Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:18 (GMT +7)
Phát triển kinh tế từ "NÂU" sang "XANH"
Thứ 3, 24/10/2023 | 14:55:45 [GMT +7] A A
Đại hội XI của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, trong đó đã xác định: "Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược". Bám sát vào chiến lược này, suốt hơn một thập niên qua, Quảng Ninh đã ban hành và triển khai hàng loạt giải pháp ngắn và dài hạn để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột là thiên nhiên - con người - văn hóa; xây dựng văn minh sinh thái, lấy tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm, góp phần xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Quảng Ninh bên cạnh Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long phải nhắc đến “bể than” của vùng Đông Bắc với trữ lượng thăm dò gần 4 tỷ tấn. Lượng “vàng đen” này trải dài từ Cẩm Phả, Hạ Long đến Uông Bí, Đông Triều. Trung bình mỗi năm, các mỏ than cung cấp cho nền kinh tế trên 40 triệu tấn than nguyên khai. Giai đoạn từ năm 2011 trở về trước, cơ cấu thu nội địa của tỉnh Quảng Ninh chủ yếu dựa vào than. Bình quân mỗi năm số thu ngân sách nhà nước từ than chiếm khoảng 67% số thu nội địa toàn tỉnh.
Tuy nhiên, cùng với sức đóng góp to lớn, mô hình tăng trưởng dựa vào công nghiệp, chủ yếu là khai thác than ở Quảng Ninh ngày càng bộc lộ những mảng “nâu” với nhiều bất cập. Trung bình mỗi năm lượng đất đá thải từ các mỏ than lộ thiên của TKV lên tới 150 triệu m3. Trải qua hàng chục năm khai thác, hiện lượng đất đá thải ở vùng than Quảng Ninh đã lên đến hơn 1 tỷ m3. Khối lượng đất đá khổng lồ này đã chiếm dụng diện tích đổ thải rất lớn ở các địa phương, chủ yếu là TP Hạ Long và TP Cẩm Phả. Có thời điểm, những “quả bom đất” khổng lồ này đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và đời sống dân cư các khu vực giáp ranh khai trường mỏ lộ thiên. Vào mùa khô, lượng bụi phát tán từ hoạt động bóc xúc, vận tải, đổ thải ở các khai trường lộ thiên và các bãi thải mỏ đã gây ô nhiễm môi trường. Mùa mưa đến, nguy cơ sạt lở bãi thải xuống khu dân cư cũng từng là nỗi ám ảnh với người dân địa phương.
Không chỉ là trung tâm sản xuất than, Quảng Ninh còn là trung tâm của các nhà máy nhiệt điện, xi măng, vật liệu xây dựng, đóng tàu... lớn cả nước. Trải qua nhiều năm, các ngành công nghiệp này đã thải ra hàng trăm triệu tấn chất thải, tác động mạnh đến chất lượng môi trường, đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Điều này khiến cho Quảng Ninh đã phải đối mặt với rất nhiều mâu thuẫn và thách thức. Đặc biệt là mâu thuẫn giữa việc phát triển công nghiệp với phát triển du lịch, dịch vụ. Thách thức giữa phát triển công nghiệp hoá và đô thị hoá nhanh với giải quyết vấn đề môi trường sống; thách thức giữa phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Nhận định về tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, PGS.TS. Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay là một yêu cầu cấp bách đối với phát triển kinh tế của Việt Nam, nếu như không muốn bị tụt hậu so với các nước trên thế giới và khu vực. Do đó tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là con đường phát triển đúng đắn không chỉ trước mắt mà còn là lâu dài...
Quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, những năm qua Quảng Ninh đã cụ thể hóa chiến lược thành các mục tiêu, chỉ tiêu để tập trung thực hiện. Điều đó được thể hiện rõ nét trong các quy hoạch quan trọng của tỉnh. Đặc biệt là Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh do tư vấn Hoa Kỳ lập; Quy hoạch môi trường tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do tư vấn Nhật Bản lập. Đặc biệt, tại Nghị quyết số 236/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh "Về những chủ trương, giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020", công tác quản lý môi trường tập trung vào 7 nhiệm vụ: Quản lý môi trường nước; quản lý chất lượng không khí; quản lý chất thải rắn; quản lý rừng; bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu và giám sát môi trường.
Theo đó, hằng năm tỉnh đã chi không dưới 3% tổng chi ngân sách địa phương cho môi trường để thực hiện tốt 7 nhiệm vụ đã đặt ra (từ 650-800 tỷ đồng/năm), tập trung chủ yếu cho các nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải, nạo vét cống rãnh, vệ sinh môi trường và triển khai các nhiệm vụ, dự án, đề tài về môi trường. Tỉnh đã ban hành nhiều chương trình kế hoạch đi sâu vào quản lý từng thành phần môi trường, kiểm soát từng loại chất thải của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, như: Không khí, nước thải, chất thải sinh hoạt, chất thải nhựa...
Quảng Ninh hiện là một trong số ít các địa phương trong nước ban hành quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng, bè, giàn có sử dụng phao nổi. Trên cơ sở đó, tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương chuyển đổi lồng, bè, giàn bằng phao xốp sang vật liệu thân thiện với môi trường. Quảng Ninh cũng là tỉnh đi đầu trong di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư; xây dựng trạm quan trắc môi trường tự động (157 trạm).
Ông Vũ Trọng Hiệt, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh, cho biết: Tiêu chuẩn về phát thải ngày càng nghiêm ngặt hơn, yêu cầu giảm nồng độ bụi phát thải ra môi trường dưới tiêu chuẩn cho phép là điều kiện bắt buộc với các nhà máy sản xuất. Công ty đã lắp đặt trạm quan trắc môi trường tự động và các dữ liệu này đều công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân được biết, cùng giám sát chất lượng môi trường. Từ năm 2022 đến nay, Công ty đã đầu tư trên 150 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp công nghệ thiết bị sản xuất đối với dây chuyền của lò nung số 1 và số 2, riêng đầu tư cho thiết bị lọc bụi là 30 tỷ đồng/lò.
Quảng Ninh tăng cường chỉ đạo các đơn vị khai thác than trên địa bàn đảm bảo kinh phí cho bảo vệ môi trường. Riêng đối với TKV, tổng chi phí cho công tác bảo vệ môi trường hằng năm là hơn 1.000 tỷ đồng; trong đó 50% dành cho đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, 50% dành cho các công việc bảo vệ môi trường thường xuyên. TKV đang từng bước thực hiện lộ trình kết thúc khai thác than lộ thiên theo quy hoạch của Chính phủ. Kết quả này vừa thể hiện sự chủ động của TKV, vừa khẳng định mối quan hệ gắn bó, đồng hành hết sức chặt chẽ, hiệu quả giữa tỉnh Quảng Ninh và ngành Than trong phương châm phát triển bền vững.
Với quyết tâm, đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, Quảng Ninh đã đưa các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn vào Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh. Hiện tỉnh và TKV đã xây dựng các phương án sử dụng đất đá thải mỏ thay thế cho đất đá khai thác tự nhiên phục vụ san lấp các dự án, giúp không phá rừng, phá vỡ địa hình tự nhiên, mà còn giảm áp lực cho bãi thải mỏ, bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên và an toàn cho các khu dân cư.
Bên cạnh đất đá thải, tổng lượng nước thải ngành Than sau xử lý từ 120-150 triệu m3/năm, đã được một số đơn vị như: Than Nam Mẫu, Than Vàng Danh, Than Hạ Long, Than Hòn Gai, Than Cọc Sáu, Than Thống Nhất,... tận dụng để tái sử dụng phục vụ sản xuất than, qua đó vừa giảm chi phí sản xuất, vừa chủ động nguồn nước, tiết kiệm nguồn nước giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đã phối hợp với các nhà máy nhiệt điện tiêu thụ tro xỉ thải, tổng khối lượng tiêu thụ trên 7 triệu tấn/năm (chiếm trên 40% tổng lượng tro xỉ thải ra các bãi thải). Mô hình đồng xử lý, tận dụng nhiệt lượng chất thải công nghiệp thông thường trong lò nung xi măng của Công ty Xi măng Hạ Long, Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh đã giúp tiết kiệm chi phí hàng chục tỷ đồng/năm nhờ giảm 10-15% lượng than tiêu thụ, tro xỉ thải sau đốt được sử dụng để làm nguyên liệu phối trộn Clinker, đồng thời giảm áp lực xử lý chất thải tại các khu xử lý tập trung, tiết kiệm nguồn lực cho ngân sách và xã hội.
Bên cạnh thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn từ các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội cũng vào cuộc rất mạnh mẽ. Hội LHPN tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn các chi hội thực hiện thành công mô hình ủ phân hữu cơ từ rác thải, tái sử dụng chất thải nhựa, “biến rác thành tiền”; Tỉnh Đoàn với các mô hình tái chế, tái sử dụng chất thải; Hội Nông dân tỉnh đang triển khai Dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng, quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Hạ Long”...
Ông Trần Như Long, Giám đốc Sở TN&MT, nhấn mạnh: Để xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động toàn diện phía Bắc, giai đoạn tới tỉnh sẽ tiếp tục tận dụng tối đa nguồn đất đá thải mỏ, phục vụ cho các mục đích như san lấp mặt bằng, tạo nền móng cho các công trình xây dựng hạ tầng giao thông và xem xét giải quyết theo hướng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, thực hiện quản lý theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường thay cho việc quản lý như đối với khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản. Đồng thời xây dựng các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp sử dụng các nguồn năng lượng sạch, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tỉnh đặt ra lộ trình phấn đấu đến năm 2025 chấm dứt khai thác, đóng cửa toàn bộ mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường để hoàn nguyên môi trường. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh.
Mục tiêu tổng quát của Quảng Ninh về bảo vệ môi trường, quản lý giảm thiểu thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030 - Ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, suy thoái cạn kiệt tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học. - Cải thiện chất lượng môi trường. - Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. - Chủ động và tích cực đối phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập. - Hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải, các bon thấp. |
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()