Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:31 (GMT +7)
Phát triển kinh tế dưới tán rừng
Thứ 3, 07/12/2021 | 07:30:37 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm gần 70% diện tích tự nhiên của tỉnh. Với sự đa dạng về điều kiện lập địa, tự nhiên và vị trí địa lý, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế và dư địa cho phát triển kinh tế dưới tán rừng.
Để phát triển kinh tế dưới tán rừng, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát toàn bộ các diện tích đất lâm nghiệp để sản xuất nông lâm kết hợp theo mô hình trang trại lâm nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn địa phương và chủ rừng thực hiện đầy đủ quy định về nguyên tắc, đối tượng, tỷ lệ diện tích, phương thức sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp trồng rừng sản xuất và rừng phòng hộ. Tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án của các nhà đầu tư ngoài ngân sách có đủ năng lực về vốn, công nghệ, tổ chức sản xuất như: Tập đoàn TH về Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung tại huyện Đầm Hà; dự án trồng cây ăn quả và dược liệu kết hợp du lịch sinh thái tại huyện Tiên Yên, Bình Liêu; dự án đầu tư trồng cây ăn quả của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Phi Đạt tại TP Cẩm Phả... Qua đó, tận dụng tối đa diện tích đất rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.
Quảng Ninh đã quy hoạch 3 vùng trọng điểm phát triển dược liệu gắn với loài cây trồng cụ thể. Theo đó, vùng 1 gồm các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên, Móng Cái tập trung phát triển loài cây chính là hồi, quế, kim ngân và các loài dược liệu có thế mạnh; vùng 2 gồm các địa phương Ba Chẽ, Cẩm Phả phát triển loài cây chính là trà hoa vàng, ba kích, cát sâm, quế và một số loài dược liệu có thế mạnh; vùng 3 là thung lũng dược liệu Ngọa Vân - Yên Tử trên địa bàn các địa phương Uông Bí, Đông Triều, Hạ Long phát triển loài cây chính là đinh lăng, gấc, cát sâm, nghệ vàng. Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung chọn, tạo giống, bảo tồn giống lâm sản ngoài gỗ có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp ở các địa phương để xây dựng vườn giống; xây dựng quy trình, hướng kỹ thuật cây trồng, khai thác và chế biến cho các loài cây trồng lâm sản ngoài gỗ trọng điểm; khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển lâm sản ngoài gỗ...
Thời gian qua, các địa phương đã chủ động triển khai hiệu quả một số mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng, nâng cao giá trị của rừng, tăng thu nhập cho người dân.
Điển hình, như huyện Ba Chẽ, với diện tích đất lâm nghiệp chiếm 91%, Ba Chẽ được định hướng trở thành một trong những trung tâm dược liệu xanh của tỉnh Quảng Ninh và vùng Đông Bắc. Huyện đã quy hoạch các vùng trồng cây dược liệu; triển khai Đề án bảo tồn và phát triển dược liệu trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025, trong đó, phấn đấu trồng mới trên 100ha/năm các loài dược liệu; xây dựng mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ dược liệu khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2018-2020 tại xã Thanh Lâm với đối tượng chính là cây ba kích được trồng xen dưới tán rừng keo, trám, giổi, cây ăn quả cho năng suất đạt 5 tấn/ha, thu nhập 350 triệu đồng/ha/năm…
Hay như, người dân các xã Đồng Sơn, Đồng Lâm và Kỳ Thượng (TP Hạ Long) lựa chọn cây khoai sọ nương trồng dưới tán cây keo, vừa phù hợp với thổ nhưỡng tại đây, vừa đem lại giá trị kinh tế cao. Để nâng cao chất lượng cây khoai sọ, năm 2016, địa phương đã triển khai thí điểm mô hình trồng phục tráng giống khoai sọ nương, tăng khả năng thích ứng, năng suất bình quân đạt 5-6 tấn/ha, nơi đất tốt đạt 10-12 tấn/ha. Ngoài ra, thành phố cũng đã hình thành vùng trồng cây dược liệu với diện tích hơn 150ha, tập trung ở các xã Quảng La, Bằng Cả, Ðồng Lâm, Ðồng Sơn, Tân Dân.
Huyện Hải Hà đã thực hiện mô hình trồng khảo nghiệm cây tài lệch dưới tán rừng tại bản Tài Chi, xã Quảng Sơn từ tháng 4/2020. Dự kiến, mô hình sẽ cho thu hoạch sau 4 năm, năng suất dự kiến 5 tấn/ha, doanh thu bình quân 1 năm dự kiến đạt 100 triệu đồng/ha/năm. Đây là nguồn thu lớn ngoài giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân, góp phần vào phát triển rừng.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()