Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:34 (GMT +7)
Tập trung nguồn lực phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ 5, 02/06/2022 | 08:49:54 [GMT +7] A A
Sản xuất hàng hóa là một trong những cú huých tạo sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo. Nhiều năm qua, tỉnh, các địa phương luôn quan tâm tập trung nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất khu vực này.
Để tạo nguồn hỗ trợ các địa phương thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM), phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo, cuối năm 2021 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ- HĐND, phân bổ 950 tỷ đồng từ ngân sách, trong đó phân bổ 500 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM và 400 tỷ đồng cho chương trình dân tộc, ủy thác qua Ngân hàng CSXH 50 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ các cấp vận động và tiếp nhận hỗ trợ từ các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân 11,955 tỷ đồng cho chương trình. Các đơn vị, doanh nghiệp còn hỗ trợ 1.000 tấn xi măng, 24.000 viên ngói, 200.000 viên gạch. Các ngân hàng tạo điều kiện cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh....
Các địa phương đều xây dựng kế hoạch thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững... Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 221 hộ dân được hỗ trợ hơn 4,48 tỷ đồng, qua đó trồng được trên 350ha rừng; 65 hộ vay vốn ủy thác qua Ngân hàng CSXH 2.662 triệu đồng. Một số địa phương như: Hạ Long, Ba Chẽ, Tiên Yên đạt kết quả tốt trong công tác trồng rừng với các loại cây phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương (cây quế, thông, trám, giổi...).
Các huyện, thị xã, thành phố cũng vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới vào sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật... Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao, như: Trồng rừng, trồng cây quế tại xã Quảng An (huyện Đầm Hà); trồng cây chùm ngây tại xã Đồng Sơn (TP Hạ Long); trồng cây trà hoa vàng, cây ba kích tím, trồng hỗn giao cây gỗ lim và cây dược liệu tại huyện Ba Chẽ; kinh tế hộ gia đình kết hợp trồng cây quế và nuôi gà tại xã Đại Dực (huyện Tiên Yên)...
Đồng thời, các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng nông sản thông qua tập trung mở rộng sản xuất theo mô hình VietGAP đối với vùng sản xuất lúa, rau, chè, vải, na; ứng dụng hệ thống quản lý sản xuất an toàn đảm bảo chất lượng hàng hóa. Đến hết tháng 4/2022, trên địa bàn tỉnh có 40 cơ sở được chứng nhận VietGAP với diện tích 1.039,98ha, tăng gần 106ha so với cuối năm 2021. Sở KH&CN đã tham mưu 19 nhiệm vụ KH&CN liên quan đến phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương thẩm định 48 dự án phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn.
Xây dựng sản phẩm OCOP cũng được các địa phương chú trọng. Từ đầu năm đến hết tháng 4/2022, tỉnh có thêm 7 sản phẩm OCOP, nâng tổng số 499 sản phẩm OCOP toàn tỉnh; trong đó có 267 sản phẩm được cấp chứng nhận hạng sao OCOP, 139 sản phẩm thường xuyên giao dịch trên sàn giao dịch thương mại điện tử Voso, 71 sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart. Hiện có 189 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh tham gia chương trình OCOP.
Bên cạnh đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; các địa phương còn chú trọng phát triển du lịch cộng đồng khu vực nông thôn. Các huyện: Bình Liêu, Đầm Hà, Tiên Yên đã xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững. Riêng huyện Bình Liêu đã hoàn thiện, trình UBND tỉnh Đề án Phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội huyện Bình Liêu đến năm 2030.
Ban Dân tộc tỉnh chủ trì tiếp tục rà soát điểm xây dựng 4 làng DTTS: Làng người Tày, thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và Làng người Sán Chỉ, thôn Lục Ngà, xã Húc Động, đều huyện Bình Liêu; Làng người Dao Thanh Y, thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái; Làng người Sán Dìu, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn. Qua đó gắn phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế du lịch của các địa phương vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới của tỉnh.
Phát triển sản xuất, kinh doanh đã góp phần đáng kể vào việc xây dựng NTM khu vực đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; từ đó đưa Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2022.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()