Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:01 (GMT +7)
Phát triển ngành nông, lâm, thuỷ sản: Hạn chế trong đầu tư công nghệ chế biến
Thứ 4, 04/08/2021 | 07:09:04 [GMT +7] A A
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị kinh tế các ngành nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 20% và giảm 50% tổn thất sau thu hoạch so với hiện nay. Để đạt được điều này, một trong những giải pháp quan trọng là tạo sự liên kết sản xuất và chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm và xác lập vị trí trên thị trường.
Toàn tỉnh có hơn 800 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản. Trong đó sơ chế, chế biến nông sản là hơn 400 cơ sở; sơ chế, chế biến thủy hải sản là hơn 90 cơ sở; chế biến lâm sản là gần 350 cơ sở. Tuy số lượng khá nhiều nhưng có đến 95% các cơ sở chế biến chỉ có quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ thiết bị đơn giản, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, dẫn đến năng suất còn hạn chế, chất lượng sản phẩm không cao, thiếu tính cạnh tranh, những sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất xưởng đa phần chỉ ở dạng sơ chế.
Ví dụ như trong ngành chế biến nông sản, hiện trên địa bàn tỉnh mới chỉ tập trung vào chế biến một số sản phẩm như chè, miến dong và chế biến rau quả... Đơn cử như với sản phẩm miến dong, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu là một trong những doanh nghiệp tiên phong trên địa bàn tỉnh trong việc đầu tư hệ thống máy móc, nhà xưởng để sản xuất, chế biến sản phẩm miến dong Bình Liêu, cơ bản đảm bảo quy trình khép kín sản xuất từ khâu sơ chế củ dong riềng thành phẩm, đến nghiền, trộn, ủ bột, tráng, cắt, sấy và đóng gói thành phẩm miến dong…
Với quy trình này, cơ sở sản xuất được trung bình khoảng 2,5 tấn/ngày sản phẩm miến thành phẩm, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả cạnh tranh trên thị trường và đặc biệt là đảm bảo việc tiêu thụ nông sản của người dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, ngoài Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu, nhiều địa phương khác có sản phẩm miến dong trên địa bàn tỉnh như Hải Hà, Tiên Yên lại không có được những cơ sở có đầu tư về công nghệ chế biến để cho ra sản phẩm miến dong có thương hiệu trên thị trường. Hầu hết sản phẩm vẫn chỉ dừng lại ở sản xuất thủ công với dây chuyền cũ, cho năng suất kém và chất lượng sản phẩm không đồng đều, không tạo được sức cạnh tranh trên thị trường và cho hiệu quả kinh tế chưa cao.
Hay như trong ngành công nghiệp chế biến thủy sản, theo thống kê của Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 6 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Các doanh nghiệp này đem lại giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm khoảng hơn 20 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu chính ngạch đạt khoảng hơn 11 triệu USD. Tuy nhiên, 6 doanh nghiệp này thường xuyên hoạt động trong tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu chế biến, với tỷ trọng đầu vào chỉ khoảng 25% tổng sản lượng. Sản phẩm đa số là chế biến đông lạnh, chưa có nhiều sản phẩm tinh.
Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 20 cơ sở chế biến thuỷ sản tiêu thụ nội địa có quy mô nhỏ và vừa với các sản phẩm như: Nước mắm, chả mực, thuỷ sản khô, ruốc hàu, ruốc cơ trai, hàu sữa chưng thịt... hiện là các sản phẩm có thương hiệu, là chủ lực trong chương trình OCOP. Tuy nhiên, mới chỉ có một vài sản phẩm vươn xa và có chỗ đứng trên thị trường ngoài tỉnh.
Theo ý kiến đánh giá của nhiều chuyên gia, ngành công nghiệp chế biến thủy sản của Quảng Ninh hiện vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng do khó khăn trong nhiều vấn đề, như: Thiếu và chậm đổi mới công nghệ chế biến; thiếu mối liên kết chuỗi từ nuôi trồng, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe về chất lượng, giá trị ở phân khúc sản phẩm có giá trị kinh tế cao; chưa khai thác được các thị trường tiềm năng...
Theo định hướng phát triển bền vững gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đặt ra mục tiêu tổng quát sẽ tăng giá trị kinh tế các ngành nông, lâm, thủy sản lên 20% và giảm 50% tổn thất sau thu hoạch. Hiện tỉnh đã giao các sở, ngành, đơn vị liên quan, trong đó chủ chốt là Sở NN&PTNT tỉnh nghiên cứu, đề xuất phương án quy hoạch lại ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của tỉnh.
Trong đó, trước mắt tập trung vào việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện những cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở trực tiếp sản xuất nông, lâm, thủy sản; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mô hình doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin. Đồng thời, tỉnh cũng đang tích cực thúc đẩy việc nghiên cứu và quy hoạch không gian phát triển cho ngành này gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung và an toàn sản phẩm.
Thực hiện nội dung này, Sở NN&PTNT hiện đang tích cực triển khai việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa, gắn với lợi thế từng vùng, thị trường; tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 194/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chuyên sâu và nhân lực quản trị cho phát triển cơ giới hóa, công nghiệp chế biến nông sản; xây dựng các vùng nguyên liệu chuyên canh cung cấp cho các nhà máy chế biến. Đi liền với đó là nghiên cứu, đề xuất thực hiện các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, các thành phần kinh tế đầu tư vào công nghiệp chế biến; tổ chức kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại các sản phẩm; giải quyết những khó khăn về vốn, mặt bằng, lao động, tìm kiếm thị trường…
Minh Hà
- Sớm chuẩn hóa các cơ sở chế biến thủy sản
- Tạo “luồng xanh” cho nông sản
- Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản
- Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua thương mại điện tử
- Nâng giá trị nông sản địa phương
- Đông Triều: Liên kết giúp dân tiêu thụ nông sản
- Kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa dịch
- Quản lý mã số vùng trồng: "Giấy thông hành về chất lượng" cho nông sản
Liên kết website
Ý kiến ()