Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:43 (GMT +7)
Phát triển KT-XH năm 2021: Xem khó khăn, thách thức trở thành động lực phấn đấu
Thứ 6, 16/07/2021 | 08:09:01 [GMT +7] A A
Với quyết tâm khởi động thắng lợi năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, dù trong bối cảnh khó khăn chung của tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Quảng Ninh đã nỗ lực đưa KT-XH phát triển khởi sắc, với nhiều gam màu sáng. Đó là tín hiệu vui để 6 tháng còn lại của năm, tỉnh quyết tâm tiếp tục vượt khó thực hiện mục tiêu kép bằng nhiều giải pháp đồng bộ, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu năm 2021.
Tăng trưởng ấn tượng
Mặc dù bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trong 2 đợt dịch thứ 3 và thứ 4, nhưng 6 tháng đầu năm, tỉnh vẫn đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tiếp tục là điểm sáng của cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt cao (8,02%), đứng thứ 4 so với các tỉnh, thành trong Vùng đồng bằng sông Hồng. Tổng thu NSNN đạt 23.300 tỷ đồng, bằng 46% dự toán năm 2021, bằng 92% cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa đạt 18.209 tỷ đồng, bằng 47% dự toán, bằng 100% so cùng kỳ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, cùng với thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, Quảng Ninh đã tận dụng cơ hội, động lực được tạo ra trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải tiến phương pháp làm việc phù hợp với tình hình mới. Cụ thể, xác định rõ khu vực công nghiệp và xây dựng là trụ cột đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy mới và đưa vào sản xuất dự án công nghiệp chế biến, chế tạo tại các KKT, KCN, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhất là sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn.
Nhờ đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực tăng trưởng chính của khu vực công nghiệp, với mức tăng trưởng 38,95% so với cùng kỳ, vượt 17,6% kịch bản đề ra, đã bù đắp cho khu vực dịch vụ, nhất là ngành du lịch do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sự sụt giảm của ngành than, điện. Ngoài ra, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng đạt mức tăng trưởng cao, đạt 4,02% (cùng kỳ tăng 3,1%), tăng 0,28 điểm % so với kịch bản.
Với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, Quảng Ninh xác định đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội. Bằng nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp năm 2020 được công bố trong 6 tháng đầu năm 2021 đều dẫn đầu cả nước. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới từ đầu năm đến nay tăng 15%, hoạt động trở lại tăng 50%.
Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai đồng bộ các giải pháp đôn đốc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình/dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế... Công tác an sinh xã hội, lao động, việc làm, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, bảo vệ môi trường được đảm bảo. Đời sống nhân dân tiếp tục được chăm lo, cải thiện.
Tại hội nghị lần thứ 8, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, bàn các giải pháp thực hiện mục tiêu từ nay đến cuối năm 2021, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhấn mạnh: Quảng Ninh với tầm nhìn, tư duy nhạy bén, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình đã dự báo chính xác, đúng và trúng các yếu tố của dịch bệnh, nguy cơ nguồn bệnh xâm nhập vào địa bàn từ xa, từ sớm. Từ đó, chủ động xây dựng các phương án, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với hàng loạt biện pháp cấp bách, hoàn thành một khối lượng công việc lớn, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân, vừa thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH. Đây là yếu tố tiên quyết để Quảng Ninh tiếp tục giữ vững “Địa bàn an toàn, ổn định và đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới”.
Kiên định mục tiêu kép
Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, dù đứng trước những khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh hiện nay, đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại trên diện rộng và có chiều hướng phức tạp, nhưng Quảng Ninh luôn thống nhất nhận thức không bi quan, dao động mà phải xem khó khăn, thách thức thành động lực để nỗ lực phấn đấu, vươn lên để quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đề ra: Tăng trưởng GRDP đạt trên 10%, tổng thu NSNN trên địa bàn không thấp hơn 51.000 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách nội địa phấn đấu mức tăng cao nhất, tỷ lệ tăng tương ứng với mục tiêu tăng trưởng, thu xuất nhập khẩu đạt và vượt chỉ tiêu Trung ương giao.
Trong nửa chặng đường còn lại của năm 2021, tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp cụ thể hơn, sát sườn hơn, với sự thực thi quyết liệt của các địa phương, ngành chức năng. Trong đó, việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội vẫn là nhiệm vụ bản lề song hành với thực hiện các kịch bản tăng trưởng năm 2021 trong thời gian còn lại của năm.
Tỉnh sẽ tập trung giữ vững sức sản xuất của các trụ cột đảm bảo hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP trên cơ sở tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành than, ngành điện; tạo điều kiện thuận lợi tăng tối đa sản lượng đối với các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo đảm bảo thực sự là động lực tăng trưởng mới; đồng thời đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án mới, sớm khởi công Dự án Jinko Solar PV Việt Nam tại KCN Sông Khoai và dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh trong quý III và một số dự án trong điểm trong KKT, KCN; tập trung tháo gỡ khó khăn, đôn đốc các nhà đầu tư triển khai các dự án ngoài ngân sách.
Đối với khu vực du lịch, dịch vụ, tận dụng mọi cơ hội an toàn dịch bệnh để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ, du lịch; đẩy nhanh triển khai thu hút các nhà đầu tư chiến lược về đầu tư hạ tầng cảng biển gắn với dịch vụ hỗ trợ logistics tại Cảng Hòn Nét – Con Ong...
Song song với đó, quản lý đầu tư công sẽ được tăng cường. Theo đó, tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra đánh giá tiến độ các dự án vốn đầu tư công, kiên quyết điều chuyển vốn đối với những dự án chậm giải ngân cho những dự án có tiến độ giải ngân tốt mà còn thiếu vốn; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư ngoài ngân sách, các dự án đầu tư công trọng điểm. Cùng với đó, thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, con người, đảm bảo an sinh xã hội, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng miền.
Trong cuộc chiến với dịch Covid-19, mặc dù Quảng Ninh đang ở thế chủ động nhưng trong thời điểm dịch đang bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trung bình những ngày gần đây ghi nhận 1.000 ca bệnh mỗi ngày, vì vậy tỉnh chỉ đạo tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Trung ương, của tỉnh theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, chủ động, tích cực, từ xa, từ sớm, từ cơ sở; tăng cường hơn nữa ý thức, trách nhiệm, nâng cao cảnh giác trong phòng, chống dịch của người đứng đầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()