Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 23/01/2025 21:37 (GMT +7)
Phát triển y tế thông minh, y tế chuyên sâu
Thứ 5, 23/01/2025 | 13:59:41 [GMT +7] A A
Công tác chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) luôn được ngành Y tế tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch công tác hằng năm. Từ đó, ngành đã có những tham mưu với tỉnh về những cơ chế, chính sách để đầu tư phát triển hạ tầng thiết bị, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực. Qua đó từng bước xây dựng hệ thống y tế hiện đại, thông minh và chuyên sâu nhằm cung cấp đa dạng các dịch vụ y tế chất lượng cho người dân trong tỉnh cũng như du khách, doanh nhân khi đến tham quan, công tác tại Quảng Ninh.
Xây dựng hệ thống y tế thông minh
Hòa nhịp cùng cuộc cách mạng chuyển đổi số toàn diện, ngành Y tế tỉnh tiếp tục đánh dấu những bước tiến quan trọng; là một điểm sáng trong hoạt động chuyển đổi số, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quảng Ninh hiện là 1 trong số ít tỉnh, thành trong cả nước đã có 100% cơ sở khám, chữa bệnh áp dụng thành công hồ sơ bệnh án điện tử; góp phần xây dựng mô hình bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ; về đích sớm hơn 1 năm so với mục tiêu đã đặt ra của tỉnh.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, bệnh án điện tử được coi là cốt lõi và là điểm khởi đầu cho mọi nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Bệnh án điện tử là phiên bản số của hồ sơ bệnh án, được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Mọi thông tin quy trình chuyên môn, thực hiện y lệnh, tiền sử, diễn biến điều trị của người bệnh đều được số hóa, dữ liệu tiêu chuẩn, liền mạch, quy trình thực hiện giảm thiểu sử dụng giấy tờ.
Cùng với hồ sơ bệnh án điện tử thì các cơ sở khám, chữa bệnh của tỉnh cũng ứng dụng nhiều tiện ích công nghệ số để cải thiện quy trình phục vụ, hỗ trợ người bệnh. Nổi bật như đặt lịch khám bệnh, trả kết quả trực tuyến qua điện thoại, website, zalo; thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt bằng nhiều phương thức như qua thẻ POS, chuyển khoản, mã QR tĩnh, QR động; đăng ký khám bệnh bằng thẻ căn cước công dân, ứng dụng thẻ BHYT điện tử VssID, VneID; đăng ký khám bệnh bằng ki-ốt thông minh…
Ông Nguyễn Văn Tình (phường Hà Lầm, TP Hạ Long), chia sẻ: Tôi điều trị định kỳ bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính từ năm 2020 đến nay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong suốt thời gian qua, tôi không cần phải lưu giữ lại giấy tờ mà toàn bộ hồ sơ bệnh án, các giấy tờ hành chính của tôi trong 4 năm qua đều được lưu giữ trên hệ thống phần mềm của bệnh viện. Tôi được hướng dẫn xem các thông tin dễ dàng trên điện thoại có mạng Internet.
Tương tự, chị Tô Thị Ngân (phường Hoàng Tân, TX Quảng Yên) cũng không phải lưu trữ hồ sơ bệnh án mỗi khi khám bệnh tại TTYT TX Quảng Yên. Đồng thời, chị cũng duy trì việc đặt lịch khám qua tổng đài nên biết rõ thời gian đến khám, không còn cảnh chờ đợi như trước.
Ngành Y tế tỉnh cũng được đánh giá cao khi đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ trọng tâm thuộc Đề án 06 của tỉnh về chuyển đổi số trong khám chữa bệnh. Hiện, 231/231 cơ sở y tế trên địa bàn đã tích hợp sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip thay cho thẻ bảo hiểm y tế. 100% cơ sở khám chữa bệnh đã chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt, với hơn 60% số tiền viện phí được thanh toán trực tuyến. 100% thủ tục hành chính như: Giấy khám sức khỏe lái xe, Giấy báo tử, Giấy chứng sinh, Giấy chuyển tuyến, Giấy hẹn khám lại đã được liên thông với Cổng dịch vụ công Quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Ngành Y tế cũng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao trong nhiều năm qua.
Đến hết tháng 12/2024, các cơ sở khám chữa bệnh BHYT công lập trên địa bàn tỉnh đã triển khai Sổ sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an. Ngành Y tế tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng HD Bank hoàn thành triển khai Kiosk khám bệnh tại 20 cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Ngân hàng HDBank tài trợ, lắp đặt 67 thiết bị Kiosk y tế thông minh cho các cơ sở y tế trong năm 2025. Ngành Y tế tiếp tục phối hợp với các tập đoàn viễn thông lớn thực hiện thử nghiệm, tích hợp nhiều nền tảng quản lý thông tin y tế quan trọng của tỉnh, như: hệ thống dữ liệu y tế tập trung và quản lý thiết bị y tế, hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý dữ liệu thông tin y tế tập trung Sở Y tế, hệ thống quản lý thông tin máu và các chế phẩm máu…
Ngoài việc số hóa các dịch vụ quản lý và khám chữa bệnh, ngành Y tế tỉnh còn triển khai nhiều công nghệ tiên tiến để cải thiện hiệu quả công tác chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Nổi bật là ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ não tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đây là phần mềm giúp hỗ trợ bác sĩ đưa ra những dự đoán chính xác về tình trạng bệnh, giúp bệnh nhân có những biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả, giảm những di chứng. Cùng với đó, toàn ngành duy trì và triển khai hiệu quả hệ thống khám chữa bệnh từ xa Vtelehealth và Telemedicine trong hội chẩn, tập huấn và đào tạo khoa học với các bệnh viện tuyến trung ương và các tuyến y tế trên địa bàn. Qua đó góp phần kết nối đội ngũ bác sĩ phối hợp xử lý các ca bệnh khó, nguy kịch, nhằm nâng cao chất lượng chất lượng điều trị, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Kỷ nguyên số - kỷ nguyên gắn liền với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình chuyển đổi số là một xu thế tất yếu. Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua và những định hướng ưu tiên về chuyển đổi số, tin tưởng rằng ngành Y tế tỉnh tiếp tục nỗ lực, chủ động trong chuyển đổi số; góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số toàn diện trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh và đặc biệt là thực sự đem lại những tiện ích hiệu quả cho người dân.
Giảm tỷ lệ chuyển tuyến, thu hút người bệnh bằng nhiều kỹ thuật cao
Đầu tháng 1/2025, các bác sĩ khoa Phẫu thuật và Can thiệp Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã kịp thời sốc điện cấp cứu, can thiệp đặt stent khẩn cấp để giành lại sự sống cho bệnh nhân Lê Văn T. (46 tuổi, TP Móng Cái). Được biết, bệnh nhân có biểu hiện đau tức ngực, khó thở nhiều ngày, sau đó đột ngột đau tức ngực trái dữ dội được cấp cứu tại TTYT TP Móng Cái. Ngay lập tức, các bác sĩ ở Móng Cái đã hội chẩn từ xa với bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, đồng thời hướng dẫn sơ cứu và đảm bảo vận chuyển bệnh nhân về tuyến trên an toàn.
Nhập viện trong tình trạng cấp cứu tối khẩn, bệnh nhân được chuyển khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện để duy trì thuốc trợ tim, vận mạch liều cao. Sau khi ổn định, bệnh nhân được chuyển phòng can thiệp để chụp động mạch vành. Tuy nhiên trong thời điểm này, tình trạng của bệnh nhân diễn biến nhanh, rung thất liên tục, ngừng tim đột ngột. Các bác sĩ khẩn trương cấp cứu sốc điện ngoài lồng ngực 15 lần để xử trí các rối loạn nhịp, đưa tim đập trở lại, kết hợp sử dụng thuốc vận mạch, đặt nội khí quản, an thần, thở máy. Kíp can thiệp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục thực hiện đặt stent để tái thông lòng mạch bị hẹp tắc, khôi phục tưới máu cho cơ tim.
Trong suốt quá trình điều trị tại khoa Phẫu thuật, xạ trị và y học hạt nhân (Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí), ông Đàm Quang Lý (xã Tiền An, TX Quảng Yên) luôn cảm thấy hài lòng, tin tưởng vào đội ngũ cán bộ, y bác sĩ bệnh viện. Từ giữa năm 2024, ông Lý được chẩn đoán ung thư vòm họng di căn. Mặc dù ông Lý đã lên tuyến Trung ương, song sau khi tìm hiểu thì đã quyết định lựa chọn quay về điều trị ngay ở địa phương.
Ông Lý chia sẻ: Từ sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện cùng với trang thiết bị chẩn đoán, điều trị hiện đại, đã giúp tôi có niềm tin và yên tâm điều trị. Nhất là điều trị căn bệnh hiểm nghèo đòi hỏi quá trình lâu dài thay vì những vất vả cho bản thân và gia đình khi phải điều trị xa nhà, tốn kém nhiều chi phí thì nay việc được khám chữa bệnh ngay gần nhà, đúng tuyến đã giúp tôi và gia đình vơi bớt những gánh nặng.
Để đạt mục tiêu trở thành trung tâm y tế kỹ thuật cao, chuyên sâu của vùng Đông Bắc và cả nước, nhiều năm qua, ngành Y tế tỉnh đã triển khai quyết liệt các giải pháp về nâng cao năng lực cho hệ thống y tế, tăng cường ứng dụng KHCN trong khám chữa bệnh. Trong đó thường xuyên chỉ đạo các bệnh viện tuyến tỉnh phát triển lĩnh vực chuyên sâu mũi nhọn để hình thành các trung tâm y tế chuyên sâu, chất lượng cao.
Trong lĩnh vực ung bướu cùng với Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, người bệnh trong tỉnh và vùng lân cận được chăm sóc, điều trị hiệu quả các bệnh về ung thư, ung bướu tại Trung tâm ung bướu - Bệnh viện Bãi Cháy. Những bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch cũng được điều trị ngay tại Trung tâm phẫu thuật và can thiệp tim mạch - Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đã được làm cha, làm mẹ nhờ điều trị thành công ở Trung tâm hỗ trợ sinh sản tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Ngoài ra, còn có rất nhiều kỹ thuật chuyên sâu mũi nhọn được triển khai thành công tại tỉnh, nhờ đó đã cứu sống nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu “Phát triển nhanh các dịch vụ y tế chất lượng cao, xã hội hóa đầu tư một số bệnh viện với dịch vụ chất lượng cao ngang tầm khu vực” đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023 Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành Y tế Quảng Ninh đã nỗ lực, cố gắng đầu tư phát triển y tế chuyên sâu và đạt được những kết quả hết sức nổi bật, bứt phá. Đến hết năm 2024, các đơn vị y tế tuyến tỉnh đã thực hiện được gần 50% kỹ thuật của tuyến Trung ương, chiếm tỷ lệ 85% danh mục kỹ thuật của Trung ương. Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận của ngành nhằm giúp người dân yên tâm điều trị ngay tại tỉnh mà không phải chuyển tuyến. Hiện tỷ lệ chuyển tuyến của Quảng Ninh chỉ còn 3,5%, thấp nhất trong các địa phương thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Ngành Y tế tỉnh hiện đang có nguồn nhân lực tương đối dồi dào, đội ngũ bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, đồng bộ, đây chính là cơ sở, nền tảng quan trọng để đội ngũ y bác sĩ luôn trong tâm thế sẵn sàng tiếp nhận và triển khai các kỹ thuật mới, chuyên sâu được chuyển giao từ tuyến trên. Đặc biệt trong quý II/2025, ngành Y tế tỉnh đặt mục tiêu triển khai ca ghép thận đầu tiên. Đây là phương pháp cuối cùng và hiệu quả nhất để điều trị cho người bệnh bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Để hiện thực hóa mục tiêu này, bám sát sự định hướng, chỉ đạo của tỉnh và ngành y tế, nhiều kíp y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí đã được cử đi học tập để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật ghép thận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và tại Bệnh viện số 2, Đại học Y Quảng Tây (Trung Quốc).
Hòa chung khí thế của cả tỉnh bước vào năm 2025, một năm với nhiều sự kiện trọng đại; đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, ngành Y tế tỉnh tiếp tục đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển cao hơn. Trong đó tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về “Đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng Quảng Ninh thành một tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại và đưa Y tế Quảng Ninh trở thành trung tâm khám chữa bệnh chuyên sâu vùng Đông Bắc của tổ quốc.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()