Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:25 (GMT +7)
Phát triển thuỷ sản theo hướng bền vững
Thứ 6, 20/05/2022 | 09:33:49 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là một trong 28 tỉnh, thành trên cả nước có biển, với trên 2.000 đảo lớn nhỏ, dải bờ biển dài 250km, có 40.000ha bãi triều và trên 20.000ha eo, vịnh với nguồn tài nguyên sinh vật biển đa dạng, phong phú, nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Điều này, giúp cho Quảng Ninh có thế mạnh lớn phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường biển.
Theo đánh giá chung, thời gian qua, việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Một số địa phương còn nuôi trồng theo hình thức tự phát. Vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị chưa nhiều; sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ, phụ thuộc vào thời tiết, dịch bệnh, thị trường.
Trong khi đó, đối tượng nuôi của ngư dân còn hạn chế, giá trị kinh tế không cao, quy trình kỹ thuật nuôi còn mang tính truyền thống, tự phát. Thêm vào đó, do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ngành thủy sản cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khiến cho việc tiêu thụ các sản phẩm bị ách tắc, gián đoạn, thậm chí làm đứt gãy hoạt động sản xuất.
Để từng bước khắc phục hạn chế, đưa ngành thuỷ sản trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển bền vững, thời gian gần đây, tỉnh đã tập trung nguồn lực tái cơ cấu lại ngành thủy sản theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như thu hút, dành nguồn lực đầu tư, hình thành các cơ sở sản xuất giống tập trung, đáp ứng nhu cầu về giống. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút Tập đoàn Việt - Úc đầu tư khu sản xuất giống tôm và nuôi tôm thương phẩm công nghệ siêu thâm canh tại xã Tân Bình (huyện Đầm Hà).
Giai đoạn 2020-2021, trung bình 24 trại giống của Việt - Úc sản xuất gần 1 tỷ con giống/năm, trong đó 70% được cung cấp cho các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Tập đoàn Việt - Úc đang nâng dần công suất sản xuất tôm giống đạt 8 tỷ con tôm giống/năm và hình thành vùng nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ. Việc sớm đưa mô hình này vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu cung cấp giống tôm nuôi cho người dân địa phương và vùng lân cận.
Hiện toàn tỉnh đã có 8/11 địa phương ven biển lập quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản mặn, lợ gồm: Vân Đồn, Cô Tô, Uông Bí, Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Hải Hà, Hạ Long với diện tích khoảng 11.700ha. Tỉnh đặt mục tiêu chậm nhất hết năm 2022 sẽ hoàn thành sắp xếp các khu vực nuôi biển tập trung theo quy hoạch; thay thế vật nuôi nổi sử dụng trong nuôi biển thân thiện với môi trường theo quy chuẩn của tỉnh và di dời các cơ sở nuôi trồng thủy sản ra khỏi vùng lõi Vịnh Hạ Long.
Để tạo vùng nuôi an toàn tỉnh đang siết chặt công tác quản lý, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển; loại dần những địa điểm, vùng nuôi không đúng quy hoạch; khuyến khích các cơ sở, người nuôi sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, phát triển công nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến phục vụ chế biến, xuất khẩu...
Song song với đó, các địa phương đang đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường biển với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường biển, thu gom, xử lý rác thải dọc các bờ biển, bãi tắm ven biển; quản lý chặt tài nguyên biển và hải đảo; xử lý nghiêm mọi hoạt động, hành vi thiếu trách nhiệm làm ô nhiễm môi trường biển, xâm phạm tới tài nguyên thiên nhiên.
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Quảng Ninh, cho biết: Một trong những hướng đi mà tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện là phát triển nuôi công nghệ cao, công nghiệp và quy mô lớn gắn với phát triển du lịch; lập đề án phát triển kinh tế thuỷ sản bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là cơ sở để các ngành, địa phương và doanh nghiệp bám sát vào để triển khai, trong đó, sẽ khuyến khích xây dựng các mô hình nuôi biển gắn với du lịch, dịch vụ nhằm đảm bảo sinh kế, tăng thu nhập cho ngư dân.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()