Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:49 (GMT +7)
Ba Chẽ phát triển kinh tế rừng
Thứ 4, 03/01/2024 | 14:23:47 [GMT +7] A A
Với điều kiện tự nhiên trên 90% là rừng và đất rừng, những năm qua, huyện Ba Chẽ đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế rừng, đạt được kết quả đáng ghi nhận trong lộ trình xây dựng Ba Chẽ trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh, tạo sinh kế và thu nhập ổn định cho người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Không chỉ có ưu thế về diện tích đất rừng và rừng che phủ, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của Ba Chẽ phù hợp cho phát triển rừng đặc biệt là cây gỗ lớn, cây bản địa và các loại cây dược liệu. Đây là điều kiện thuận lợi giúp phát triển kinh tế lâm nghiệp với việc xây dựng vùng nguyên liệu gỗ tập trung, chế biến lâm sản cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.
Bình quân mỗi năm huyện Ba Chẽ trồng mới được hơn 3.300ha rừng, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 72,2%, đưa Ba Chẽ trở thành địa phương đứng đầu toàn tỉnh về công tác phát triển rừng. Triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh, huyện đã bổ sung nguồn lực để khuyến khích gia tăng diện tích rừng trồng gỗ lớn, cây bản địa, qua đó giúp các chủ rừng có thêm sự chủ động và quyết tâm trong đầu tư sản xuất lâm nghiệp theo hướng bền vững, thúc đẩy gia tăng giá trị rừng trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sử dụng tài nguyên rừng tại địa phương. Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản được thực hiện hiệu quả giúp gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho người nông dân. Các doanh nghiệp khi tham gia liên kết sản xuất với nông dân cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm nông nghiệp với giá cả ổn định.
Trong năm 2023, huyện đã trồng được hơn 363,74ha rừng gỗ lớn chủ yếu là lim, lát, giổi, đạt 86,6% kế hoạch và bằng 71,3% cùng kỳ; 506,1ha cây bản địa như quế, hồi, thông và trên 80ha ba kích, trà hoa vàng, cát sâm. “Việc triển khai thực hiện trồng rừng đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; góp phần tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức; nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp, các ngành trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ tài nguyên rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp” - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ Vi Thanh Vinh khẳng định.
Với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh, huyện Ba Chẽ đang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 gắn với thực hiện Đề án phát triển trồng rừng gỗ lớn; tiếp tục tập trung các nguồn lực, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút vốn đầu tư vào trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng, từng bước xã hội hoá nghề rừng; từng bước hình thành vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến gỗ, hình thành chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất lâm nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lâm nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ Khiếu Anh Tú, huyện đã lên kế hoạch triển khai đề án khoanh vùng trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; đẩy mạnh rà soát diện tích đất rừng đã giao cho cộng đồng thôn quản lý, diện tích đất theo bản đồ khoanh vùng trồng rừng gỗ lớn để triển khai trồng rừng gỗ lớn tập trung theo quy hoạch. Phấn đấu đến hết năm 2025, diện tích trồng rừng tập trung của huyện đạt trên 15.000ha bao gồm cả rừng gỗ lớn.
Để rừng thật sự trở thành nguồn sinh kế vững chắc, ổn định cho người dân, huyện Ba Chẽ cũng từng bước cơ cấu lại rừng sản xuất, chuyển đổi dần các loại cây có giá trị kinh tế thấp như keo, bạch đàn sang các loài cây có giá trị kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường, chuyển đổi việc trồng rừng thành ngành kinh tế sản xuất hàng hoá, hiệu quả và bền vững, góp phần đa dạng hoá kinh tế nông thôn, tạo việc làm và thu nhập, nâng cao mức sống cho những người làm nghề rừng nói riêng và nhân dân huyện Ba Chẽ nói chung.
Mai Linh
Liên kết website
Ý kiến ()