Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:50 (GMT +7)
"Phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm"
Thứ 2, 16/12/2024 | 14:23:31 [GMT +7] A A
Quảng Ninh đang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, chuyên canh nông sản gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh phỏng vấn ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT (ảnh) về nội dung này.
- Ông cho biết quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung đang được triển khai như thế nào trên địa bàn tỉnh?+ Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp qua các giai đoạn 2015-2020, 2021-2025, ngành Nông nghiệp đã xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các nông sản chủ lực có lợi thế của tỉnh, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Trong đó tập trung phát triển các sản phẩm lúa gạo (lúa chất lượng, lúa nếp cái hoa vàng); rau, củ; cây ăn quả (na, vải, cam); hoa; cây công nghiệp lâu năm (chè); cây dong riềng; cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ (ba kích, trà hoa vàng…). Đặc biệt, nhằm khuyến khích, phát triển các vùng sản xuất tập trung, tỉnh đã có Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh (trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển vùng sản xuất tập trung, sản phẩm OCOP); Quyết định số 35/2019/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định triển khai thực hiện Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND (trong đó ban hành danh mục các sản phẩm trồng trọt có lợi thế là cây ăn quả và các sản phẩm từ cây ăn quả; rau, củ và các sản phẩm từ rau, củ; lúa chất lượng cao; gạo nếp cái hoa vàng, các loại hoa; chè, trà hoa vàng và các sản phẩm từ chè, trà hoa vàng; cây dược liệu và các sản phẩm từ cây dược liệu; nấm dược liệu và các sản phẩm từ nấm dược liệu). Căn cứ quy định, hướng dẫn chung của tỉnh, các địa phương đã chủ động xây dựng, quy hoạch phát triển các vùng sản xuất trồng trọt tập trung phù hợp với từng vùng sản xuất và lợi thế của địa phương. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung trên cây lúa, rau, cây ăn quả, với diện tích đất canh tác khoảng 6.476ha (tương ứng với hơn 11.000ha trồng trọt). Cụ thể: Vùng trồng lúa chất lượng cao 3.150ha, sản lượng ước đạt trên 32.570 tấn/năm; vùng trồng cây ăn quả trên 2.362ha; vùng trồng rau, củ an toàn 340ha, sản lượng trên 22.000 tấn/năm; vùng trồng hoa 160ha, sản lượng 30 triệu bông/năm; vùng trồng cây cảnh tập trung khoảng 115ha; vùng trồng cây dong riềng 170ha, sản lượng ước đạt 11.000 tấn/năm; vùng trồng chè 444ha, sản lượng ước đạt 6.390 tấn/năm; vùng trồng cây dược liệu tại Ba Chẽ, khoảng 254,8ha, sản lượng trên diện tích cho thu hoạch khoảng 50 tấn/năm. - Ông cho biết những khó khăn, vướng mắc trong phát triển vùng nguyên liệu tập trung? + Phát triển vùng nguyên liệu tập trung đã được thực hiện đồng bộ, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, mang lại nhiều hiệu quả trong sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng, nhưng quá trình triển khai vẫn có những khó khăn nhất định. Có thể kể đến: Diện tích đất sản xuất còn chia cắt, nhỏ lẻ, nên việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gặp khó khăn; một số vùng còn vướng mắc về quy hoạch, quản lý đất đai (vùng quy hoạch sản xuất tập trung cam tại Vân Đồn, vùng sản xuất cây ăn quả tại Đầm Hà, Tiên Yên…); một số vùng nằm trong vùng quy hoạch, thu hồi đất chuyển mục đích sử dụng đất sang phi nông nghiệp (vùng lúa tại Quảng Yên); thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp còn hạn chế, do sản xuất nông nghiệp tập trung phải có vốn đầu tư lớn, tính rủi ro cao; sản xuất nông nghiệp còn chịu tác động lớn của thời tiết do biến đổi khí hậu… Cùng với đó, sự phối hợp giữa các bên trong “liên kết 4 nhà” chưa chặt chẽ; sản xuất của nông dân cơ bản vẫn phát triển theo chiều rộng, chưa chú trọng chiều sâu, chủ yếu dựa trên khai thác các nguồn lực tự nhiên, đầu tư nhỏ; sự liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi còn hạn chế, chưa bền vững; trình độ của người sản xuất ở nhiều vùng còn khó khăn trong áp dụng tuân thủ quy trình kỹ thuật, ứng dụng KHCN vào sản xuất; một số địa phương chưa thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước về quy hoạch sản xuất, còn tình trạng sản xuất tự phát, dẫn đến cung vượt cầu. - Để từng bước khắc phục khó khăn, tỉnh có định hướng, lộ trình phát triển vùng nguyên liệu tập trung thời gian tới như thế nào? + Theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh (số 252/KH-UBND ngày 31/10/2024 của UBND tỉnh), trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; chú trọng phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất trên cơ sở hợp đồng liên kết truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó, phát triển các chuỗi cây trồng chủ lực theo lợi thế của địa phương theo chuỗi giá trị, trong đó định hướng phát triển các vùng sản xuất tập trung, chủ lực về lúa gạo, rau, chè, cây ăn quả (vải, na, nhãn, cam, bưởi, ổi, thanh long,…), cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ (trà hoa vàng, ba kích, quế, hồi), hoa, cây cảnh. Phấn đấu đến năm 2030 tổng diện tích các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung đạt trên 21.700ha, cơ bản theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, nâng giá trị bình quân trên 1ha sản xuất khoảng 130 triệu đồng. - Xin cảm ơn ông! |
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()