Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:54 (GMT +7)
Phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh
Thứ 4, 01/05/2024 | 13:25:20 [GMT +7] A A
Ngày 30/10/2023 Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”. Chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, cho thấy rõ quan điểm của tỉnh là phát triển văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Quảng Ninh có số lượng di sản văn hóa lớn, phong phú, đa dạng, đặc sắc, với 637 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh; 2.800 di sản văn hóa phi vật thể là những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội của hơn 42 thành phần dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, con người Quảng Ninh được biết đến với nhiều giá trị đặc trưng được hun đúc, hình thành qua nhiều thế hệ, một trong những giá trị đó là tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”. Với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, những năm qua tỉnh đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, đặc biệt là trong công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh.
Tỉnh và các địa phương quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng. Giai đoạn 2018-2022, 70% di tích được xếp hạng các cấp đã được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp, với tổng kinh phí trên 1.884 tỷ đồng; trong đó nguồn lực Nhà nước hơn 194 tỷ đồng, nguồn xã hội hoá hơn 1.694 tỷ đồng.
Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được các cấp ủy, chính quyền quan tâm triển khai theo hướng nghiên cứu chuyên sâu về các di tích lịch sử - văn hóa có giá trị nổi bật; nghiên cứu lập hồ sơ khoa học đối với những di sản văn hóa tiêu biểu. UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Đề án bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030; Dự án số hóa di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Trong 5 năm qua tỉnh chỉ đạo tổ chức nghiên cứu lập hồ sơ khoa học và đã xếp hạng được 23 di tích; trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 6 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh; kiểm kê lập 28 hồ sơ di tích bổ sung vào danh mục di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh của tỉnh. Đặc biệt lần đầu tiên đã tổng rà soát, phát hiện, củng cố, xây dựng hồ sơ, thuyết trình được Thủ tướng Chính phủ công nhận 13 bảo vật quốc gia.
Toàn tỉnh có 1.542/1.542 thôn, khu phố xây dựng hương ước, quy ước. Nhiều mô hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng môi trường văn hóa, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh được hình thành và duy trì hiệu quả. Thông qua tuyên truyền, vận động thực hiện tốt hương ước, quy ước nếp sống văn minh, người dân đã dần xóa bỏ những hủ tục, nếp sống sinh hoạt lạc hậu; tiếp thu có chọn lọc luồng văn hóa mới phù hợp với bản sắc vùng, miền, địa phương.
Từ nguồn hỗ trợ của Bộ VH,TT&DL, thông qua dự án của tổ chức EU, từ năm 2010 đến hết năm 2019 tỉnh đã tổ chức hơn 50 khóa tập huấn về du lịch cho hơn 4.000 nhân lực từ các doanh nghiệp, địa phương trong tỉnh. Tỉnh tuyên truyền sâu rộng Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long” đến toàn thể người dân tại các xã, phường, khu dân cư, các doanh nghiệp du lịch toàn tỉnh. Đồng thời tổ chức các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ lữ hành, nghiệp vụ du lịch cho thuyền viên, lái xe ô tô vận chuyển khách du lịch, thuyết minh viên, hướng dẫn viên, trong đó có gắn nội dung Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”. Đặc biệt nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên ngành dịch vụ, du lịch về tinh thần, thái độ làm việc, văn hóa ứng xử, cải thiện chất lượng dịch vụ, xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp.
Nhằm nâng cao hiểu biết và sự tự hào của thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, bề dày lịch sử của địa phương, công tác giáo dục lịch sử truyền thống được quan tâm đẩy mạnh. Quảng Ninh hoàn thành đưa Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Quảng Ninh vào chương trình giảng dạy cho học sinh tiểu học và trung học. Trung bình mỗi năm có gần 500 trường học tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tiễn tại các điểm di tích trên địa bàn tỉnh, với hơn 200.000 học sinh tham gia.
5 năm qua các tổ chức đoàn thanh niên đã thực hiện hơn 700 chuyến “Hành trình khám phá miền biên giới thiêng liêng hùng vĩ”; hơn 200 cuộc “Hành trình con thuyền di sản” cho gần 2.500 đoàn viên, thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên. Các hoạt động giáo dục chủ quyền, biên giới, hải đảo cho ĐVTN được triển khai qua cuộc vận động “Cờ hồng nơi biên cương” và “Hành trình theo dấu chân Bác - Hành trình biển đảo quê hương”.
Tỉnh kiên trì thực hiện quan điểm phát triển “Lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích; lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm”. Đồng thời xác định văn hóa tiếp tục là một tiêu chí trong xây dựng các quyết nghị, một tiêu chuẩn trong đánh giá thực thi các nghị quyết và là một thước đo đánh giá năng lực lãnh đạo và trình độ tổ chức thực tiễn của các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp.
Lan Anh
- Xây dựng, phát huy truyền thống văn hóa công nhân Vùng mỏ
- Yên Tử - Vùng giao thoa văn hoá sôi động
- Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số
- Quảng Ninh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa
- Gìn giữ văn hóa đọc từ tủ sách gia đình
- Đặc sắc văn hóa người Tày ở Ba Chẽ
- Lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng
Liên kết website
Ý kiến ()