Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:36 (GMT +7)
Phát triển nhân lực chất lượng cao để đón đầu cơ hội lớn
Thứ 4, 19/05/2021 | 07:14:25 [GMT +7] A A
Thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chủ trương, biện pháp, mô hình, cách làm hay..., trong đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp quan trọng vào những kết quả khá toàn diện, nổi bật, bứt phá của tỉnh.
Cơ chế giữ chân người tài
Năm 2014 được coi là bước ngoặt lớn với tỉnh khi Trường Đại học Hạ Long - ngôi trường đa cấp, đa ngành đầu tiên của tỉnh được thành lập. Để tạo điều kiện cho Trường Đại học Hạ Long ổn định và phát triển, hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách ưu ái cho nhà trường.
Trong đó, đặc biệt phải kể đến: Quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2015-2017 và kéo dài đến 2020; chính sách hỗ trợ khuyến khích học tập sinh viên Trường Đại học Hạ Long Quảng Ninh; chế độ chi cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thỉnh giảng tại Trường Đại học Hạ Long, giai đoạn 2016-2020; chế độ chi cho giảng viên thỉnh giảng, chính sách tạo nguồn giảng viên tiếng Nhật Bản và chính sách thu hút học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật tại Trường Đại học Hạ Long...
Khi mới thành lập, nhiều ngành học của Trường còn thiếu giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trình độ cao, có kinh nghiệm. Chế độ chi cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thỉnh giảng tại Trường không chỉ giải quyết tốt nhu cầu giảng viên chất lượng cao, mà còn giúp đội ngũ giảng viên cơ hữu được chia sẻ chuyên môn, nghiên cứu khoa học và học thuật, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo của Trường. Bên cạnh đó, sinh viên có nhiều cơ hội để học tập, tiếp xúc với các giảng viên giỏi, trình độ chuyên môn cao, tạo động lực để các em học tập, nghiên cứu.
Từ năm 2016-2020, thực hiện chính sách chi cho giảng viên thỉnh giảng, Trường đã mời được 145 lượt giảng viên (2 giáo sư, 36 phó giáo sư, 107 tiến sĩ) tham gia giảng dạy 211 học phần, ứng với hơn 10.000 giờ dạy. Tổng kinh phí chi trả cho giảng viên thỉnh giảng là trên 4,8 tỷ đồng.
Việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Đại học Hạ Long thời gian qua là rất cần thiết, đạt hiệu quả trong xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
Ông Trần Trung Vỹ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, cho biết: Nhờ có các chính sách của tỉnh, giai đoạn 2015-2020 Đại học Hạ Long thu hút được 14 tiến sĩ, 7 thạc sĩ, thuộc các ngành ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Hàn Quốc, nuôi trồng thủy sản, khoa học môi trường, CNTT, khoa học máy tính. Các giảng viên là tiến sĩ, thạc sĩ được thu hút đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đề án mở mã ngành đào tạo đại học, đã trở thành nòng cốt trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường. Trong quá trình làm việc, các tiến sĩ, thạc sĩ thu hút đã có nhiều ý tưởng mới, sáng tạo, giúp nhà trường đẩy mạnh công tác tuyển sinh, cải tiến phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo.
Thầy Lê Anh Tú, tiến sĩ chuyên ngành CNTT, Viện CNTT (Viện Hàn Lâm KHCN Việt Nam), về Đại học Hạ Long công tác theo chính sách thu hút của tỉnh giai đoạn 2015-2017, chia sẻ: Trước đây, tôi công tác ở Trường Đại học CNTT và Truyền thông, thuộc Đại học Thái Nguyên. Thông tin được chính sách thu hút của tỉnh Quảng Ninh, từ tháng 12/2017 tôi quyết định làm việc tại Trường Đại học Hạ Long. Về công tác tại đây, tôi được tỉnh hỗ trợ tiền mua nhà ở 3,5 tỷ đồng; được hỗ trợ thêm 400 triệu đồng. Giai đoạn 2017-2020, hằng tháng tôi còn được lĩnh số tiền bằng 7 lần mức lương cơ bản. Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ giải quyết việc làm cho vợ tôi nếu về làm việc tại Quảng Ninh.
Cơ hội mở ra từ thực tiễn
Việc quan tâm thành lập, đầu tư, phát triển Trường Đại học Hạ Long đã cho thấy tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Nhìn từ thực tiễn 10 năm qua cho thấy, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách trong phát triển nguồn nhân lực. Nổi bật là: Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đặc biệt, thực hiện chủ trương của tỉnh về xây dựng các quy hoạch chiến lược, từ năm 2012 tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thuê các tư vấn hàng đầu của thế giới lập quy hoạch, trong đó có Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Tư vấn BCG (Hoa Kỳ) lập (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2704/QĐ-UBND ngày 17/11/2014). UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 293/QĐ-UBND (ngày 30/01/2015) “Phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020” (Đề án 293).
Theo báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thực hiện Đề án 293, hằng năm tỉnh đã quan tâm, bố trí nguồn kinh phí lớn (từ 50-60 tỷ đồng) để tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh được xây dựng trên cơ sở bám sát các mục tiêu, nội dung của Đề án 293, các quy định của Đảng và Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ CB,CC,VC, gắn với yêu cầu phát triển của tỉnh và nhu cầu thực tiễn của các địa phương.
Giai đoạn 2015-2020 toàn tỉnh đã mở được 621/839 lớp đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước (đạt 74% kế hoạch), với tổng số 32.821 học viên, tổng kinh phí 259 tỷ đồng. Trong đó, đào tạo, bồi dưỡng trong nước 553 lớp; đào tạo, bồi dưỡng nước ngoài được 60 lớp.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, tỉnh đã chuyển hướng tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu, tham mưu trực tiếp trong các ngành, lĩnh vực tỉnh cần, với mục tiêu xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực. Giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã cử tổng số 759/1.293 cán bộ quản lý cấp phòng và cán bộ chuyên môn sâu (cán bộ chưa giữ chức vụ) của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tham gia các khóa bồi dưỡng ở nước ngoài. Trong khi đó, giai đoạn 2010-2015, đối tượng cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài chủ yếu là cán bộ lãnh đạo quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, cho biết: Từ năm 2016 Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ tiếp nhận thêm nhiệm vụ mới là tổ chức thực hiện các lớp bồi dưỡng của tỉnh ở nước ngoài. Thời gian đầu, tuy còn gặp một số khó khăn, nhưng nhà trường đã nhanh chóng nắm bắt, tích cực triển khai có hiệu quả nhiệm vụ mới theo yêu cầu của tỉnh, chủ động kết nối với đối tác và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài được tỉnh giao.
Quy mô nguồn nhân lực của Quảng Ninh năm 2020 là trên 752.000 người (năm 2015 chỉ có hơn 717.000 người). Tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh từ 4,61% năm 2015 xuống còn 2,85% năm 2019. Chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh tương đối cao so với cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo và được cấp chứng chỉ được nâng lên rõ rệt, năm 2020 đạt 43%, tăng 7,8% so với năm 2015 (năm 2020, bình quân cả nước là 23,7%). Cơ cấu lao động của tỉnh hiện chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Những kết quả tích cực trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã góp phần quan trọng thúc đẩy Quảng Ninh phát trển nhanh, vững chắc tốp đầu cả nước những năm qua. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 10,7%. Năm 2020, GRDP của tỉnh đạt 10,05%, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 49.500 tỷ đồng, vượt 10% so với dự toán Trung ương giao, tăng 3% so với dự toán HĐND tỉnh giao đầu năm, tăng 7% so với năm trước, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận và tranh thủ đón đầu được nhiều điều kiện, cơ hội mở ra từ thực tiễn, tuy nhiên hiện công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh cũng còn gặp một số khó khăn, tồn tại, bất cập về cơ chế, chính sách đào tạo, phát triển nhân lực, huy động nguồn lực đầu tư cho nhân lực. Định mức chi theo quy định của Trung ương cho công tác đào tạo còn chậm sửa đổi, một số nội dung quy định không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay…
Theo Sở KH&ĐT, Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, đã làm thay đổi, bãi bỏ nhiều quy hoạch được lập trước đây, yêu cầu các địa phương phải thiết lập quy hoạch mới theo hướng tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 15-NQ/TU và Đề án 293 hiện nay cũng đã đi vào giai đoạn kết thúc. Đến hết năm 2020, tỉnh chưa có văn bản chỉ đạo định hướng riêng, chi tiết cho việc phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn tiếp theo. Xuất phát từ thực tiễn này, tỉnh đang tích cực xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo dự thảo Đề án, kinh phí thực hiện là 1.133 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự kiến từ 2021-2025. Dự kiến đào tạo trong nước 62.900 CB,CC,VC, tương ứng 1.005 lớp học; đào tạo bồi dưỡng tại tỉnh 750 CB,CC,VC theo hình thức mời chuyên gia, giảng viên nước ngoài giảng dạy; đào tạo bồi dưỡng ử nước ngoài 1.100 CB,CC,VC, tương ứng 55 lớp học; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm, dự kiến 5.000 lao động ngành nông nghiệ, 10.000 lao động ngành công nghiệp, thương mại, 5.000 lao động ngành xây dựng…
Với quyết tâm đổi mới, sáng tạo, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, sẽ tiếp tục giúp Quảng Ninh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần đưa tỉnh có những phát triển bứt phá mạnh mẽ hơn trong các năm tới trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()