Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:34 (GMT +7)
Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững
Thứ 2, 12/09/2022 | 08:20:42 [GMT +7] A A
“Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” là một nội dung chủ đề công tác năm 2022 của tỉnh. Điều này tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của tỉnh nhiều năm qua: Phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Từ năm 2014, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU "Về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Các năm sau đó, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực. Nổi bật: Phê duyệt, thông qua Đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020 (Đề án 293); các chính sách thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trong tỉnh; quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh...
Với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh đặc biệt quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực giáo dục. Trường Đại học Hạ Long sau hơn 7 năm hoạt động đã có những bước tiến ấn tượng, phát huy tốt lợi thế từ những cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh để thu hút giảng viên, khuyến khích học tập, nghiên cứu sáng tạo trong sinh viên... Đến nay, nhà trường đã hình thành đội ngũ giảng viên chất lượng cao cho toàn bộ 13 mã ngành đào tạo; mở rộng các loại hình, hệ đào tạo cử nhân, thạc sĩ, liên thông, văn bằng hai, đào tạo từ xa... để đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập. Việc liên kết, hợp tác giữa nhà trường với các doanh nghiệp trên địa bàn được duy trì hiệu quả hằng năm, giúp cho sinh viên được tăng cường tiếp cận thực tiễn, trau dồi, học hỏi thêm nhiều kiến thức, kỹ năng và nâng cao cơ hội tìm việc làm ngay sau khi ra trường.
Cũng với mục tiêu đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng ngay từ khâu đào tạo, tỉnh chú trọng giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh từ bậc giáo dục phổ thông; phát triển đội ngũ nhà giáo trong các hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp... Đặc biệt, điều chỉnh hình thức đào tạo để gắn chặt với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động, bắt kịp xu hướng nhu cầu nghề nghiệp của xã hội, nhất là các ngành nghề có thế mạnh phát triển trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 43 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thống kê của Sở LĐ-TB&XH, tổng số tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp toàn tỉnh từ đầu năm 2022 đến nay đạt trên 22.000 người, bằng gần 58% kế hoạch năm, vượt 15% so với cùng kỳ năm 2021. Sở LĐ-TB&XH là cầu nối để người lao động và doanh nghiệp kết nối với nhau thông qua các sàn giao dịch việc làm được tổ chức hằng tháng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm ở Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái.
Để tiếp tục đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, Quảng Ninh đang tích cực phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&ĐT) xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án nhằm tạo nguồn nhân lực có năng lực, có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp cao; có khả năng thích ứng nhanh, chủ động, sáng tạo trong môi trường sống và làm việc theo hướng công nghiệp; có hành vi và ý thức chính trị - xã hội theo yêu cầu phát triển con người toàn diện. Trước mắt, ưu tiên các ngành, lĩnh vực theo định hướng phát triển của tỉnh, như: Y tế, giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính - ngân hàng, công nghiệp vụ trợ, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng, lao động trong các khu kinh tế... Trong đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được đào tạo theo hướng chuyên nghiệp hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()