Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:49 (GMT +7)
Mở rộng cơ hội xuất khẩu nông sản
Thứ 4, 15/03/2023 | 09:07:11 [GMT +7] A A
Những năm qua, Quảng Ninh chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp và bền vững. Qua đó, giúp khơi dậy tiềm năng, lợi thế, phát huy được các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, nâng cao thu nhập cho người dân và đóng góp quan trọng vào tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế nông thôn. OCOP Quảng Ninh đang từng bước trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.
Chuẩn hóa sản phẩm OCOP
Chương trình OCOP được Quảng Ninh tập trung chỉ đạo thực hiện ngày càng sâu rộng và được xác định là chương trình kinh tế quan trọng trong khu vực nông thôn. Tỉnh đã tập trung quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng và quản lý nhãn hiệu OCOP thành thương hiệu mạnh của Quảng Ninh, chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường.
Để chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu thị trường, tỉnh đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, trong đó chú trọng xây dựng, triển khai dự án phát triển sản phẩm chủ lực cấp tỉnh theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn cao và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu. Chương trình OCOP được triển khai sâu rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh, tạo sự đồng thuận, thống nhất và tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Theo ghi nhận tại huyện Bình Liêu, việc chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP được huyện thực hiện đồng bộ, xuyên suốt. Hiện Bình Liêu có 26 sản phẩm OCOP của 9 tổ chức, cá nhân, trong đó có 11 sản phẩm đã tham gia Hội thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh và được xếp hạng 3, 4 sao.
Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu, cho biết: Để phát triển sản phẩm OCOP địa phương theo hướng bền vững, phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành các báo cáo, kế hoạch, tham gia nhiều ý kiến vào các chương trình, dự thảo đề cương liên quan để phát triển đồng bộ sản phẩm OCOP địa phương; xây dựng kế hoạch chi tiết và thực hiện triển khai sâu rộng tới các tổ chức, cá nhân sản xuất trên địa bàn huyện. Đồng thời, thường xuyên rà soát, kiện toàn, bổ sung các sản phẩm thế mạnh của địa phương để có phương hướng phát triển phù hợp với thực tế. Đối với cấp xã, bố trí cán bộ thường trực xây dựng nông thôn mới thực hiện cả nhiệm vụ OCOP cấp xã. Thời gian tới, huyện Bình Liêu tiếp tục rà soát các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình để tư vấn hoàn thiện sản phẩm và sẽ tập trung vào các sản phẩm lợi thế để phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ; tiếp tục tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế, hạch toán sản xuất kinh doanh cho HTX và doanh nghiệp OCOP trên địa bàn.
Để sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao, mẫu mã đẹp, các sở, ngành, địa phương đã triển khai nhiều chương trình tập huấn, hướng dẫn doanh nghiệp, HTX, chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh cùng triển khai các bước xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; từng bước đưa các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến vào áp dụng trong sản xuất OCOP, như: HACCP, GMP, SSOP...
Cùng với chiến lược thay đổi về công nghệ sản xuất, mẫu mã, việc xây dựng hệ thống quản lý thực hiện chương trình OCOP cũng được Quảng Ninh quan tâm với việc củng cố các chủ thể kinh tế tham gia chương trình OCOP. Đồng thời, vận dụng cơ chế, chính sách hiện hành về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại... để thúc đẩy phát triển sản xuất đối với cá nhân, tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP.
Ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, cho biết: Chúng tôi đã tìm tòi, nghiên cứu và đưa sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ trở thành sản phẩm OCOP. Thời gian đầu hoạt động, sản phẩm còn sơ sài với túi đựng thô sơ, thủ công, chưa bắt mắt. Tuy nhiên, hòa nhập với xu thế thị trường, chúng tôi chủ động đầu tư máy móc hiện đại, thay đổi mẫu mã, tạo mã QR, logo thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử… cho sản phẩm. Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, định hướng và đưa ra những thay đổi mang tính chiến lược trong thời gian tới để sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ tạo được ấn tượng sâu sắc hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Song song với đó, để sản phẩm OCOP ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng, Quảng Ninh thường xuyên tổ chức các Hội chợ OCOP cấp tỉnh, lồng ghép quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP vào các chương trình triển lãm, xúc tiến thương mại.
Riêng trong giai đoạn 2017-2022, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh tổ chức 16 lượt Hội chợ OCOP cấp tỉnh, đã thu hút trên 1 triệu lượt khách tham quan, mua sắm; tổ chức 28 tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP tại khu tập trung đông dân cư thuộc 13 địa phương trong tỉnh, khu du lịch Hạ Long, siêu thị GO! Hạ Long. Riêng năm 2022, sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Quảng Ninh tổ chức 3 Hội chợ OCOP trên địa bàn tỉnh, quy mô trung bình trên 450 gian hàng. Trong đó, điểm nhấn tại các hội chợ là có khu vực thương mại điện tử và giải pháp số, giới thiệu quảng bá sàn thương mại điện tử Voso, Postmart, Lazada, Tiki… giúp đẩy mạnh việc bán hàng trên môi trường mạng.
Đặc biệt, hằng năm Văn phòng điều phối NTM tỉnh tổ chức rà soát, đánh giá phân hạng các sản phẩm OCOP để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề ra các biện pháp phù hợp thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Riêng giai đoạn 2020-2022, đã tiến hành tổ chức tổng rà soát toàn bộ các sản phẩm đã đăng ký tham gia OCOP. Qua đó, kiến nghị thu hồi giấy chứng nhận đạt sao đối với 23 sản phẩm OCOP; đưa 121 sản phẩm ra khỏi chương trình OCOP do không còn sản xuất, không đảm bảo tiêu chuẩn và không có tiềm năng phát triển để đánh giá phân hạng. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã kiểm tra hàng trăm lượt sản phẩm của các cơ sở sản xuất tại 13 địa phương; thực hiện tốt công tác kiểm tra, thẩm định đối với các sản phẩm đăng ký mới ở các địa phương trong tỉnh làm cơ sở để ra quyết định chấp thuận cho sản phẩm tham gia chu trình OCOP.
Đến nay toàn tỉnh có 566 sản phẩm thuộc 6 nhóm tham gia chương trình OCOP. Trong đó có 336 sản phẩm đạt 3-5 sao (3 sản phẩm đạt 5 sao cấp Trung ương, 87 sản phẩm đạt 4 sao và có 246 sản phẩm đạt 3 sao). Năm 2022 có 30 tổ chức mới tham gia chương trình OCOP tại 12/13 địa phương, vượt 15 đơn vị so với chỉ tiêu kế hoạch. Đặc biệt, toàn tỉnh có 219 chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP, với 54 doanh nghiệp, 87 HTX, 78 hộ sản xuất.
Định hướng phát triển bền vững
Chương trình OCOP là hướng đi đúng đắn, giúp phát huy mạnh tiềm năng lợi thế sẵn có từ các sản phẩm truyền thống văn hóa địa phương, tạo ra sản phẩm có chất lượng phục vụ du lịch, dịch vụ và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, mang lại thu nhập cao cho cộng đồng dân cư nông thôn, tham gia tích cực vào chương trình giảm nghèo của tỉnh.
Theo thống kê của Văn phòng điều phối NTM tỉnh, giai đoạn 2016-2022, tổng dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đạt 17.045 tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, với 110.822 khách hàng còn dư nợ, chiếm 81,9% nguồn lực vốn xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Riêng vốn tín dụng của các tổ chức OCOP chiếm trên 30% tổng vốn tín dụng, khoảng 5.133 tỷ đồng. Doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất thuộc chương trình OCOP đến hết năm 2022 tăng 5-7 lần so với năm 2016; doanh thu đến hết năm 2022 đạt trên 1.530 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 310 tỷ đồng. Đồng thời, tạo việc làm cho 3.600 lao động, mức thu nhập bình quân 5-9 triệu đồng/người/tháng.
Chương trình OCOP đã góp phần nâng cao hiệu quả của các dự án sản xuất kinh doanh, dần hạn chế tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nâng cao tính chủ động của các tổ chức kinh tế, các hộ sản xuất trong quá trình mở rộng, phát triển sản xuất tại cơ sở.
Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, có khoảng 8-10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp quốc gia; ít nhất 40% chủ thể OCOP là HTX, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; đảm bảo 100% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử, hoặc có mã số mã vạch truy xuất nguồn gốc; ít nhất 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; 100% cán bộ quản lý và các chủ thể tham gia chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ và trình độ quản lý kinh doanh; 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại, như: Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử…
Để đạt được mục tiêu, Quảng Ninh tiếp tục đưa chương trình OCOP trở thành một trong những chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh; tiến tới đẩy mạnh xây dựng và quản lý nhãn hiệu OCOP thành thương hiệu mạnh của Quảng Ninh trên phạm vi cả nước.
Tỉnh chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành chương trình OCOP và thực hiện chu trình OCOP thường niên; tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng, với việc ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng nhằm phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân; củng cố và phát triển sản phẩm OCOP theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn cao của Việt Nam và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia chương trình OCOP qua việc đẩy mạnh tư vấn hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, HTX tham gia chương trình OCOP; phát triển thương hiệu OCOP, quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; tăng cường chuyển đổi số sản phẩm OCOP. Cùng với đó, triển khai một số dự án, mô hình nhằm khai thác thế mạnh của các sản phẩm OCOP Quảng Ninh theo hình thức liên kết chuỗi giá trị gắn với phát triển kinh tế các xã miền núi, hải đảo, xã đặc biệt khó khăn.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()