Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:26 (GMT +7)
Phát triển mô hình khuyến nông
Thứ 4, 03/08/2022 | 13:40:02 [GMT +7] A A
Để phục vụ Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2020-2022, các chương trình, mô hình khuyến nông trên địa bàn tỉnh đã tập trung vào những đối tượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, phát triển sản xuất gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, phát triển sản phẩm OCOP, đối tượng giống cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao.
Giai đoạn 2020-2022, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia và từ nguồn ngân sách địa phương, hệ thống khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện 143 mô hình, dự án. Trong đó lĩnh vực trồng trọt 85 mô hình, chăn nuôi 14 mô hình, thủy sản 32 mô hình, lâm nghiệp 12 mô hình. Ghi nhận là xuất phát từ những mô hình nhỏ ban đầu dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia và nguồn ngân sách của tỉnh, nhiều mô hình đã có hiệu quả, tạo được sức lan tỏa và nhân rộng trong sản xuất.
Một trong những mô hình thành công và đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ có thể kể đến mô hình sản xuất ổi VietGAP tại xã Sơn Dương (TP Hạ Long). Được biết đến là sản phẩm OCOP đã đạt chứng nhận 3 sao cấp tỉnh, nhưng nhiều năm nay, người dân xã Sơn Dương vẫn trồng ổi theo phương thức truyền thống, khiến chất lượng ổi không đồng đều, sản lượng thấp. Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình tại 45 hộ dân với diện tích 9ha. Tham gia mô hình, các hộ dân được hướng dẫn cắt tỉa theo kỹ thuật Đài Loan và chăm sóc theo đúng quy trình VietGAP. Ngay sau khi triển khai thành công, chất lượng, sản lượng quả ổi VietGAP cao hơn hẳn các mô hình trồng ổi thông thường. Quả ổi to, đẹp, sáng màu, vị ngọt, độ giòn, mùi thơm đều đậm đượm hơn so với quả ổi ở các vùng miền khác. Cây ổi cho thu hoạch quả quanh năm, nếu chăm sóc tốt có thể thu 40-50 tấn quả/ha/năm, doanh thu 500-600 triệu đồng/năm, gấp 1,5-2 lần so với mô hình trồng ổi thông thường, gấp 3-4 lần so với nhiều loại cây trồng khác. Từ thành công ban đầu, đến nay kỹ thuật sản xuất VietGAP đã lan tỏa ra toàn vùng sản xuất ổi tập trung của địa phương với diện tích gần 400ha. Bên cạnh đó đã hình thành cơ sở du lịch cộng đồng phục vụ hoạt động du lịch trải nghiệm.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng phối hợp cùng với huyện Ba Chẽ thực hiện dự án trồng cây dược liệu (ba kích) gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm và mô hình trồng cây cát sâm. Hiện nay, phong trào trồng cây dược liệu đã mở rộng diện tích hằng trăm héc ta tại các địa phương Ba Chẽ, Tiên Yên, Hải Hà và nội dung này đã được đưa vào giải pháp trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ngoài ra, còn có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ quế hữu cơ tại Đầm Hà, Tiên Yên của Công ty Hương gia vị Sơn Hà, hằng năm đánh giá chứng nhận và thu mua khoảng 300ha quế. Đến nay, công ty đã thu mua tiêu thụ trên 500 tấn quế để xuất khẩu sang châu Âu, góp phần đẩy mạnh phong trào trồng quế tại các địa phương miền Đông của tỉnh.
Việc triển khai mô hình phát triển sản xuất, tập trung vào sản phẩm nông nghiệp chủ lực của các địa phương đã ngày càng được người dân đánh giá cao và tham gia tích cực khi mô hình đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân khu vực miền núi, nông dân vùng khó khăn, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đáng chú ý là bên cạnh việc triển khai các mô hình, thời gian qua, công tác sản xuất, tư vấn dịch vụ khuyến nông cũng đã được Trung tâm đẩy mạnh thông qua việc huy động đa dạng nguồn lực phục vụ cho hoạt động khuyến nông từ kinh phí của doanh nghiệp, như: Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế cho người dân xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả) bằng nguồn hỗ trợ sinh kế của Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương; hỗ trợ, tư vấn xây dựng Dự án chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ quế hữu cơ tại Quảng Ninh của Công ty CP Quế - Hồi Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh, cho biết: Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, tiếp cận khoa học kỹ thuật mới, chú trọng thực hiện những mô hình phục vụ các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, xây dựng mô hình nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng... theo phương châm xây dựng đến sản phẩm cuối cùng, đến kết nối thị trường. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động khuyến nông, đặc biệt là công tác đào tạo, huấn luyện và thông tin tuyên truyền khuyến nông. Để từ đó giúp người dân thay đổi tư duy về kinh tế nông nghiệp, tư duy về liên kết, chuỗi giá trị và tư duy đa giá trị trong nông nghiệp.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()