Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:33 (GMT +7)
Tăng sức hấp dẫn cho du lịch Cô Tô
Chủ nhật, 26/09/2021 | 09:10:13 [GMT +7] A A
Thời gian qua, Cô Tô tập trung khai thác tiềm năng, đổi mới sản phẩm du lịch hướng tới du lịch biển đảo chất lượng cao. Với định hướng, cách đi đó, Cô Tô có cơ hội để phát triển mạnh, bài bản thời gian tới sau khoảng lặng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Tiềm năng du lịch biển
Những năm gần đây, Cô Tô đang được coi là điểm du lịch hấp dẫn, đáng đến trong hành trình du lịch Quảng Ninh. Mỗi năm, Cô Tô đón hơn 300 ngàn lượt du khách tới tham quan nghỉ dưỡng. Đảo ngọc không chỉ có sự đa dạng về hệ sinh thái rừng, thế mạnh du lịch Cô Tô chính là tài nguyên biển, được thể hiện qua vẻ đẹp của gần 50 đảo lớn, nhỏ, cơ bản còn hoang sơ.
Các đảo đều có bãi cát và những bãi đá có giá trị về mặt địa chất với những hình thù và sự kiến tạo độc đáo của tự nhiên. Bãi biển Cô Tô hoang sơ, sạch, đẹp với cát trắng mịn, nước trong lại có sóng biển lớn là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển. Các bãi biển có sườn ngầm sâu, bờ thoải, nước trong, cùng hệ sinh thái rừng nguyên sinh nhiệt đới trên bờ được bảo tồn gần như nguyên vẹn, hợp với nhu cầu tắm biển và trải nghiệm.
Có vùng biển lớn, ngư trường rộng chừng 300km2, Cô Tô cũng là vùng biển được coi là đa dạng sinh học hàng đầu Việt Nam với sự có mặt nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô tập trung. Cô Tô cũng là một trong những khu bảo tồn biển Việt Nam. Hơn nữa, môi trường không khí trong lành chưa bị ô nhiễm là điều kiện lý tưởng phát triển ngành du lịch của đảo.
Tiềm năng dù lớn tuy nhiên du lịch Cô Tô phát triển chưa tương xứng. Các điểm đến, sản phẩm du lịch của Cô Tô hiện còn nghèo nàn, chưa thực sự phong phú. Cô Tô cũng đã phát triển được một số sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế cảnh quan, tài nguyên biển sẵn có; du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, khám phá tuy nhiên chủ lực vẫn là du lịch biển...
Cho tới thời điểm hiện tại, Cô Tô có 3 tuyến 12 điểm tham quan, tuy nhiên chủ yếu khai thác hiệu quả các điểm gần trung tâm như: Bãi đá Móng Rồng, Khu di tích Bác Hồ, bãi Hồng Vàn... Điểm chung là chủ yếu khai thác các tiềm năng sẵn có. Trong khi đó, một số tuyến, điểm xa giàu tiềm năng như: Thanh Lân, Cô Tô con, hòn Cá Chép…chưa được tập trung khai thác do khó khăn về giao thông, cơ sở hạ tầng...
Hiện nay, Cô Tô đang tập trung phát triển nhanh ngành du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Du lịch biển đảo cũng phát triển nhanh chóng, trở thành đặc trưng thu hút du khách trong và ngoài nước. Chính vì thế, việc thúc đẩy phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch đạt chất lượng cao là mục tiêu, định hướng để "cất cánh" du lịch đảo ngọc.
Để “níu chân” du khách
Gần đây, Cô Tô đã có những chuyển động tích cực nhằm đổi mới dịch vụ, phát huy tiềm năng thế mạnh vốn có, thiết kế những sản phẩm mới, hấp dẫn. Từ năm 2016, Cô Tô được UBND tỉnh công nhận 4 tuyến, 2 điểm du lịch. Cho tới nay, trong quá trình phát triển, con số này đã nâng lên thành 4 tuyến, 12 điểm du lịch. Cô Tô cũng chú trọng đầu tư, tích cực phát triển thêm các sản phẩm du lịch đạt chuẩn, làm cơ sở tổ chức hoạt động bài bản, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng.
Năm 2017, Cô Tô đầu tư hạ tầng, hoàn thiện thủ tục để công nhận bãi tắm du lịch đầu tiên trên đảo: Bãi Vàn Chảy. Nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, hiện Cô Tô đang trong lộ trình xây dựng đầu tư bài bản để công nhận bãi tắm Hồng Vàn phục vụ khách du lịch. Song song với đó, các bãi tắm cũng được quan tâm tổ chức dịch vụ quy củ, an ninh trật tự, môi trường kinh doanh, đặc biệt đầu tư về hạ tầng, đa dạng hoá, nâng chất dịch vụ... Có thể nói, đây là cách làm bài bản, làm tiền đề để thu hút đầu tư lớn, phát triển dịch vụ, sản phẩm du lịch chất lượng hơn về sau.
Một trong những điểm cốt yếu là Cô Tô đã khắc phục "điểm nghẽn” về vận tải, giao thông tuyến đảo và nâng chất sản phẩm này. Tháng 5/2020, Cô Tô cơ bản giải quyết được những hạn chế của giao thông ra đảo khi cùng các doanh nghiệp đưa 3 tàu cao tốc Express 5 sao, chạy được sóng đến cấp 6, năng lực vận chuyển, lưu trú và các dịch vụ khác đảm bảo đáp ứng cho trên 5.000 khách/ngày.
Để khai thác hết tiềm năng, mở rộng không gian, có thêm sản phẩm hấp dẫn, Cô Tô cũng quan tâm, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch gần bờ, như: Cô Tô con, hòn Cá Chép, Gò Đống, Thanh Mai hoặc các điểm ít được khai thác, vốn giàu tiềm năng như Thanh Lân.
Xác định dịch vụ, giao thông là then chốt, Cô Tô cũng thúc đẩy đầu tư nâng cấp. Thay vì phương tiện, dịch vụ kém, nay tuyến đi Cô Tô con đã đầu tư về bến bãi, mới trang bị 2 pông-tông tại 2 đầu bến, trị giá khoảng 600 triệu đồng; nâng cấp cải hoán phương tiện vận chuyển, trang thiết bị an toàn, có quy chế quản lý…
Hiện tuyến này đã có 4 đò, công suất 12 khách/đò. Với tuyến đi đảo Thanh Lân đã bố trí 4 phương tiện hoạt động đưa đón khách, trong đó có 1 tàu cao tốc. Cả 2 mô hình vận tải này đều được điều hành quy củ, chạy luân phiên theo quản lý chung của 1 tổ dịch vụ. Để đón khách, hiện Thanh Lân đã trang bị 2 xe điện (16 chỗ), 50 xe máy cho thuê, cho phép đáp ứng 100-200 khách; khai phá nhiều cảnh điểm mới...
Một điểm nhấn trong việc phát triển sản phẩm mới chính là phát triển kinh tế đêm. Cô Tô quy hoạch định rõ các khu vực, địa bàn, tuyến được tập trung phát triển kinh tế ban đêm ở các khu vực trung tâm thị trấn, bãi biển Tình yêu, bãi biển xã Đồng Tiến, các đảo gần bờ của xã Thanh Lân, thị trấn Cô Tô...
Tại đây sẽ tổ chức các chương trình văn hoá, văn nghệ, dịch vụ giải trí; phố đi bộ, ẩm thực, quán bar bờ biển; tàu 4-5 sao tham quan biển đêm kết hợp ăn uống; chợ trung tâm mua sắm 24/7 đồng thời kết hợp với các chương trình du lịch đêm trên biển, bãi biển, bắt ốc đêm…
Ngoài ra, thời gian qua, Cô Tô đã tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện đường giao thông, trung tâm thương mại, hệ thống điện nước, thay đổi diện mạo, xây mới các điểm đến như: Chùa Trúc Lâm Cô Tô, Khu di tích Bác Hồ, đồn Cao, hải đăng Cô Tô…; mạnh tay chấn chỉnh nâng cao chất lượng dịch vụ, môi trường du lịch, quan tâm đào tạo nhân lực, bảo vệ môi trường...
Với những chuyển động tích cực đó, có thể thấy, Cô Tô đang tích cực phát huy các tiềm năng, thế mạnh, quan tâm giải quyết các vấn đề cốt yếu, hướng tới phát triển chiều sâu, bền vững. Chính điều này, càng tạo nên sức hấp dẫn với du khách.
Chung nhận định trên với các hãng lữ hành, ông Trần Đăng An, Giám đốc Halotour (TP Hạ Long) đánh giá: Mới chỉ nâng cấp được phương tiện vận chuyển, du lịch Cô Tô đã được quan tâm rồi. Đảo ngọc vốn đã hấp dẫn nay có thêm sản phẩm mới, mở rộng không gian, giải quyết các điểm nghẽn, vấn đề, chắc hẳn du lịch Cô Tô sẽ rất "hot" và hút khách.
Không chỉ riêng nhận định của các doanh nghiệp, còn nhớ đánh giá của TS Nguyễn Đăng Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, khi khảo sát du lịch Cô Tô tháng 10/2020 cho rằng, Cô Tô có điều kiện, tiềm năng và thế mạnh quan trọng nhất để phát triển du lịch sinh thái biển với những sản phẩm khác biệt, không chỉ riêng của địa phương mà cả quốc gia.
Ông nhận định: Tập trung phát triển du lịch theo chiều sâu, chú trọng chất lượng và hiệu quả, đa dạng về sản phẩm trên cơ sở khai thác và phát huy các lợi thế về tài nguyên du lịch biển với khai thác giá trị các di tích, các giá trị cảnh quan thiên nhiên, nhất là tài nguyên biển mà Cô Tô được thiên nhiên ưu đãi là cơ sở để trong tương lai gần, Cô Tô trở thành Khu du lịch quốc gia, là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao.
Việc tập trung khai thác thế mạnh, phát triển thêm sản phẩm mới chắc hẳn sẽ tăng sức hút cho du lịch Cô Tô, đồng thời cho thấy sự nhất quán với định hướng phát triển du lịch Cô Tô trở thành Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng biển đảo cấp Quốc gia, một trọng điểm du lịch trong quần thể du lịch Hạ Long - Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()