Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:12 (GMT +7)
Phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp
Thứ 4, 16/11/2022 | 07:01:08 [GMT +7] A A
Quảng Ninh nằm trong quy hoạch hệ thống khu kinh tế ven biển của quốc gia, có nguồn lợi hải sản đa dạng, phong phú, thị trường tiêu thụ rộng lớn... Đây là những tiềm năng, lợi thế nổi trội của tỉnh Quảng Ninh, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế thủy sản, nhất là nghề nuôi trồng thủy sản trên biển.
Thực hiện chiến lược biển Việt Nam, chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, từ năm 2014 đến nay, Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, quy chuẩn địa phương về phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển, tạo nền tảng vững chắc để từng bước thúc đẩy ngành thủy sản Quảng Ninh phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Hàng loạt chính sách khuyến khích thu hút nguồn lực phát triển kinh tế thủy sản đã được tỉnh ban hành. Trong đó, nuôi biển là lĩnh vực được quan tâm, chú trọng, có đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Tỉnh cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích nuôi biển đạt trên 8.800ha (chiếm 33% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản), sản lượng nuôi biển đạt khoảng gần 60.000 tấn (chiếm 65% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng), tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng giai đoạn 2020-2025 là 8,0%, giá trị sản xuất theo giá cố định trên 4.600 tỷ đồng (chiếm khoảng 68% giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản theo giá cố định); có 100% cơ sở nuôi biển đạt điều kiện về an toàn thực phẩm có giám sát nguồn gốc sản phẩm nuôi theo quy định tại Luật Thủy sản.
Thống kê của Sở NN&PTNT, chỉ tính trong 10 tháng năm 2022, diện tích thủy sản nuôi trồng của Quảng Ninh đạt 32.000ha (tăng 50,66% so với cùng kỳ), trong đó diện tích nuôi biển là 20.000ha, tổng sản lượng nuôi đạt 68.000 tấn (bằng 82% kế hoạch). Toàn tỉnh hiện có 18 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản (trong đó có 8 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá biển, chiếm tỷ lệ 44%). Các cơ sở này đã sản xuất, ương dưỡng tại chỗ và cung ứng khoảng trên 2.200 triệu giống thủy sản ra thị trường trong, ngoài tỉnh.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên cho đến nay, tốc độ phát triển nghề nuôi biển của tỉnh còn chiếm tỷ trọng thấp, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Nghề nuôi biển vẫn còn mang tính tự phát, phương thức sản xuất thô sơ, hạ tầng nuôi yếu kém. Các vấn đề về ô nhiễm, dịch bệnh kết hợp với những bất thường của hiện tượng biến đổi khí hậu nên ngư dân thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro thách thức.
Để đạt được mục tiêu đặt ra và sớm khắc phục những tồn tại nói trên, ngày 4/10/2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định 1664/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án này sẽ tạo ra một bước đột phá trong phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi trồng thủy sản biển nói riêng theo hướng thích ứng cao với nhu cầu thị trường và phù hợp với quy định quản lý hiện hành.
Trong công tác quy hoạch, lập quy hoạch, đến tháng 10/2022, Sở NN&PTNT cùng với Sở TN&MT, UBND các địa phương ven biển đã chủ động rà soát, cập nhật, tích hợp quy hoạch vùng nuôi biển tập trung vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, Quy hoạch bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch các ngành, lĩnh vực có liên quan để đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh trong tình hình mới.
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết: Nội dung này đã giúp giải quyết triệt để, dứt điểm việc nuôi biển ngoài quy hoạch, là một căn cứ quan trọng phục vụ công tác quản lý theo Luật Thủy sản năm 2017 và thu hút đầu tư trong phát triển nuôi trồng thủy sản biển. Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh đã thu hút được 3 dự án đang trong quá trình đề xuất, lấy ý kiến thẩm định triển khai trên địa bàn tỉnh. Hiện tỉnh cũng đang tổ chức sắp xếp lại hoạt động chế biến thủy sản theo chuỗi giá trị, tạo chuyển biến nhanh, bền vững trong lĩnh vực chế biến và thương mại thủy sản. Trong đó, xác định lấy Ba Chẽ là trung tâm và hình thành các điểm chế biến thủy sản vệ tinh tại các địa phương ven biển dọc tỉnh nằm trong các KCN, cụm công nghiệp đã được quy hoạch.
Song song với những giải pháp quyết liệt trên, tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương và lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm soát đối với hoạt động nuôi biển, đặc biệt các vùng trọng điểm. Tập trung, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: Sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền; sử dụng vật liệu nổi chưa đáp ứng được quy chuẩn địa phương; mua bán con giống không có nguồn gốc rõ ràng, không có giấy kiểm dịch theo quy định; không thực hiện quy định về đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, nhất là nhóm cơ sở đáp ứng đủ điều kiện về thành phần hồ sơ; đã được tuyên truyền, nhắc nhở nhiều lần nhưng không thực hiện... Đồng thời, phát triển nuôi biển theo hướng hình thành vùng nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao; phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ NN&PTNT triển khai xây dựng Trung tâm giao dịch hàng hóa, nông, lâm, thủy sản Châu Á - Thái Bình Dương...
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()