Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:55 (GMT +7)
Phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền
Thứ 4, 29/03/2023 | 08:07:32 [GMT +7] A A
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo. Đặc biệt, triển khai Nghị quyết số 23/NQ-CP (ngày 2/3/2022) của Chính phủ về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền, tỉnh đã có nhiều giải pháp quan trọng, từng bước cụ thể hoá mục tiêu Nghị quyết.
Lồng ghép hiệu quả các chính sách
Triển khai Nghị quyết số 23/NQ-CP, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương; tham mưu HĐND tỉnh ban hành 3 nghị quyết về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh.
Tỉnh ban hành kế hoạch triển khai, trong đó xác định 9 nhóm mục tiêu, 12 nhóm nội dung với 27 nhiệm vụ cụ thể, phân công tiến độ thực hiện với các sở, ngành, địa phương, gắn với thực hiện Nghị quyết số 08-NQ-TU (ngày 25/11/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh "Về phương hướng nhiệm vụ năm 2022", Nghị quyết số 06-NQ/TU và Chương trình hành động về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Trong năm 2022, tỉnh lồng ghép và cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh 492 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, 893 tỷ đồng thực hiện Chương trình dân tộc thiểu số; ủy thác qua Ngân hàng CSXH 150 tỷ đồng cho 1.008 hộ gia đình vay vốn tạo việc làm. Cùng với đó, tỉnh tập trung nguồn vốn các ngân hàng cho vay tại các xã thuộc phạm vi Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh uỷ để phát triển sản xuất, tạo việc làm.
Tính đến ngày 30/12/2022, doanh số cho vay các xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh là 3.562 tỷ đồng. Ngân hàng CSXH phối hợp hướng dẫn triển khai tín dụng chính sách tại địa bàn 65 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, cho 7.541 lượt khách hàng vay 541,9 tỷ đồng. Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn xây dựng, thẩm định, trình phê duyệt triển khai 8 dự án từ Quỹ hỗ trợ nông dân với trên 8,1 tỷ đồng; đồng thời phát huy hiệu quả 205 dự án nhóm hộ vay vốn trên 54 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong năm 2022, Ủy ban MTTQ các cấp vận động, tiếp nhận hỗ trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân 36,516 tỷ đồng. Bộ Quốc phòng hỗ trợ xây dựng 16 nhà ở, kinh phí 800 triệu đồng. Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phân bổ nguồn Quỹ Vì người nghèo và huy động các nguồn lực xã hội hoá hỗ trợ xây mới, sửa chữa 415 nhà ở, trị giá 19,75 tỷ đồng...
Những năm qua, thực hiện các điều ước quốc tế và thỏa thuận liên quan đến biên giới lãnh thổ, tỉnh Quảng Ninh quan tâm làm tốt công tác quản lý biên giới, đồng thời triển khai thực hiện 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Từ đó, nhiều vụ việc biên giới được phát hiện, thông tin, báo cáo và phối hợp giải quyết kịp thời, tham mưu cấp có thẩm quyền 2 bên giải quyết theo đúng Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
Trong năm 2022, tỉnh tổ chức thành công các hoạt động đối ngoại lớn, như: Hội nghị trực tuyến Chương trình gặp gỡ đầu Xuân 2022 giữa các Bí thư Tỉnh uỷ và Hội nghị lần thứ 13 Uỷ ban công tác liên hợp giữa các tỉnh: Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Đầu tháng 2/2023, tại tỉnh Hà Giang diễn ra Chương trình gặp gỡ đầu Xuân năm 2023. Tại chương trình, các bên thống nhất tiếp tục tăng cường giao lưu hữu nghị giữa các cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể; thúc đẩy khôi phục các hoạt động giao lưu, hợp tác đã bị tạm dừng trong thời gian dịch Covid-19; thúc đẩy triển khai bình thường hóa các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại hai bên. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy 2 nước sớm ký kết Thỏa thuận khung xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, làm cơ sở xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới.
Quảng Ninh và Quảng Tây thống nhất hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp 2 bên đầu tư phát triển dịch vụ logistics nhằm đẩy mạnh khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông, tạo chuỗi thương mại logistics Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) kết nối Khâm Châu - Bắc Hải - Phòng Thành Cảng (Quảng Tây, Trung Quốc). Các bên cũng thúc đẩy hợp tác xây dựng đồng bộ cửa khẩu, cửa khẩu “kiểu mẫu” có cơ sở hạ tầng đầy đủ nhất, hiệu suất thông quan cao nhất, dịch vụ thông quan tối ưu nhất.
Trong đó, Quảng Ninh và Quảng Tây thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng cửa khẩu song phương Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc), bao gồm lối thông quan Bắc Phong Sinh - Lý Hoả; tăng cường hợp tác du lịch, giao lưu nhân dân; tăng cường phối hợp giải quyết ổn thỏa các sự kiện biên giới theo quy định của 3 văn kiện pháp lý về biên giới cùng các thỏa thuận có liên quan.
Động lực kéo giảm khoảng cách vùng - miền
Xác định hoàn thiện hạ tầng giao thông là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh bám sát Nghị quyết số 23/NQ-CP, tiếp tục bố trí nguồn lực để đầu tư nhiều dự án trọng điểm. Điển hình là các dự án: Đường ven biển liên kết KKT Vân Đồn với KKT cửa khẩu Móng Cái, đoạn từ cầu Voi, xã Vạn Ninh đến tỉnh lộ 335 (giai đoạn 1); Cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1); đường kết nối cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; Khu hợp tác kinh tế qua biên giới khu vực đầu cầu Bắc Luân II; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (QL18C) từ KKT cửa khẩu Móng Cái đến KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh (giai đoạn 2)...
Đặc biệt, năm 2022 tỉnh hoàn thành và đưa vào sử dụng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có số km cao tốc lớn nhất nước, góp phần tạo đột phá về hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra không gian phát triển và tạo nguồn lực mới.
Bên cạnh đồng bộ hạ tầng giao thông, tỉnh chú trọng phát triển hạ tầng viễn thông. Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành xây dựng và phát sóng 54 trạm, xóa vùng lõm sóng ở 66 thôn (đạt 100%); triển khai hạ tầng và sẵn sàng cung cấp dịch vụ internet băng rộng cố định cho 97 thôn lõm cáp quang. Các đơn vị chức năng phê duyệt 159 vị trí trạm thu phát sóng di động (trạm BTS) cho các doanh nghiệp viễn thông rộng, nâng tổng số là 6.750 trạm hiện nay.
Thực hiện mục tiêu “Duy trì 100% số hộ dân trên địa bàn được sử dựng điện an toàn”, Công ty Điện lực Quảng Ninh xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp cải tạo, sửa chữa hệ thống lưới điện tại các địa phương Vân Đồn, Tiên Yên, Bình Lieu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Móng Cái, Hải Hà, mức đầu tư 83,269 tỷ đồng.
Tỉnh ưu tiên nguồn ngân sách tỉnh và địa phương để đầu tư, xây dựng, nâng cấp nhiều trường học theo tiêu chí chất lượng cao tại huyện biên giới đất liền (Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái), kinh phí trên 300 tỷ đồng. Điển hình: Đầu tư xây mới Trường THPT Bình Liêu (huyện Bình Liêu), Trường THPT Đường Hoa (huyện Hải Hà); xây dựng, nâng cấp Trường THPT Trần Phú (TP Móng Cái)...
Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp khu vực biên giới kết hợp với triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng NTM được tỉnh chú trọng. Tỉnh chỉ đạo thực hiện Đề án giao đất, giao rừng trên địa bàn các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; triển khai các chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững, trọng tâm là vùng đồng bào DTTS, biên giới, miền núi, hải đảo. Đến nay, đã hỗ trợ 5,815 tỷ đồng cho 235 hộ để trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa với diện tích 447ha; các địa phương tiếp tục vận động nhân dân đăng ký trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa năm 2022 đạt trên 1.400ha.
Tỉnh tăng cường chỉ đạo, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa qua biên giới. Trong đó, chú trọng tháo gỡ khó khăn, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có hoạt động xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu... Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.783 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu các doanh nghiệp trong tỉnh đạt 3.047 triệu USD; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu tỉnh đạt 14.500 tỷ đồng, riêng thu ngân sách xuất, khập khẩu qua đường bộ tăng khoảng 500 tỷ đồng; 2 tháng đầu năm 2023, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 3.000 tỷ đồng, bằng 223% cùng kỳ năm 2022.
Lồng ghép hiệu quả các chính sách, hết năm 2022, Quảng Ninh có 98 xã đạt chuẩn NTM, 54 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 26 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 13 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 2 địa phương đạt chuẩn NTM nâng cao; tỉnh hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu hiện đại, văn minh, gắn với đô thị hóa hài hòa, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nông dân, cư dân nông thôn. Quảng Ninh hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức bình quân chung cả nước.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()