Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:39 (GMT +7)
Phát triển thanh toán xuyên biên giới qua mã QR
Thứ 3, 18/06/2024 | 09:38:41 [GMT +7] A A
Việc phát triển thanh toán xuyên biên giới không chỉ giúp các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới khách hàng, mà còn thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia. Thời gian gần đây, cùng sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực, dịch vụ thanh toán qua mã QR xuyên biên giới cũng đang có bước tiến tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thanh toán xuyên biên giới là sự mở rộng tất yếu của đổi mới tài chính số nhằm bắt kịp nhu cầu giao dịch, thanh toán của người dân và nền kinh tế. Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai tiếp với Lào, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng ra các nước trong và ngoài khu vực ASEAN. Việc kết nối này cho phép người dân mỗi nước quét mã QR để trả tiền hàng hóa, dịch vụ an toàn, tiện lợi tại các nước này ngay trên ứng dụng di động ngân hàng Việt Nam và ngược lại.
Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai tiếp với Lào, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng ra các nước trong và ngoài khu vực ASEAN.
Trong khi đó, theo các tổ chức tín dụng, lợi ích lớn nhất của kênh thanh toán mới này sẽ tạo thuận lợi cho khách hàng khi đi du lịch và công tác ở các quốc gia.
Theo đó, người dân Việt Nam có thể thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trên điện thoại thông minh ở nước ngoài, vừa thuận tiện vừa không lo bị mất thẻ, đồng thời cũng giảm thiểu rủi ro gian lận giao dịch khi thực hiện thanh toán. Và trên thực tế, việc thanh toán xuyên biên giới đang được nhiều nước quan tâm và triển khai các chương trình hợp tác.
Tại Việt Nam trong những năm qua, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã liên kết với các ngân hàng mở rộng thanh toán bằng mã QR xuyên biên giới. Thông qua việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, NAPAS cũng chính thức triển khai dịch vụ thanh toán quét mã QR liên thông giữa Việt Nam-Campuchia, qua đó tiếp tục mở rộng phạm vi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán của Việt Nam ra nước ngoài, mang đến hệ sinh thái thanh toán tiện lợi cho người dân cũng như hỗ trợ các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, du lịch giữa các quốc gia.
Dự kiến trong thời gian tới, NAPAS cũng sẽ tiếp tục hợp tác với một số nước để mở rộng các ngân hàng Việt Nam tham gia triển khai dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của du khách các nước, thúc đẩy mạnh mẽ kết nối thanh toán xuyên biên giới.
Như vậy có thể thấy, thanh toán xuyên biên giới qua mã QR đang là một trong những giải pháp tiện lợi cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng khi thực hiện giao dịch thanh toán quốc tế, đồng thời, cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường và thu hút khách hàng quốc tế thông qua việc chấp nhận thanh toán qua mã QR từ nhiều quốc gia.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đánh giá giải pháp thanh toán xuyên biên giới qua mã QR là một bước tiến mới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhằm mở rộng phạm vi thanh toán bằng đồng nội tệ ra toàn khu vực, tháng 8/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác kết nối thanh toán khu vực với các Ngân hàng Trung ương ASEAN5, gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN5 đã cam kết thúc đẩy kết nối thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn, minh bạch, toàn diện hơn và với chi phí thấp hơn, bảo đảm quyền và lợi ích của người dùng.
Các Ngân hàng Trung ương thành viên cũng đã thống nhất thúc đẩy kết nối thanh toán xuyên biên giới trên cơ sở ứng dụng các phương thức thanh toán như mã QR, thanh toán nhanh và các mô hình thanh toán khác cũng như hợp tác giám sát và xây dựng cơ chế quản lý rủi ro phù hợp với khuôn khổ pháp lý của các quốc gia thành viên.
Thực hiện lộ trình này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện đang xúc tiến với các thành viên và các nước trong khu vực ASEAN để mở rộng mạng lưới thanh toán xuyên biên giới tại nhiều quốc gia trong khu vực. Đối với các tổ chức tín dụng trong nước, để góp phần thúc đẩy khách hàng sử dụng thanh toán xuyên biên giới qua mã QR, nhiều tổ chức tín dụng cũng đã có những chương trình ưu đãi như miễn phí giao dịch, phí chuyển đổi ngoại tệ,… nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ.
Tuy nhiên, giới ngân hàng cũng đánh giá, để làm được điều này, họ phải vượt qua những khó khăn trước mắt, đó là nguồn lực đầu tư, quy chuẩn thanh toán của mỗi nước là khác nhau và cũng thường xuyên thay đổi.
Do vậy, để tạo sự kết nối thông suốt cho trải nghiệm người dùng, các ngân hàng sẽ phải đầu tư nguồn lực khá lớn để vận hành khi ngày càng mở rộng lượng đối tác chấp nhận thanh toán xuyên quốc gia.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()