Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:38 (GMT +7)
Để phát huy hiệu quả kinh tế tư nhân
Thứ 4, 17/01/2024 | 09:58:59 [GMT +7] A A
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW (ngày 3/6/2017) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được kết quả quan trọng, trở thành điểm sáng của cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Bám sát Nghị quyết số 10-NQ/TW, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU (ngày 8/7/2017), trong đó đã đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm nhằm thống nhất nhận thức về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, phòng chống các biểu hiện suy thoái, lạc hậu trong nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân. Chương trình cũng đề ra các nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế tư nhân nhằm phát huy thế mạnh và tiềm năng to lớn của kinh tế tư nhân trong phát triển KT-XH, đồng thời khắc phục những mặt trái trong quá trình phát triển kinh tế tư nhân.
Đến nay, việc triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân trong cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân được thống nhất đầy đủ, nhất quán; từ chỗ chưa nhận thức đầy đủ, thống nhất về bản chất, đóng góp của các thành phần kinh tế tư nhân, nay đã từng bước hiểu rõ vai trò, nhiệm vụ, vị trí, tính tất yếu khách quan của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; các chủ doanh nghiệp cơ bản đã có trình độ về công tác quản lý doanh nghiệp, mô hình kinh doanh và định hướng kinh doanh, nhận thức được sự cần thiết của việc hợp tác, liên kết với nhau để cùng phát triển.
Tỉnh Quảng Ninh đã tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế tư nhân phát triển. Trọng tâm là tập trung đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, đảm bảo liên thông, tổng thể từ hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng KCN, KKT.
Tỉnh khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân bằng việc tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức, trực tiếp thông qua các hội nghị do tỉnh, các bộ, ngành Trung ương tổ chức để quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư kinh doanh, định hướng thu hút đầu tư, các cơ hội đầu tư vào Quảng Ninh; tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể để giải quyết kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng hợp lý trên cơ sở nâng cao khả năng đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế; tạo mọi điều kiện để mọi thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận tín dụng.
Với những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, từ năm 2017-2023, toàn tỉnh đã có 10.555 doanh nghiệp được thành lập mới, cao hơn 1,7 lần mức trung bình giai đoạn 2011-2016, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến nay là 16.718 doanh nghiệp và chi nhánh đăng ký hoạt động, tổng số vốn đăng ký đạt 341.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 300 doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân có quy mô lớn, nguồn lực mạnh, tăng 50% so với năm 2015 (trước khi có Nghị quyết số 10-NQ/TU). Nếu như năm 2017, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân cho NSNN đạt 2.742 tỷ đồng, chiếm 10% tổng thu NSNN, thì đến hết năm 2022 đóng góp 6.304 tỷ đồng, chiếm 14% trong tổng số thu NSNN trên địa bàn tỉnh. Năng suất lao động của khu vực kinh tế tư nhân cũng tăng theo từng năm, nếu như năm 2017, năng suất lao động tăng 11,4%, thì hết năm 2022 tăng 15,6%.
Đặc biệt, từ hiệu quả phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, mà 9 năm liên tiếp (2015-2023) tỉnh Quảng Ninh duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 2 con số. Năm 2023, Quảng Ninh đứng thứ 3 cả nước, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Hồng về tăng trưởng kinh tế, với quy mô nền kinh tế đạt trên 315.000 tỷ đồng, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công tác đổi mới sáng tạo của Đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()