Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 20/01/2025 09:37 (GMT +7)
Phát triển kỹ thuật chuyên sâu về hồi sức tích cực
Thứ 2, 20/01/2025 | 09:32:50 [GMT +7] A A
Hồi sức tích cực là một trong những chuyên ngành quan trọng của các cơ sở khám, chữa bệnh, bởi khi bệnh nhân cần điều trị hồi sức tích cực đều trong tình trạng nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy, thời gian qua, các cơ sở khám, chữa bệnh của Quảng Ninh đều rất nỗ lực triển khai những kỹ thuật mới, chuyên sâu về hồi sức tích cực, nhằm cứu sống nhiều người bệnh.
Tại 3 bệnh viện (Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí) là những bệnh viện đa khoa hạng I, tuyến cuối của tỉnh, các y, bác sĩ thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân có bệnh lý nặng cần hồi sức và chăm sóc đặc biệt như bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, sốc tim, sốc phản vệ, sốc đa chấn thương; viêm phổi nặng thở máy, hen phế quản, suy tim, đột quỵ nặng hôn mê, chấn thương sọ não, chấn thương nặng hôn mê, ngộ độc… Hầu hết các bệnh nhân đều phải điều trị, can thiệp bằng máy móc và hỗ trợ hô hấp bằng máy thở. Vì thế, các đơn vị đã được đầu tư, trang sắm nhiều máy móc hiện đại về hồi sức tích cực, như: Máy tim phổi nhân tạo (ECMO), máy hạ thân nhiệt chỉ huy, máy lọc máu liên tục, máy thở đa năng, máy thở không xâm nhập, hệ thống máy siêu âm, X-quang tại giường, monitor theo dõi…
Hồi sức tích cực là một chuyên ngành khó, các loại máy móc, trang thiết bị sử dụng đều rất hiện đại, phức tạp. Vì vậy, trong quá trình sử dụng, các bác sĩ, điều dưỡng không chỉ phải học về chuyên môn, về máy móc mà còn phải cập nhật công nghệ, ngoại ngữ để áp dụng trong công việc. Mỗi bệnh nhân có một bệnh lý, một thể trạng và diễn biến bệnh khác nhau nên quá trình điều trị cũng phải theo dõi sát lâm sàng và các chỉ số trên máy móc để có thể điều trị hiệu quả nhất, phát huy tối đa tác dụng của máy móc hiện đại.
Nhờ sự đầu tư về trang thiết bị, máy móc cũng như được đào tạo, cập nhật kiến thức mới thường xuyên, các đơn vị y tế tuyến cuối của tỉnh đã triển khai hiệu quả và thành công nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến trong chuyên ngành hồi sức tích cực. Nổi bật là kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao, hạ thân nhiệt chỉ huy; lọc máu hấp phụ trong điều trị ngộ độc cấp; lọc máu liên tục trong điều trị các trường hợp bệnh nhân nặng, sốc nặng, toan chuyển hóa, suy đa tạng; ECMO (kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể) điều trị các bệnh nhân sốc tim, suy đa tạng; kỹ thuật PiCCO trong theo dõi huyết động cấp cao cho bệnh nhân sốc, suy tim cấp; lọc gan nhân tạo cho bệnh nhân suy gan cấp bằng hệ thống tái tuần hoàn hấp phụ phân tử (MARS)… Những kỹ thuật chuyên sâu trong chuyên ngành hồi sức tích cực được coi là kỹ thuật nền tảng quan trọng không thể thiếu được khi các bệnh viện triển khai những kỹ thuật cao, chuyên sâu khác.
Ở tuyến y tế cơ sở, các trung tâm y tế và bệnh viện tuyến huyện cũng liên tục được nâng cao trình độ trong chuyên ngành hồi sức cấp cứu. Theo kế hoạch, trong năm 2025 ngành y tế tỉnh triển khai đề tài KHCN cấp tỉnh “Ứng dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp tại các cơ sở y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh”, do Bệnh viện Đa khoa tỉnh chủ trì, chuyển giao kỹ thuật. Đây là biện pháp được khuyến cáo hàng đầu cho bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não trong giai đoạn cấp đến sớm, giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong cũng như di chứng. Với việc triển khai kỹ thuật này tại các khoa hồi sức cấp cứu của y tế tuyến huyện sẽ góp phần cứu sống và nâng cao chất lượng sống tối đa cho người bệnh, đồng thời giúp đội ngũ bác sĩ lĩnh vực hồi sức cấp cứu tuyến cơ sở nâng cao trình độ chuyên môn.
Toàn ngành y tế tỉnh hiện có hơn 100 bác sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu. Những bác sĩ, điều dưỡng làm việc trong chuyên ngành hồi sức cấp cứu phải đối diện với những căng thẳng, áp lực rất lớn khi phải liên tục theo dõi người bệnh để xử trí kịp thời các trường hợp khẩn cấp, phải nhanh chóng đưa ra các phương án điều trị tối ưu theo từng diễn tiến, tình trạng của người bệnh… Bởi bệnh nhân ở đây đa số trong tình trạng nặng, hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn… phải nằm bất động. Vì vậy, các bác sĩ, điều dưỡng phải chăm sóc toàn diện từ điều trị đến ăn uống, vệ sinh… Chính những yếu tố đó đòi hỏi đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng làm việc trong chuyên ngành hồi sức cấp cứu vừa phải chắc chuyên môn, lại cần có lòng yêu nghề, tận tâm với người bệnh.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()