hô hấp của phổi mà không phải trải qua cuộc mổ nặng nề. |
Đây là ca bệnh khó, phức tạp, bệnh nhân thể trạng gầy yếu, kén khí cả hai bên phổi bị nhiễm khuẩn. Hơn nữa, bệnh nhân lại có tiền sử bệnh COPD mãn tính khiến phổi thông khí kém, hô hấp nặng nề, rủi ro xảy ra trong và sau phẫu thuật cao. Sau khi hội chẩn đa chuyên khoa Ngoại, Gây mê hồi sức, Hô hấp, các bác sĩ đã quyết định thực hiện phẫu thuật nội soi cắt kén khí cho bệnh nhân, bởi nếu không xử trí kịp thời kén khí có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng, thậm chí suy hô hấp, tử vong khi bị bội nhiễm.
Để có thể tiến hành ca mổ, gây mê hồi sức chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định cuộc mổ có diễn ra thuận lợi hay không. Đánh giá về ca bệnh này, bác sĩ CKII Trần Ngọc San, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: "Gây mê thông khí chọn lọc một phổi cho trường hợp này là một thách thức rất lớn. Bởi các trường hợp khác thường chỉ tổn thương 1 bên phổi, nhưng bệnh nhân này lại tổn thương nặng nề cả hai lá phổi, nên chúng tôi buộc phải lựa chọn thông khí một phổi ít tổn thương hơn để phẫu thuật viên có thể xử trí bên phổi còn lại. Hơn nữa, bệnh nhân có tiền sử bệnh COPD, chức năng hô hấp bị suy giảm, vì vậy quá trình gây mê chúng tôi tuyệt đối cẩn trọng, luôn theo dõi sát các chỉ số, duy trì áp lực và thể tích phổi ổn định để vừa đảm bảo thông khí, vừa làm phổi xẹp đủ rộng để tạo phẫu trường cho các phẫu thuật viên dễ dàng thao tác, yên tâm xử trí tổn thương, giúp ca mổ diễn ra an toàn, thuận lợi”.
Kíp mổ do bác sĩ Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại; bác sĩ Trần Ngọc San, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, cùng các bác sĩ chuyên khoa Ngoại, Gây mê hồi sức phối hợp tiến hành. Phẫu thuật viên đưa camera nội soi cùng dụng cụ phẫu thuật qua các vết rạch 1 - 1,5 cm trên lồng ngực, tiến hành gỡ dính màng phổi, quan sát thấy có hơn 20 kén khí lớn nhỏ trên bề mặt, đường kính kén lớn nhất gần 10cm chèn ép gây xẹp phổi dẫn đến tình trạng tắc đường dẫn khí và ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của người bệnh. Dưới sự hỗ trợ của hệ thống nội soi 3D hiện đại, kíp mổ thực hiện gỡ dính và cắt toàn bộ các kén khí bằng dụng cụ cắt nối hoặc khâu chuyên dụng.
Ca mổ diễn ra trong 3 tiếng. Sau mổ, bệnh nhân dễ thở hơn trước nhiều, ít đau vết mổ, phổi giãn nở tốt, có thể vận động nhẹ nhàng, đi lại bình thường.
Bác sĩ Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Không chỉ là thách thức đối với bác sĩ gây mê khi phải thông khí kéo dài cho một bệnh nhân tổn thương hai bên phổi nặng nề, mà đây còn là cuộc mổ phức tạp đối với các phẫu thuật viên. Bởi bệnh nhân X. bị tổn thương phổi trong thời gian dài, kén khí bị bội nhiễm gây dày dính thành ngực. Hoàn cảnh gia đình bệnh nhân khó khăn nên chúng tôi cân nhắc việc cắt bỏ 20 kén khí lớn sẽ rất tốn kém khi sử dụng các dụng cụ cắt nối chuyên dụng, chi phí có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Do vậy, chúng tôi đã gỡ dính và sử dụng dây chằng di động tối đa các thùy phổi để đưa các kén khí ra ngoài lồng ngực, sau đó tiến hành khâu và cắt, nhờ vậy sẽ giảm được rất nhiều chi phí cho bệnh nhân mà vẫn đảm bảo cắt hết tổn thương. Sức khoẻ bệnh nhân hồi phục rất tốt sau mổ do lá phổi được giải phóng chèn ép khỏi các kén khí”.
Phẫu thuật nội soi 3D cắt kén khí là một trong những kỹ thuật cao, chuyên sâu, được thực hiện chủ yếu ở các bệnh viện có trang thiết bị y tế hiện đại, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên môn sâu trong lĩnh vực phẫu thuật lồng ngực. Kỹ thuật này có ưu điểm vượt trội so với phương pháp mổ mở truyền thống như ít đau đớn, giảm nguy cơ tai biến trong và sau mổ (chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, viêm phổi, xẹp phổi, suy giảm chức năng hô hấp), vết mổ nhỏ nên tính thẩm mĩ cao, nhờ vậy bệnh nhân hồi phục nhanh, rút ngắn thời gian nằm viện. Kỹ thuật này thường chỉ định cho các trường hợp kén khí lớn ở phổi gây khó thở kéo dài, tràn khí/ tràn máu màng phổi, nhiễm trùng tái phát, ho ra máu…
Ca mổ khó và phức tạp như của bệnh nhân X. được thực hiện thành công đã khẳng định trình độ chuyên môn cao, tay nghề chuyên sâu trong lĩnh vực phẫu thuật lồng ngực của đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa các chuyên khoa. Qua đó, người dân trên địa bàn yên tâm hơn khi không may mắc phải những bệnh lý nặng nề vẫn được điều trị kịp thời tại đơn vị y tế tuyến cuối tỉnh, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.
Nguyễn Hoa-Hà Trang (CTV)
- Phẫu thuật tim bằng công nghệ nội soi 3D lần đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh
- Điều trị chấn thương chỉnh hình với nhiều kỹ thuật mới tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh: Những tiến bộ trong điện quang can thiệp
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh: Chung tay vì sức khỏe cộng đồng
Liên kết website
Ý kiến ()