Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:34 (GMT +7)
Phát triển thủy sản theo hướng bền vững
Thứ 4, 20/04/2022 | 08:20:39 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có 6.100km2 mặt nước, vùng biển, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vụng, áng, cùng hệ sinh thái đa dạng, phong phú, nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao... Đây là lợi thế quan trọng để tỉnh phát triển ngành Thủy sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường biển.
Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thủy sản
Tháng 10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) ra cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam do vi phạm quy định IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định...). Quảng Ninh là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, việc EC công bố “thẻ vàng” đã gây tổn thất không nhỏ về kinh tế đối với ngư dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Để khắc phục “thẻ vàng” IUU, phát triển thủy sản bền vững, đầu năm 2018 tỉnh Quảng Ninh thành lập Ban Chỉ đạo về IUU, ban hành Quy chế hoạt động; xây dựng đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của EC. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, yêu cầu chủ tàu phải thực hiện đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu, kẻ vẽ biển số và cấp giấy phép khai thác; hướng dẫn chủ tàu có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát; điều tra các vi phạm về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Các địa phương ven biển của tỉnh đã thực hiện nghiêm Chỉ thị 18-CT/TU ngày 1/9/2017 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Điển hình như TX Quảng Yên thường xuyên kiểm tra, kết hợp với tuyên truyền để người dân nắm rõ và thực hiện nghiêm các quy định của tỉnh về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thị xã hiện có 2.944 tàu cá; trong đó có 939 tàu có chiều dài dưới 6m, 1.558 tàu dưới 12m, 352 tàu từ 12-15m, 95 tàu từ 15m trở lên. Theo ông Đỗ Hồng Hưng, Phó Trưởng phòng Kinh tế, TX Quảng Yên, từ tinh thần quyết tâm khắc phục "thẻ vàng", đồng hành cùng ngư dân, thị xã đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ tàu; giới thiệu cho các chủ tàu về đơn vị sản xuất thiết bị, nhà mạng vận hành thiết bị để chủ tàu chủ động giao dịch.
Đến nay, 88 tàu cá (đạt 100%) của TX Quảng Yên đã đăng ký vào phần mềm Vnfishbase của Tổng cục Thủy sản và lắp đặt đầy đủ thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định. Bên cạnh đó, thị xã cũng tích cực rà soát, vận động, hỗ trợ các hộ ngư dân chuyển đổi nghề phù hợp. Đến nay có hơn 250 hộ ngư dân tự nguyện chuyển đổi nghề, gần 500 hộ đăng ký vay vốn ưu đãi để nâng cấp tàu thuyền vươn khơi...
Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có hơn 8.000 tàu cá; trong đó có 209 tàu cá dài trên 15m, gần 1.300 tàu cá từ 12-15m, còn lại là tàu cá dưới 12m. Vùng khai thác chủ yếu trong ngư trường vịnh Bắc Bộ, trong đó có các vùng biển tiếp giáp vùng biển nước ngoài. Điểm đậu đỗ sau khai thác của các tàu cá rải rác nhiều vị trí, tập trung nhất là khu vực cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn). Để quản lý số phương tiện đánh bắt thủy sản, tỉnh đã thực hiện phân cấp đăng ký, đăng kiểm tàu cá và cấp giấy phép khai thác. Nhờ đó, nhiều địa phương như Hải Hà, Đầm Hà, Quảng Yên, Vân Đồn... đã tích cực hơn trong cấp đăng ký, đăng kiểm tàu cá, cấp giấy phép khai thác cho các tàu.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh đã tuyên truyền cho hàng nghìn ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản trên biển. Riêng năm 2021, các sở, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đã tiếp nhận, xử lý 432 tin báo về lĩnh vực khai thác thủy sản, xử lý các vụ vi phạm với số tiền 440,5 triệu đồng. Từ năm 2021 đến hết tháng 3/2022, các sở, ban, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện trên 2.000 vụ vi phạm trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xử phạt 1.822 vụ với số tiền hơn 6,936 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy hàng trăm thiết bị kích điện, ống hơi, quần áo lặn, lồng bát quái...
Toàn tỉnh hiện đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 209 (đạt 100%) tàu khai thác thủy sản tuyến khơi có chiều dài trên 15m (một trong những quy định bắt buộc của EC nhằm chống khai thác hải sản bất hợp pháp); kiểm tra, thẩm định và cấp giấy chứng nhận ATTP cho 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Đặc biệt, từ việc áp dụng các thiết bị CNTT cho tàu cá hoạt động trong địa bàn, cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên tra cứu cập nhật trên phần mềm giám sát tàu cá, liên lạc trực tiếp qua các phương tiện để cảnh báo cho 3.000 lượt ngư dân, yêu cầu ngư dân chấm dứt tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thành khẳng định: Với quyết tâm phát triển ngành thủy sản có trách nhiệm, bền vững, giá trị cao, để người dân được hưởng lợi, kinh tế thủy sản tăng trưởng, Quảng Ninh thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là giảm dần số lượng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác IUU và chấm dứt tình trạng này trong năm 2022 để gỡ “thẻ vàng” của EC.
Tái tạo nguồn lợi thủy sản
Quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định rõ mục tiêu: Phát triển toàn diện các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hóa tập trung, phục vụ du lịch, dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng giá trị và phát triển bền vững, để thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong ngành nông nghiệp của tỉnh.
Với mục tiêu này, tỉnh đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là nuôi biển để giảm áp lực từ khai thác thủy sản đến nguồn lợi tự nhiên. Tỉnh tập trung chuyển dịch cơ cấu nuôi trồng theo hướng giảm diện tích nuôi trồng thuỷ sản nội địa, mở rộng diện tích nuôi trên biển phù hợp với quy hoạch không gian biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, quy hoạch bảo vệ và khai thác nuôi trồng thuỷ sản...
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện tỉnh có hơn 21.000ha, 14.506 ô lồng nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, 18.141ha nuôi nước lợ, còn lại là nuôi nước ngọt. Tỉnh đã hình thành một số vùng nuôi trồng thuỷ sản như: Vùng nuôi tôm gần 9.700ha; vùng nuôi nhuyễn thể 4.383ha; vùng nuôi cá song 550ha; vùng nuôi ghẹ 36ha; vùng nuôi cua kết hợp cá, tôm, gần 1.855ha...
Để đảm bảo nguồn giống phục vụ nuôi trồng, Quảng Ninh đã tập trung thu hút đầu tư, phát triển các cơ sở sản xuất thủy sản. Toàn tỉnh hiện có 19 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống, cung ứng khoảng 1,5 tỷ con giống/năm. Tiêu biểu như Tập đoàn Việt - Úc đã đầu tư, đưa vào sử dụng 14 trang trại với 252 bể ương dưỡng giống tôm tại huyện Đầm Hà; sản xuất, cung cấp cho thị trường trong tỉnh hơn 170 triệu con giống tôm sạch bệnh/năm. Nhờ chú trọng đầu tư nuôi trồng thuỷ sản, năng suất, sản lượng, giá trị ngành thủy sản ngày càng tăng cao. Tổng sản lượng tăng từ 117.115 tấn (năm 2017) lên 137.200 tấn (năm 2020) và năm 2021 đạt 150.000 tấn.
Bên cạnh đó, để kiểm soát chặt chẽ môi trường biển trong nuôi trồng thuỷ sản nói riêng, hoạt động khác trên biển nói chung, Quảng Ninh đã đầu tư 26 trạm quan trắc môi trường tự động. Các số liệu thu thập của hệ thống quan trắc tự động được cung cấp thông tin công khai để nhân dân biết, giám sát, nhằm kiểm soát các nguồn thải lớn có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường biển. Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) thường xuyên giám sát chất lượng nước vùng nuôi trồng thuỷ sản. Các đơn vị có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên biển và ven biển thực hiện quan trắc định kỳ môi trường theo đúng quy định và gửi kết quả về Sở TN&MT. Các ngành chức năng của tỉnh đã lập quy hoạch đồng bộ, đưa ra chỉ dẫn, hướng dẫn giúp ngư dân có phương pháp nuôi trồng thuỷ sản phù hợp, không để gây ảnh hưởng xấu đến môi trường biển.
Quảng Ninh đang tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường biển với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, nổi bật là các hoạt động: Ra quân làm vệ sinh môi trường biển, thu gom, xử lý rác thải dọc các bờ biển, bãi tắm ven biển; quản lý chặt tài nguyên biển và hải đảo; xử lý nghiêm mọi hoạt động, hành vi thiếu trách nhiệm làm ô nhiễm môi trường biển, xâm phạm tới tài nguyên thiên nhiên.
Tỉnh cũng tích cực thực hiện chuyển đổi toàn bộ phao xốp hiện có trong nuôi trồng thuỷ sản sang vật liệu thân thiện môi trường, tức vật liệu có các thông số tương đương tổ chức FAO quy chuẩn cho HDPE. Đến nay, việc chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa HDPE đã có nhiều chuyển biến. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đến hết tháng 3, toàn tỉnh chuyển đổi được 38.000 quả phao, chiếm 12% tổng số phao xốp cần chuyển đổi sang phao nhựa HDPE. Trong đó, các địa phương Đầm Hà, Hạ Long, Quảng Yên đạt tỷ lệ chuyển đổi cao, lần lượt là 56%, 95% và 53%.
Bên cạnh đó, hoạt động thả giống tái tạo nuôi trồng thuỷ sản được tỉnh chỉ đạo triển khai tích cực. Trong 3 năm gần đây, toàn tỉnh thả trên 11 triệu con tôm, cua, cá giống về môi trường tự nhiên, góp phần tái tạo, duy trì các loại giống đang có nguy cơ cạn kiệt. Tỉnh đã lập, phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm. Trên cơ sở đó, từng bước khôi phục các hệ sinh thái gắn với quy hoạch khác, cũng như định hướng phát triển của tỉnh. Trong đó, chú trọng tăng cường bảo vệ và tái tạo các hệ, rạn san hô hiện đang phát triển tại Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, vùng biển Cô Tô - đảo Trần; từng bước thả rạn nhân tạo kết hợp trồng phục hồi san hô, sản xuất giống để thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Những nỗ lực của Quảng Ninh đã khẳng định rõ quyết tâm trong phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững, song hành với việc bảo vệ môi trường, tránh những tác động xấu từ hoạt động nuôi trồng, khai thác thuỷ sản.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()