Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 23:24 (GMT +7)
Phát triển KT-XH: Bức tranh thêm nhiều gam màu sáng
Thứ 6, 02/10/2020 | 12:19:20 [GMT +7] A A
Trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, năm 2020 được đánh giá là năm có nhiều yếu tố bất ngờ và bất lợi, tác động xấu đến việc hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng của Quảng Ninh. Tuy nhiên, vượt qua những thách thức, khó khăn, với các giải pháp quyết liệt, đúng đắn, kịp thời trong từng thời điểm để thực hiện “nhiệm vụ kép”, Quảng Ninh đã giữ được an toàn cho người dân trước đại dịch Covid-19; đáng chú ý, phát triển kinh tế của tỉnh đã ngày càng khởi sắc hơn vào những tháng cuối năm. Đây là điều kiện rất quan trọng để tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả năm 2020.
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh và nhà đầu tư thực hiện nghi thức động thổ dự án Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng, ngày 22/9. Ảnh: Đỗ Phương |
Khôi phục tăng trưởng nhiều ngành, lĩnh vực
Theo thống kê của Sở KH&ĐT, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng năm 2020 của tỉnh đạt 6,5%. Đặt trong bối cảnh những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng, thì đây là mức tăng trưởng tích cực. Trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng đạt mức tăng trưởng cao nhất là tăng 8,9%, tiếp tục đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Động lực chính tăng trưởng là ngành khai khoáng cũng tăng 5,5%. Khu vực nông - lâm - thủy sản duy trì ổn định, có sự tăng trưởng tăng 3,2%, đóng góp chung vào tốc độ tăng trưởng GRDP.
Khu vực dịch vụ được đánh giá chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh Covid-19, nhất là các hoạt động du lịch, thương mại, vận tải, vui chơi giải trí,... Sau khi dịch bệnh được kiểm soát vào cuối tháng 4/2020, Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu cả nước nhanh chóng có những giải pháp khôi phục hoạt động của ngành dịch vụ, du lịch, trong đó gói kích cầu du lịch đã mang lại hiệu quả rõ nét. Lượng du khách nội địa đến với tỉnh trong các tháng 5, 6 và 7 đã tăng dần trở lại, có những ngày đạt mức kỷ lục, thậm chí cao hơn thời điểm khi chưa có dịch.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 7/2020 khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại ở một số địa phương, Quảng Ninh tuy không có ca nhiễm nào nhưng do tâm lý và tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên lượng khách du lịch tới Quảng Ninh trong tháng 8 bị giảm mạnh (giảm tới 92% so với cùng kỳ năm 2019). Ngay sau khi dịch Covid-19 đợt 2 được kiểm soát tốt, Quảng Ninh tiếp tục triển khai gói kích cầu thứ 2 (Nghị quyết số 286/2020/NQ-HĐND về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 256/2020/NQ-HĐND ngày 14/5/2020 về một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch Quảng Ninh năm 2020 và thay thế Nghị quyết 266/2020/NQ-HĐND, ngày 9/7/2020) nhằm tái khôi phục các hoạt động du lịch, đến nay lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đã dần tăng trở lại.
Tổng khách du lịch đến tỉnh 9 tháng ước đạt 5,88 triệu lượt, bằng 52% cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Khách nội địa đạt 5,36 triệu lượt khách, bằng 74% cùng kỳ, khách quốc tế 516,8 nghìn lượt khách, bằng 13% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch đạt 12.343 tỷ đồng, bằng 56% cùng kỳ; thu ngân sách từ du lịch, dịch vụ đạt 1.611 tỷ đồng, chiếm 6,05% thu nội địa, bằng 31% cùng kỳ. Tính chung tăng trưởng khu vực dịch vụ 9 tháng qua tăng 3,5%. Theo đánh giá của ngành du lịch tỉnh, đây là con số tăng trưởng khá, đặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp. Qua đó, khẳng định Quảng Ninh vẫn là điểm đến an toàn, hấp dẫn của du khách trong nước.
Lãnh đạo tỉnh tiếp xã giao đoàn đại biểu các doanh nghiệp Hàn Quốc, ngày 28/8. Ảnh: Trúc Linh |
Về hoạt động xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt 1,592 tỷ USD, tăng 6,82% cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh đạt 1,893 tỷ USD, tăng 10,7% cùng kỳ.
Với việc tăng trưởng trở lại ở các ngành, lĩnh vực, tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2020 ước đạt 36.348 tỷ đồng, bằng 76% dự toán, tăng 5,8% cùng kỳ, trong đó: Thu nội địa đạt 26.631 tỷ đồng, bằng 72% dự toán năm, tăng 3,4% cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu đạt 9.700 tỷ đồng, bằng 88% dự toán năm, tăng 13% cùng kỳ.
Dồn lực cho những tháng cuối năm
Đặc biệt, chỉ từ cuối tháng 8 đến nay, Quảng Ninh đã thực hiện tổ chức hội nghị quy mô lớn xúc tiến thu hút đầu tư với các nhà đầu tư Hàn Quốc; động thổ dự án Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng; trao đổi với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước liên quan đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh... Đây là những tín hiệu vui, được kỳ vọng tạo đòn bẩy trong phát triển KT-XH của tỉnh thời gian tới.
Mặc dù vậy, đánh giá về tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2020, tại phiên họp Thường kỳ UBND tỉnh diễn ra ngày 28/9 vừa qua, lãnh đạo các sở, ngành đều cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, thách thức lớn. Trong đó, nhất là mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GRDP ở mốc hai con số cả năm 2020, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường; thu ngân sách có nhiều khoản chưa đạt; chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án đầu tư công còn hạn chế, tiến độ giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm còn chậm, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chậm so với yêu cầu đề ra. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 15,9% cùng kỳ, số đơn vị giải thể tăng 50,6% cùng kỳ, đơn vị tạm ngừng hoạt động tăng 25,9% cùng kỳ;...
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 9, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng khẳng định: Thời gian thực hiện nhiệm vụ năm 2020 không còn nhiều, do đó để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 2 con số, các sở, ngành, địa phương cần quyết liệt thực hiện đồng bộ giải pháp. Trong đó, cần tăng cường các giải pháp tập trung hỗ trợ, giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nhanh chóng triển khai các dự án tại Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, các khu công nghiệp (Sông Khoai, Đông Mai, Đầm Nhà Mạc, Nam và Bắc Tiền Phong, Việt Hưng giai đoạn 1 và 2…). Đối với ngành Du lịch, trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương liên quan cần phối hợp chặt chẽ, xây dựng các chương trình, sự kiện hấp dẫn, nổi bật để thu hút khách du lịch đến tỉnh. Mục tiêu thu hút khoảng 3 triệu khách du lịch đến tỉnh trong 3 tháng cuối năm.
Về thu ngân sách, bảo đảm nguyên tắc "có thu thì mới có chi". Đồng thời, tập trung giải quyết, rà soát các khoản thu ngân sách, nhất là thu thuế, phí, thu từ tiền sử dụng đất, thuế tài nguyên, khoáng sản, phí bảo vệ môi trường. Đặc biệt là tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án có sử dụng đất nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, đây là một trong những giải pháp để bù đắp phần hụt thu ngân sách từ các khoản thuế, phí dưới tác động của dịch Covid-19, đặc biệt là tại các địa phương như Hạ Long, Móng Cái, Quảng Yên...
Hồng Nhung
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()